Đại đức Thích Minh Tâm hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng chiếu thưởng công “Dũng tướng quân” do vua Thiệu Trị (nhà Nguyễn, năm 1847 nguyên niên) ban cho vị quan Tôn Thất Trực được giao trấn giữ Thành Điện Hải...
Trong đó có chiếu thưởng công “Dũng tướng quân” do vua Thiệu Trị (nhà Nguyễn, năm 1847 nguyên niên) ban cho vị quan Tôn Thất Trực vốn trước đã có công, khi được giao nhiệm vụ giữ Thành Điện Hải có tầm chiến lược quan trọng đã “ra tay võ nghệ giỏi, không sợ đạn tên, hiên ngang việc binh đao, đầu đuốc khí tiết, trước sau cương trực, có tài, công lao tiếng tăm”.
Đại đức Thích Minh Tâm cho hay, trong chuyến đi hoằng truyền giáo pháp Phật giáo ở các nước châu Âu năm 2007, Đại đức có dịp ghé vùng Bordeaux ở miền Nam nước Pháp và đến thăm một khu phố Tàu chuyên buôn bán đồ cổ. Nhờ biết tiếng Hán và tiếng Nôm nên Đại đức phát hiện tại đây có nhiều văn vật của Việt Nam mà nhiều người nhầm tưởng là của văn hóa Trung Quốc đang lưu lạc, trong đó có di vật rất quý của thời nhà Nguyễn liên quan đến di tích Thành Điện Hải nên mua lại và nay hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng.
cùng bản sắc chỉ sứ bộ về kiểm tra Thành Điện Hải của triều Nguyễn...
“Đa số sắc phong thời nhà Nguyễn đều được in nhưng riêng sắc phong dưới triều Thiệu Trị đều được vẽ bằng tay. Trong số khoảng 300 sắc phong thời nhà Nguyễn mà tôi đang lưu giữ thì chiếu thưởng công “Dũng tướng quân” cho Ngài Tôn Thất Trực là sắc phong có mỹ thuật đẹp nhất trong số các sắc phong dưới triều Thiệu Trị, được vẽ bằng tay và chấm từng đường nét rất chi tiết!” – Đại đức Thích Minh Tâm cho hay.
Cùng với sắc phong này, Đại đức Thích Minh Tâm cũng hiến tặng Bảo tàng Đà Nẵng bản sắc chỉ sứ bộ về kiểm tra Thành Đà Nẵng (tức Thành Điện Hải) của triều Nguyễn. Theo Đại đức Thích Minh Tâm: “Khi một vị quan đi sứ, đến vùng đất nào thì được nhà vua ban chỉ sự. Nhận được sắc chỉ như thế này, vị quan đó phải đốt ngay, không được tiết lộ ra ngoài vì đây là công hàm mật, nhưng không hiểu sao sắc chỉ này vẫn giữ được cho đến hôm nay”.
và các cổ vật Phật giáo có niên đại từ thế kỷ 17 - 18 (Ảnh: HC)
Ngoài hai bản sắc phong và sắc chỉ có liên quan trực tiếp đến Thành Điện Hải kể trên, Đại đức Thích Minh Tâm còn hiến tặng Bảo tàng Đà Nẵng 04 bản sắc phong thời vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 28 (năm 1767), thời vua Khải Định nhà Nguyễn… cùng một số tư liệu lịch sử có giá trị khác và 03 pho “Tam Thế” (gồm tượng Đức Phật Bổn sư Thích ca, Phật A Di Đà, Phật Dược sư), 01 pho tượng “Cửu Long phún thủy” (9 con rồng phun nước đón Đức Phật Đản sanh) và 02 pho tượng Đức Ông, Đức Thánh Hiền làm bằng đất, bằng gỗ và giấy bồi có niên đại từ thế kỷ 17 – 18 mang đậm nét văn hóa Kinh Bắc (vùng Bắc Ninh, Bắc Giang).
Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng trao tặng bằng chứng nhận cho Đại đức Thích Minh Tâm vì đã hiến tặng nhiều di vật, cổ vật quý cho bảo tàng (Ảnh: HC)
Đại đức Thích Minh Tâm cho hay, Bảo tàng Chơn Ngôn Tông do Đại đức trụ trì được hình thành cách đây 2 năm nhằm lưu lại các văn vật Phật giáo của đất nước qua các thời kỳ và quá trình hoằng pháp của các vị Tổ sư kể khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam. Bảo tàng này đang lưu giữ trên 2.500 cổ vật chuyên về tín ngưỡng Phật giáo, nhiều nhất các cổ vật là bằng đồng, vàng, bạc và khoảng 5% trong số đó bằng ngà voi.
“Chúng tôi là người con Việt Nam, ra nước ngoài thấy văn vật của cha ông đang lưu lạc thì mang về lưu giữ cho mai sau. Đó là tâm nguyện của chúng tôi khi lập nên bảo tàng Chơn Ngôn Tông. Bảo tàng này cũng nhận được sự hiến tặng của các nước rất nhiều nên chúng tôi sản sẻ lại cho các bảo tàng trong cả nước để vinh danh văn hóa của các bậc tiền bối đã khởi lập đất nước đến nay. Tôi được biết tại di tích Thành Điện Hải có một bảo tàng để lưu giữ văn vật cho các thế hệ mai sau nên cũng muốn góp phần giúp bảo tàng này thêm phong phú các hiện vật trưng bày!” – Đại đức Thích Minh Tâm nói.
Đại đức Thích Minh Tâm giới thiệu với người xem về các bản sắc chỉ, sắc phong có liên quan đến di tích Thành Điện Hải mà Đại đức vừa hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng (Ảnh: HC)
Ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT-DL Đà Nẵng khẳng định, các di vật, cổ vật mà Đại đức Thích Minh Tâm hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng lần này hết sức có giá trị, đặc biệt là các sắc phong, sắc chỉ liên quan đến di tích lịch sử quốc gia Thành Điện Hải. Đây là nguồn tư liệu quý trong việc nghiên cứu lịch sử di tích Thành Điện Hải và góp phần bổ sung hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật tại Bảng tàng Đà Nẵng.