Bộ đồ trà vẽ tích Mai hạc, đề thơ Nôm, đủ 4 món: dầm-bàn-tống-tốt. Tôi trải chiếu, soạn mứt bánh lên chiếc kỷ trà, rồi giúp mệ bày hỏa lò, quạt than, đặt siêu đồng đun nước.
Mệ Nho là người hoàng phái, chủ nhân bộ sưu tập đá kiểng nổi tiếng bên chợ Cống. Tôi quen mệ năm 1989, khi đi tìm tư liệu để làm luận văn tốt nghiệp đại học về đề tài đồ sứ men lam Huế. Mệ bảo: “Tui kết bạn với anh vì thấy anh ham mê học hỏi những món đồ xưa, vốn chỉ thích hợp với những kẻ thất thập cổ lai như tui”.
Thi thoảng, mệ mời tôi qua nhà uống trà, ngắm vườn đá mà mệ dành cả đời để sưu tập và bàn chuyện cổ ngoạn. Sau không hiểu vì sao, mệ bán hết đá kiểng trong vườn, rồi chuyển những cuộc thưởng trà sang căn phòng nhỏ của tôi trong góc Đại Nội. Mệ thở dài: “Chuyện dài lắm, khi mô rảnh rỗi, tui kể anh nghe”. Tôi nghe vậy thì biết vậy, không hỏi chi thêm.
Mệ tự tay rửa chén, tráng ấm pha trà, rồi cùng tôi đối ẩm. Hết tuần trà đầu tiên, bất chợt mệ hỏi: “Anh có thấy hai câu thơ trên bộ đồ trà ni có điểm chi lạ không?”. Lúc đó, tôi mới để ý xem xét, từ chiếc đĩa bàn đến chiếc đĩa dầm; soi kỹ cả 4 chén quân lẫn 1 chén tống. Vẫn là câu thơ Nôm: “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người quen”, viết làm 3 dòng, như trên những chiếc đĩa trà Mai hạc khác mà tôi từng biết. Hồi lâu, tôi mới phát hiện ra một vài điểm lạ trên chiếc đĩa này: Thứ nhất, bộ đồ trà của mệ Nho có tuổi men rất già, hiệu đề Kim tiên kỳ ngoạn, khác với những đồ trà Mai hạc khác thường đề Ngoạn ngọc. Thứ hai, chữ là trên chiếc đĩa của mệ Nho viết phồn thể, trong khi chữ là trên các món đồ kia thường viết giản thể. Thứ ba, chữ người ở đây có bộ nhân viết ở phía trước, trong khi chữ người trên những bộ đồ Mai hạc khác thường viết bộ nhân ở phía sau. Thứ tư, chữ quen ở đây mượn âm từ chữ quyển trong Hán tự, còn ở những bộ khác, thường mượn âm từ chữ quyên.
Tôi thưa với mệ Nho những nhận xét của tôi. Mệ khen: “Anh tinh mắt hơn tôi tưởng. Hậu sinh khả úy”. Rồi mệ thủng thẳng: “Người chơi đồ xưa có niềm lạc thú là mỗi lần thưởng lãm, là một lần thấy những điều thú vị mới mẻ trên những món đồ tưởng như đã rất quen thuộc với mình. Anh đã thấy được những điểm khác biệt rồi, thì hãy tìm hiểu vì sao cớ sự như rứa?”.
Tết này là trọn mười năm sau cuộc thưởng trà năm ấy, người bạn vong niên của tôi đã thành người thiên cổ. Tôi về làm việc trong Musée Khải Định (từ của mệ Nho thường nói với tôi), nơi có hơn 2000 món đồ sứ men lam Huế, có cả đồ trà mai hạc. Tôi làm bạn với nhiều người trong giới đồ xưa, được xem thêm nhiều bộ đồ trà Mai hạc. Riêng lòng vẫn nhớ lời dặn của mệ Nho là phải “tìm hiểu vì sao cớ sự như rứa?”.
Chừng ấy năm đọc sách và đi đây đi đó để tìm hiểu đồ xưa, tôi đã thâu lượm được một số thông tin về đồ Mai hạc. Nay xin chép ra đây, trước để tưởng nhớ mệ Nho, sau để hầu độc giả yêu cổ ngoạn đọc vui trong ba ngày Tết.
Học giả Vương Hồng Sển, trong các bài viết về đồ Mai hạc trước đây, luôn cho rằng đồ Mai hạc là do thi hào Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc mang về vào năm Quý Dậu (1813). Vương tiên sinh dựa vào một giai thoại trong bài viết của Bùi Thế Mỹ in trong tập san của Hội khuyến học Nam Kỳ vào năm 1943: Tương tuyền lúc Nguyễn Du đi sứ sang Tàu, có đến thăm một lò chế tác đồ sứ, gặp dịp người ta đang làm một bộ đồ trà, vẽ kiểu Mai hạc. Chủ lò nhã ý mời quan chánh sứ An Nam phẩm đề một đôi câu thơ lên món đồ. Nguyễn Du đã dùng chữ Nôm của nước nhà mà đề rằng: “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ hạc là người quen”. Bùi tiên sinh thêm lời bình phẩm: “Bộ đồ trà ấy rất đáng bảo tàng. Nghe đâu như ở phía Bắc Trung kỳ có người đã kiếm được. Với bộ đồ trà quý báu ấy, chúng ta đã có thể nói một cách tự hào rằng: cái ngày cụ Nguyễn Du đã đi sứ sang Tàu đó, không những cụ đã vâng sứ mạng của triều đình, mà đồng thời cũng là vị sứ giả đầu tiên cho văn chương An Nam ở ngoại quốc nữa!”.
Giai thoại thì hay nhưng không có tư liệu để kiểm chứng. Trong khi, một bài viết in trong tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) vào năm 1929 của một tác giả người Pháp, dẫn lời ông Hồ Đắc Khải, một quan chức cao cấp của triều Nguyễn thuở ấy cho biết tác giả hai câu thơ Nôm trên là Định Viễn quận vương Nguyễn Phúc Bính, con trai của vua Gia Long. Ngoài ra, ở Huế còn thịnh hành một thuyết khác cho rằng vị phó sứ Đinh Phiên trong sứ bộ sang Thanh năm 1819 mới là tác giả của hai câu thơ Nôm trên.
Thực ra trước đó, người Trung Hoa đã vẽ tích mai hạc lên đồ sứ, với ý nghĩa mai tượng trưng cho sự thanh cao; hạc là biểu tượng của trường tồn, kèm hai câu thơ chữ Hán: “Hàn mai xuân tín tảo. Tiên hạc tháo chi đầu”. Hoa-Việt đồng văn, đồng cảm, nên mới sinh xuất cả thơ Hán lẫn thơ Nôm, cùng đề vịnh cho một đề tài Mai hạc trên đồ sứ: “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, hạc là người quen”.
Sự hiện diện của món đồ Mai hạc đề thơ Nôm đã tạo nên một “cơn sốt” chuộng đồ Mai hạc thuở ấy. Dù chưa rõ ai là tác giả của câu thơ trên, nhưng có một sự thực hiển nhiên là câu thơ: “Nghêu ngao vui thứ yên hà. Mai là bạn cũ hạc là người quen” có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong số 10 bài thơ chữ Nôm hiện hữu trên những đồ sứ Việt Nam ký kiểu ở Trung Hoa. Câu thơ này xuất hiện trên những bộ đồ trà và những chiếc tô sứ dùng để dâng nước cúng trên bàn thờ. Những món đồ Mai hạc đề thơ Nôm này xuất hiện khắp nơi, nhưng nhiều nhất là ở miền trung Trung Bộ, nơi có các cảng thị như Hội An, Thi Nại. Tuổi men của những món đồ Mai hạc này cũng không đồng đại, có khi “vênh nhau” cả trăm năm.
Câu thơ Nôm này cũng chiếm kỷ lục về viết sai và viết xấu. Sai cả tự dạng lẫn bố cục xếp đặt câu thơ. Là thơ lục bát, nhưng khi xuất hiện trên đồ sứ, chúng thường được viết từ phải sang trái, theo các trật tự: Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là/ bạn cũ hạc là người quen (3 dòng); Nghêu ngao vui thú yên/hà Mai/là bạn cũ hạc là/người quen (4 dòng) hay Nghêu ngao vui thú/yên hà Mai/là bạn cũ hạc/là người quen(4 dòng). Nguyên do là vì thơ viết bằng chữ Nôm, thứ chữ do người Việt vay mượn từ chữ Hán mà tạo nên. Thợ Tàu, do không hiểu nghĩa, nhưng thấy tự dạng giống với Hán tự, cứ tùy tâm phóng bút nên mới viết sai. Thơ theo thể lục bát, cũng là thể thơ riêng của người Việt. Thợ Tàu không hay cứ tùy nghi phân đoạn thơ Nôm theo kiểu Tàu, nên mới đem râu ông nọ cắm cằm bà kia. Năm ngoái, nhà sưu tập Đoàn Phước Thuận từ Tuy Hòa báo tin cho tôi anh vừa mua được chiếc đĩa trà Mai hạc, có hai câu thơ chữ Nôm viết đúng thể lục bát. Nghe xong tôi mừng quýnh, vội vàng khăn gói đi Tuy Hòa để xem. Hỡi ôi! Cũng viết hai dòng theo thể lục bát thật, nhưng bác thợ Tàu chuyên nghề tả tự, tức cái nghề viết chữ lên đồ sứ, đã tả như sau: Nghêu ngao vui thú yên hà Mai là/ bạn cũ hạc là người quen (8-6). Mới hay, thơ lục bát là “hồn vía” của dân Việt, nên bác thợ Tàu kia, dù là người “có chữ” nhất lò, cũng chỉ hiểu thơ lục bát đến thế mà thôi.
Lần đọc sử sách, kết hợp với những chuyến điền dã khảo sát phế tích các cảng thị ở Hội An, Thị Nại, Tuy Hòa; và đặc biệt, là từ câu chuyện của ông chủ lò sứ trong trấn diêu ở Cảnh Đức Trấn, nơi các triều đình Việt Nam cử người đi ký kiểu đồ sứ trong suốt 3 thế kỷ trước đây, tôi dần hiểu vì sao dòng đồ Mai Hạc lại phong phú và đa cấp như vậy. Theo lời một chủ lò sứ ở Cảnh Đức Trấn, người Trung Hoa vốn rất nhạy bén trong kinh doanh, khi biết người Việt chuộng đồ Mai Hạc đề thơ Nôm, đã đua nhau làm đồ Mai Hạc chở sang Việt Nam bán. Đó là những món đồ mang các hiệu đề: Ngọc, Ngoạn ngọc, Nội phủ, chất lượng không cao, nét vẽ không sắc sảo, chữ Nôm viết sai hoặc thiếu nét do nạn tam sao thất bổn khi sao chép. Ngoài ra, chữ Nôm là thứ chữ được “sáng chế” và vay mượn từ Hán tự. Mỗi vùng, mỗi thời có những kiểu thức “sáng chế” và vay mượn khác nhau, nên đôi khi cùng một nghĩa Nôm, nhưng có rất nhiều tự khác nhau. Việc này gây bối rối cho người thợ Tàu, khi họ phải viết chữ Nôm lên đồ sứ Mai hạc, nên mới sinh sự “tự dạng bất nhất”, khiến mệ Nho phải thắc mắc.
Huế là đất kinh kỳ, đất của các dòng đồ sứ ký kiểu ngự dụng, quan dụng; có hiệu đề mang đế hiệu các vua Nguyễn; có hoa văn, họa tiết nhất mực tuân thủ thể thức của triều đình, nên đố ai dám đem đồ sứ ký kiểu giả danh vào bán ở Huế đô. Các tàu buôn Trung Hoa chở những món đồ “nhái” này, phải đi “né” vào phía nam, cập các cảng Hội An, Thị Nại, Tuy Hòa. Nhờ đó, những xứ này mới lắm đồ Mai Hạc hạng hai, nhiều hơn cả đồ Mai Hạc thứ thiệt ở đất thần kinh.
Tôi cầu mong hương hồn mệ Nho chấp nhận bài viết này như một lời giải thích cho cái “cớ sự” năm xưa. Đó cũng là tuần trà Huế, rót trong những chiếc chén trà mai hạc, chỉ là thứ Mai Hạc hạng hai, tôi kính mời mệ Nho cùng độc giả thưởng thức nhân ngày đầu năm mới.