BannerHieude

Lịch sử

Tề Bạch Thạch với tranh vẽ tôm
07/08/2013 10:26| 11854 Lượt xem| 0 Lượt yêu thích
Tề Bạch Thạch (Qi Baishi, 齐白石, 1863-1957) là một trong những họa sĩ nổi tiếng của hội họa đương đại Trung Quốc. Các bút danh của ông là Qi Hoàng (齐璜) và Qi Wèiqīng (齐渭清). Ông tên thực là Tề Thuần Chi.
Năm 27 tuổi học vẽ, được thầy đặt tên là Hoàng, tự là Tần Sinh, hiệu là Bạch Thạch. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở quận Tương Đàm (湘潭), tỉnh Hồ Nam. Tề Bạch Thạch học trễ một năm do bệnh, cơ thể ốm yếu. Năm 15 tuổi, ông học nghề thợ mộc với ông Tề Tiện Hựu, là em ruột của ông nội. Năm sau chuyển qua học chạm gỗ với ông Chu tử Mỹ và sớm trở thành một bậc thầy trong nghề này. Người ta gọi ông là «Chi mộc tượng» (Thợ mộc tên Chi). Năm 19 tuổi ông kết hôn với cô Trần Xuân Quân, lớn hơn ông một tuổi. Sau này bà còn cưới cho ông thêm cô vợ lẽ, mới 18 tuổi, tên là Hồ Bảo Châu, người huyện Phong Đô, tỉnh Tứ Xuyên, lúc đó Tề Bạch Thạch đã 57 tuổi.

Tề Bạch Thạch là tấm gương hiếu học, ông luôn nỗ lực để trở nên lão luyện với các bộ môn nghệ thuật : thơ ca, thư pháp, hội họa, khắc dấu.... ông vẽ thiếu nữ rất đẹp cho nên những thiếu nữ trong tranh của ông được người đời mệnh danh là «Tề Mỹ Nhân» (Người đẹp họ Tề.). Ông tự học bằng cách sao chép các họa tiết từ bức “Vườn giống mù tạt" (芥子 园 画 传) - tranh nổi tiếng thời nhà Thanh.Các hình tượng trong tranh của ông là những loại thú vật, côn trùng, phong cảnh, đồ chơi, cây cỏ, các loại rau... Những năm sau này, ông có nhiều tác phẩm mô tả những con chuột, tôm hoặc chim. Tề Bạch Thạch đặc biệt nổi tiếng với những bức tranh vẽ tôm, đến mức khi nói đến Tề Bạch Thạch là nói về tranh vẽ tôm hoặc nói đến họa sĩ Từ Bi Hồng là tranh vẽ ngựa, cả hai nghệ sĩ đã thể hiện rất đặc trưng và ấn tượng với những con vật này, cả hai ông đều có ảnh hưởng lớn trong sự phát triển của nghệ thuật Trung Quốc hiện đại.

Tề Bạch Thạch không được đào tạo chính thức trong lĩnh vực nghệ thuật, tuy nhiên, ông cố gắng để làm chủ các kỹ thuật khác nhau như thư pháp và khắc dấu. Tề Bạch Thạch chịu ảnh hưởng nhiều từ các họa sĩ Xu Wei (徐渭), vào thời nhà Minh và họa sĩ Zhu Da (朱耷,即"八大山人"), triều đại nhà Thanh. Ông cố gắng tự học tập bằng cách sao chép tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Thạch Đào, Bát Đại Sơn Nhân, Từ Vị, Kim Đông Tâm, Ngô Xương Thạc, Trần Sư Tăng, Từ Bi Hồng... Sau này ông theo học ở Thượng Hải, và gặp Changshuo Wu (吴昌硕), người sau đó đã trở thành cố vấn và nhiều tác phẩm của ông đã truyền cảm hứng cho Tề Bạch Thạch. Khoảng mười lăm năm sau, ông gặp Qi Chen Shizeng (陈师曾) và ảnh hưởng một phần từ họa sĩ này, sau khi ông định cư tại Bắc Kinh.

Tề Bạch Thạch thích đi đó đây để tìm kiếm cảm hứng vẽ tranh, lúc này ông độ tuổi 40, ông đã đến những nơi như Hoa Sơn, Tây Nhạc, Trung Sơn, Tung Sơn, Lư Sơn, Nam Xương, Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Châu, Quế Lâm, Nam Kinh, Tô Châu, Giang Tây, Thiểm Tây, Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải, Hương Cảng... năm 1907 ông có sang Việt Nam . Năm 45-46 tuổi ông sống tại Quảng Châu, sống bằng nghề khắc triện. Ông thường kết giao với các danh họa gia như Bát Đại Sơn Nhân, Từ Thanh Đằng, Kim Đông Tâm...Trong đời ông, có họa sĩ Từ Bi Hồng và Trần Sư Tăng là người tri kỷ, bạn thân thiết tâm giao của ông. Năm 48 tuổi, ông về quê xây dựng một ngôi nhà và sống ổn định. Ông bắt đầu vẽ tranh phong cảnh, nguồn tư liệu là những ghi nhận từ những chuyến chu du. Cũng từ đây, ông nghiên cứu cổ văn, thi từ và  viết tác phẩm Tá Sơn Đồ Quyển, gồm 52 bức họa và 24 bức vẽ đá.

Với độ tuổi năm mươi, ông đã được coi là một họa sĩ trưởng thành với phong cách hội họa của mình. Tề Bạch Thạch phân tích lối vẽ của các danh họa trước đây, đồng thời thoát ra khỏi khuôn mẫu truyền thống đó, để sáng tạo một họa pháp riêng. Tề Bạch Thạch nhận ra rằng hội họa hiện tại của Trung Quốc luôn đi theo những khuôn mẫu, bút pháp trước đây, không thay đổi, sáng tạo. Ông đã bỏ lối Công bút (Tề tất họa - Xieyi ), tức là lối vẽ công phu tỉ mỉ, tả chi tiết sát với cảnh thực của cổ nhân, những tranh này thường gắn với thơ từ, lời đề, chữ khắc cổ,  loại tranh này đẹp mắt, hào hoa, có giá trị trang trí, bề thế, nên trong lịch sử Trung Hoa nhiều họa sĩ cung đình đều áp dụng lối vẽ này để thể hiện sự quý phái của triều đình.

 Tề Bạch Thạch không theo phong cách trên mà dùng lối Ý bút  (Thô tất họa - Đà Xieyi), là tranh thủy mặc ngụ ý dùng đường nét giản đơn, phóng khoáng, ngụ ý vào cảnh vật, một lối vẽ với cái nhìn bao quát để nắm bắt tinh thần đối tượng, với cách “phóng bút” theo cảm giác, nhấn mạnh cái tinh thần của vật và cảnh Lối vẽ này không cần cảnh vật trong tranh có sát đúng với đối tượng được miêu tả hay không, mà là áp dụng rộng rãi các thủ pháp: khái quát, khuếch đại, vận dụng suy tưởng với mức độ lớn nhất, gửi gắm tình cảm, cá tính của mình vào đối tượng được phác họa. Tác phẩm dạng này mang tính tức cảnh, tùy hứng, nhấn mạnh hiệu quả bất ngờ, ngẫu hợp, vì thế không dễ sao lại những tác phẩm này.

Tề Bạch Thạch trồng hoa, nuôi cá kiểng, nuôi tôm cua quanh nhà của mình, để nghiên cứu tinh thần của thảo trùng, hoa điểu vào trong tranh.Tranh ông đơn sơ mộc mạc mà sinh động, đầy sức sống. Ông dựa trên thực tế để thử nghiệm, không ngừng tìm những cách thức mới, tích hợp sự thật và cái đẹp tạo ra một cái gì đó khó mà tưởng tượng ra, và tạo nên một phong cách riêng độc đáo của mình. Các nghệ sĩ khác ca ngợi ông đã mang đến sự tươi mát cho những hình ảnh quen thuộc thông thường hằng ngày, với các loài chim, hoa, côn trùng và cây cỏ... các ẩn sĩ, học giả và các phong cảnh của mình. Sự đơn giản và  mạnh mẽ của ông hòa với tính ngây thơ như trẻ con được kết hợp để mang lại cho người xem những hình ảnh đẹp nhất trong nghệ thuật Trung Quốc. Tranh của ông nổi tiếng nhất và hấp dẫn nhất vẫn là vẽ tôm. Tề Bạch Thạch giả thuyết rằng "bức tranh phải là cái gì đó giữa ảnh thật và làm cho khác đi". Tề Bạch Thạch còn thử nghiệm với các loại cọ vẽ riêng biệt của mình mà rất ít nghệ sĩ khác dùng. Số lượng tranh của ông rất nhiều và đa dạng, tập trung vào những điều nhỏ nhặt, không phải là những quanq cảnh lớn của thế giới tự nhiên mà là tìm kiếm những đối tượng yêu thích của mình như tôm, cá, cua, ếch, côn trùng ... Sử dụng mực đậm, màu sắc tươi sáng, mạnh mẽ và dứt khoát, ông đã tạo ra tác phẩm một cách tươi mới và sống động, thể hiện tình yêu của mình với thiên nhiên và cuộc sống.

Tề Bạch Thạch đã nhanh chóng trở thành nghệ sĩ hiện đại của Trung Quốc, nổi tiếng nhất và thực sự là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế giới. Tề Bạch Thạch là một Picasso của Trung Quốc. Tề Bạch Thạch nổi tiếng không kém đại danh họa tiền bối là Ngô Xương Thạc, lúc bấy giờ người đời xưng tụng câu "Nam Ngô Bắc Tề" (phương Nam có Ngô Xương Thạc, phương Bắc có Tề Bạch Thạch). Chính họa pháp độc đáo của Tề BạchThạch làm giới phê bình mỹ thuật ở Tây phương phải kinh ngạc, L.Smôticôva, nhà phê bình mỹ thuật của Liên Xô, trong Báo Ảnh Liên Xô (số 9-1984) nhận định về Tề Bạch Thạch như sau: «Sống giữa hai thế kỷ, khi nhiều họa sĩ Trung Quốc quay sang nghệ thuật Châu Âu, Tề Bạch Thạch đã chọn những người thợ dân gian lão luyện làm thầy. Và kết quả thật ngược đời: Không liên quan tới một khuynh hướng hội họa mới mẻ nào, thế nhưng ông đã trở thành họa sĩ hiện đại một cách lạ kỳ, tên tuổi của ông đã trở thành vốn quý của nền văn hóa thế giới.» Một nhà phê bình khác thì bảo: «Khi người ta còn yêu hòa bình, mặt trời và vẻ đẹp của thiên nhiên thì nghệ thuật của Tề Bạch Thạch còn cần cho con người.»

Với tài năng của mình, Tề Bạch Thạch đã trở thành một tên tuổi lớn của hội họa Trung Quốc, ông được mời giảng dạy tại trường quốc lập Nghệ Thuật Bắc Kinh (đến năm 1928 trường đổi tên là Học Viện Mỹ Thuật). Dịp này ông xuất bản "Tá Sơn Ngâm Quán Thi Cảo Ấn Phổ". Năm ông 86 tuổi (1946), ông đi Nam Kinh tổ chức triển lãm. Đợt triển lãm này do Hội Mỹ Thuật Toàn Quốc Trung Hoa đỡ đầu. Toàn bộ tranh của ông đem triển lãm được chiếu cố nhiệt liệt và được mua hết. Năm 1953 Tề Bạch Thạch được bầu làm chủ tịch của Hội Nghệ sĩ Trung Quốc.Ông đã hoạt động nghệ thuật đến hết cuộc đời của mình và phục vụ một thời gian ngắn với vai trò Chủ tịch danh dự của Học viện Hội họa Bắc Kinh, thành lập vào tháng 5, năm 1957.

Ông qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 16 tháng 9 năm 1957, thọ 94 tuổi.

 

 

 

 

 

 











 

Họa sĩ Nguyễn MInh sưu tầm từ nguồn tư liệu sách báo, tự điển Wiki, web site Trung Hoa...

người thích

Bài viết mới cập nhật

Cố vật ở nước ngoài

Cặp đĩa thời Tây Sơn

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €4.508

Cái tiềm trang trí Long hý thủy

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €4.894

Đôi bình bát tràng

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €2.061

Vò gốm Gò Mun.

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €322

Cốc gốm Gò Mun

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €283