Nhiếp ảnh là cái duyên
Trong căn phòng chỉ chừng hai chục mét vuông trên tầng hai nằm trong một con ngõ nhỏ ở phố Hòa Mã (Hà Nội), ông cho tôi xem những bức ảnh mà ông vừa cùng các thành viên Câu lạc bộ nhiếp ảnh Sông Thao thực hiện trong chuyến đi điền dã mới đây ở Hoàng Su Phì, Cao nguyên đá Đồng Văn, Mù Căng Chải. Chuyến đi này đánh dấu sự trở lại với nhiếp ảnh của ông và những bức ảnh này sẽ có mặt trong triển lãm “Hoa văn núi” (diễn ra từ 12/12 tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, 49 Nguyễn Du, Hà Nội). Nhìn những bức ảnh chụp sóng lúa vàng rực của ruộng bậc thang, thấy sức làm việc của ông thật đáng nể. Năm nay đã 78 tuổi, vậy mà ông vẫn “trên từng cây số” vác máy cùng anh em, đi xe ô tô vượt hàng trăm cây số đến với Yên Bái, Hà Giang để thực hiện bộ ảnh này.
Nguyễn Mạnh Phúc kể rằng, cuộc đời ông thật nhiều điều lạ lùng. Ông được học khoa địa chất của Đại học Mỏ, còn những công việc ông trải qua, từ quay phim, chụp ảnh đều là tự học mà biết. Sau này, ông sưu tập tranh, tổ chức các cuộc triển lãm trong và ngoài nước, kết nối giao lưu văn hóa Việt Nam với một số nước như Hàn Quốc, Na Uy, …đi nước ngoài liên tục thì còn lạ lùng hơn nữa.
Thác ghềnh trong cuộc đời với gia cảnh có những biến cố không nhỏ khiến ông rời khỏi quê hương nhưng cũng vì thế cho ông nhiều vốn sống được đi, được chiêm nghiệm và dấn thân. Những trải nghiệm đó đã cho ông một cuộc đời thật sự, cuộc đời với đôi chân không khi nào dừng lại ở một chỗ, không bị ép buộc, không bị ràng buộc và không bị chi phối bởi bất cứ lý do nào. Chính vì thế, có thời gian làm thợ mỏ, từng cùng đoàn chuyên gia của Liên Xô đi khảo sát mỏ apatit ở Lào Cai những năm cuối của thập kỷ năm mươi của thế kỷ trước, rồi lại chuyển qua làm quay phim. Ông cũng đã thực hiện một số phim tài liệu như “Đua voi ở Tây Nguyên” khi Ủy ban Thể dục Thể thao lần đầu tiên đưa đua voi trở thành môn thể thao.
Nhưng khi sức khỏe không thể cho ông vác cái máy nặng bảy, tám cân trên vai thì ông chuyển sang làm ở vụ công tác chính trị của Ủy ban thể dục thể thao. Đây là nơi ông công tác suốt hai mươi lăm năm, cho đến khi nghỉ hưu (năm 1990). Thời gian này, ông gắn mình với nghiệp viết (thể thao), chụp ảnh. Những kỹ năng chụp ảnh và làm ảnh từ thời còn làm mỏ địa chất, được các bạn dạy cho, từ cách tráng phim, rửa phim trong phòng tối đã giúp ích cho ông thời kỳ làm báo thể thao. Nhưng cũng chính thời kỳ dài làm ảnh trong phòng tối mà ông bị lao phổi, tưởng đã có lúc phải chấp nhận tình huống xấu nhất. Song tất cả những thứ đó đã qua đi. Từ khi về hưu, Nguyễn Mạnh Phúc lại sống một cuộc đời khác, dấn thân hơn nữa, trải nghiệm hơn nữa.
Sưu tập tranh và kết nối mỹ thuật trong ngoài nước
Kể từ khi về hưu Nguyễn Mạnh Phúc dành toàn bộ thời gian và tâm trí vào cái thú mà ông mê thích từ trước, đó là sưu tập tranh. Ông đam mê nghệ thuật, nhất là hội họa. Để có được những bộ sưu tập thì đồng nghĩa ngoài sự am hiểu nghệ thuật thì phải có bộn tiền, mà ông thì không phải nhiều tiền đến mức có thể vác tiền khỏi nhà và mang về bất cứ thứ gì mình thích. Chưa kể, không ít lời bàn ra nói vào, rằng kẻ ngoại đạo không biết gì về hội họa thì làm sao thẩm định tranh, sưu tập tranh rồi còn tổ chức triển lãm. Nhưng ai nói gì cũng mặc, ông vẫn làm những việc mình muốn.
Trước đó, Nguyễn Mạnh Phúc từng đam mê cổ vật. Ông và vợ đã từng đổi con xe pơ-rô 103 được coi là mốt của Hà Nội một thời để lấy bức tượng thiếu nữ khỏa thân, một tay cầm một dây hoa hồng, đế là một phù điêu tượng thần hý kịch (tượng của người Ý). Tượng vốn là của một nhà tư sản Hàng Đường, nhưng thời kỳ cải tạo công thương Hà Nội, ông này bị tịch thu nhà cửa, một số cổ vật trong đó có bức tượng này ông ấy đem giấu đi vì sợ bị gán vào dạng tranh tượng khiêu dâm. Bức tượng khiến Nguyễn Mạnh Phúc khi đến mua một cái lọ (dáng) củ tỏi vẽ cảnh bát tiên quá hải (tám vị tiên khoa biển) trông thấy mà ngây ngất. Thế là quyết định đổi xe lấy tượng. Có bức tượng rồi, hai vợ chồng ông chẳng còn xe để đi nữa, phải thuê xích lô về nhà, nhưng điều ấy chẳng có gì quan trọng bởi trong suốt cả tuần lễ sau đó, vợ chồng ông cứ ngồi ngắm bức tượng mà trầm trồ khen ngợi.
Cổ vật mang lại cho ông nhiều thú vị và cả tiền bạc, nhưng sau này ông thấy chơi cổ vật cũng dính dáng đến những vấn đề tâm linh nên chuyển sang sưu tập tranh. Bao nhiêu tiền có được từ bán cổ vật, Nguyễn Mạnh Phúc đem sưu tập tranh hết. Ông chủ yếu sưu tập của các họa sĩ Đông Dương như Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Hoàng Lập Ngôn, Đỗ Đình Hiệp, Mai Trung Thứ, Năng Hiển, … Riêng tranh của Bùi Xuân Phái ông có khoảng hai trăm bức. Nhà ông bây giờ các bức tường treo kín tranh của những họa sĩ nổi tiếng Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị, Đỗ Đình Hiệp,… Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, bức đắt nhất cũng chỉ vào khoảng năm, sáu trăm đô la, nhưng sau này ông bán được bốn mươi, năm mươi ngàn đô la. Tuy nhiên, thời kỳ sưu tập tranh của ông dừng lại vào năm 1997, khi ông ra cuốn sách “Bùi Xuân Phái với bạn bè”.
Nguyễn Mạnh Phúc không như những nhà sưu tập khác, ông đi một con đường riêng, không chỉ sưu tập mà còn tổ chức triển lãm các tác phẩm trong bộ sưu tập ấy. Nhưng chính việc này đã khiến ông có một ngã rẽ mới, chuyển hẳn sang hoạt động giao lưu quốc tế ở lĩnh vực mỹ thuật.
Nguyễn Mạnh Phúc kể rằng, cũng vào năm 1997, một công ty du lịch ở Hà Nội đưa đoàn họa sĩ của Hàn Quốc sang Việt Nam. Những họa sĩ này rất muốn tổ chức một triển lãm tại Hà Nội. Khi ấy, Nguyễn Mạnh Phúc là chủ Gallarly Thế giới (46 Trần Hưng Đạo) đã đứng ra giúp địa điểm. Cũng trong triển lãm này ông trưng bày bức thư pháp của nhà thư pháp nổi tiếng Lê Xuân Hòa tặng ông. Bức thư pháp viết câu thơ của Hồ Chủ tịch “Cử đầu hồng nhật cận/Đối ngạn nhất chi mai” được ngài Đại sứ của Hàn Quốc rất thích và đề nghị mua. Bán món quà quý của cụ Lê Xuân Hòa thì không thể, nhưng vị Đại sứ rất thích thì làm thế nào? Suy nghĩ mãi, ông quyết định tặng lại bức thư pháp cho Đại sứ.
Cảm tấm lòng của ông, Đại sứ mời ông Phúc sang Hàn Quốc chơi một tuần, nhưng ông từ chối. Thay vì thế, ông ngỏ ý muốn Đại sứ giúp tổ chức một cuộc triển lãm về mỹ thuật của Việt Nam tại Hàn Quốc. Sau đó Đại sứ đã đến thăm nhà ông Phúc ở Hòa Mã, và vào năm sau (tháng 8/1998), Sứ quán Hàn Quốc đã chính thức gửi thư mời ông tổ chức một cuộc triển lãm quốc tế gồm 5 nước tại Hàn Quốc nhân kỷ niệm 50 năm quốc khánh Đại Hàn Dân Quốc. Lần đầu tiên trong cuộc đời, ông Phúc đi Hàn Quốc.
Sự kiện này đã mở ra một loạt các hoạt động giới thiệu văn hóa nghệ thuật sau đó, mà ở đây là giới thiệu các bộ sưu tập thông qua triển lãm tranh, tượng, gốm của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam ra thế giới và cũng từ đó thực hiện các hoạt động giao lưu văn hóa trên lĩnh vực mỹ thuật cho nghệ sĩ nước ngoài tại Việt Nam. Cho đến bây giờ, Nguyễn Mạnh Phúc đã tổ chức triển lãm cho nhiều họa sĩ trong nước tại Hàn Quốc (10 lần), Na Uy (2 lần), Úc, Trung Quốc; và tổ chức triển lãm cho các nghệ sĩ các nước Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Na Uy, Nhật Bản tại Việt Nam.
Những lần tổ chức triển lãm ấy đã đem lại cho ông những mối quan hệ bạn bè thân thiết với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, và cũng qua ông mà họ trở nên gắn bó thân thiết hơn với Việt Nam. Hiện nay Nguyễn Mạnh Phúc vẫn tiếp tục làm cầu nối giao lưu văn hóa quốc tế bằng những việc làm như thế (hiện ông là chủ nhiệm Câu lạc bộ Giao lưu Mỹ thuật quốc tế, thành lập năm 2003). Và mặc cho tuổi tác ngày một cao, ông vẫn làm việc một cách đầy hứng khởi như không gì có thể ngăn trở được.
Bài và ảnh: Xuân Phong