Người đào “ngựa cổ” kể chuyện
Ông Nguyễn Minh Xuyên – trưởng thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết cho biết: “11g ngày 6-11, tôi đi làm về tới nhà thì có người tới báo phát hiện một con “ngựa cổ” bằng kim loại ở gò Ngành Trê. Tôi ra xem sự tình thế nào thì bà con đã vây kín xung quanh nơi phát hiện con ngựa. Tôi cùng ông Nguyễn Văn Lực đưa con ngựa về nhà văn hóa thôn, rồi thử dùng dao cạo vào một bộ phận con ngựa thì thấy có vệt sáng, một lát sau lại chuyển sang màu xanh”.
“Chiều cùng ngày, anh Phùng Văn Dũng, SN 1968, ở cùng thôn có ý tới mượn con “ngựa cổ” về để cúng tâm linh. Buổi tối tôi sang, anh Dũng nói chưa làm lễ xong. Tôi và anh Dũng có viết giấy cam kết mượn con ngựa cổ tới ngày 8-11. Nhưng tới hẹn anh Dũng không mang trả còn nói đã mang bán lấy 40 triệu đồng. Tôi buộc phải báo CA địa phương” – ông Xuyên nói.
Ông Nguyễn Văn Lực, 54 tuổi - người giám sát việc dồn điền đổi thửa ở thôn cũng là người trực tiếp đưa con ngựa từ gò Ngành Trê lên, thuật lại sự việc: “Khoảng 9g ngày 6-11 anh Phùng Văn Quyền, SN 1973, là người lái máy xúc cùng với chủ máy (không rõ tên) ở gần hiện trường. Quyền là người lái máy xúc va phải một vật cứng có hình thù lạ bèn xuống xem thì phát hiện phần đầu con ngựa. Quyền báo với tôi sự việc, tôi cùng ông Nguyễn Văn Tường, SN 1956, tới và tìm xung quanh phát hiện thêm ba chân và thân ngựa. Tìm kiếm xung quanh thì có một “nồi bỗng” bằng sành có đường kính miệng 20cm và cao khoảng 30cm. Trong lòng “nồi bỗng” màu trắng và bị rạn nứt có nhiều mủn xương hòa lẫn với đất. Bên cạnh “nồi bỗng” có một đồ vật bằng sành trông như cái tiểu hình chữ nhật, chiều dài khoảng 40-50cm, rộng chừng 20-25cm nhưng bên trong không có gì”.
Những ngôi mộ tổ các dòng họ khác đứng trước nguy cơ bị đào trộm do các tin đồn về việc khu vực này có nhiều cổ vật.
“Sau khi mang mọi đồ vật lên bờ, tôi vẫn thấy thiếu một chân ngựa nhưng không thể tìm được. Trên mình bên trái con “ngựa cổ” có một vết thủng do máy xúc va phải. Bên trong rỗng và toàn đất. Lắp đầy đủ các bộ phận được một con ngựa đang bước, miệng hí chỉ khuyết chân sau bên trái. Nhiều người nói mang tất cả các đồ vật đi chôn ở nghĩa địa nhưng tôi và ông Tường thấy đây là đồ kim loại cổ nên quyết định mang “ngựa cổ” về nhà văn hóa thôn cho mọi người chứng kiến. Còn “nồi bỗng” cùng tiểu sành thì tôi tập trung vào một tiểu nhi và chôn tại nghĩa địa trong thôn.
Theo thống nhất của bà con, thôn có đo đạc cẩn thận từng chi tiết “ngựa cổ”. Cả con ngựa dài khoảng 50cm, ngang 18cm, cao khoảng 65cm và nặng khoảng 20kg. Ba chân ngựa rất nặng, đặc biệt là móng ngựa, phía dưới móng có một vật hình tròn như khuy áo gắn liền khi dùng dao cạo nó lóe sang rực rồi một lát lại tắt, còn thân và đầu ngựa khá nhẹ” – ông Lực kể.
Kẻ gian đào trộm mộ tổ họ Vũ
Một nhân chứng cho biết: “Sau 2 ngày từ khi phát hiện con “ngựa cổ” thì xuất hiện một số đối tượng lạ mặt mặc đồ rằn ri tới dùng máy dò kim loại xung quanh đó và đào được một chiếc lư hương cổ. Chiếc lư màu xanh ám màu đồng hình chữ nhật dài chừng 40cm, rộng gần 20cm, có 4 chân, 4 tai và nhiều hoa văn lạ. Lúc phát hiện ra có người lạ, tôi lại xem thì chúng đã đào xong, rồi vội vàng ôm lư đi mất. Tôi có thắc mắc thì chúng dọa dẫm”.
Trong khi người dân thôn Đại Phu đang đổ dồn dư luận về con “ngựa cổ” thì một tuần sau, người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết phát hiện ngôi mộ tổ dòng họ Vũ ở Quán Trại Trai lại bị kẻ gian đào tung. Lần này chúng hoạt động ban đêm với sự trợ giúp của máy xúc.
Một mảnh chum kẻ gian bỏ lại ở hiện trường có màu trắng sữa.
Bác Đỗ Văn Tiến, 54 tuổi, ở thôn Vĩnh Phúc kể lại: “Sáng 16-11, tôi cùng mọi người đi làm công tác dồn điền đổi thửa ở nghĩa địa sát với quán Trại Trai vị trí ngôi mộ tổ họ Vũ thì phát hiện vết bánh, gầu máy xúc nát đường lên quán. Tôi lên xem thì một hố sâu hoắm chừng 3-4m, đường kính khoảng 4m cách quán vài mét. Xung quanh vương vãi mảnh sành, mảnh chum và gạch bìa. Linh tính mách bảo kẻ gian đã đào trộm cổ vật nên tôi báo cho chủ Quán là ông Vũ Văn Khái và trưởng thôn là ông Kiều Đình Việt”.
Ông Vũ Văn Khái, (83 tuổi) – chủ quán Trại Trai và là con cháu dòng họ Vũ cho biết: “Cách cây gạo, cây sữa và quán Trại Trai vài mét có ngôi mộ tổ của dòng họ Vũ. Ông tôi kể lại cũng không rõ mộ tổ được xây từ bao giờ chỉ biết nơi đó có mộ rất thiêng. Bất cứ ai sinh con mà thiếu sữa, không có sữa tới thắp hương cầu khấn về nhà thì căng tràn sữa nuôi con. Không chỉ bà con trong thôn, xã mà nhiều người ở tỉnh xa nghe tiếng đến xin đều có sữa. Tới cái tuổi này, tôi chưa thấy ai xin không được. Trước đây khoảng 20 năm, cũng có kẻ gian đã từng đào trộm nhưng không được gì vì ngôi mộ tổ nằm sâu trên gò mà đào thủ công bằng cuốc, xẻng vài ngày chưa được chứ nói gì một đêm. Những mẩu gạch bìa kẻ gian đào để lại sau đó có nhà khảo cổ về nói vết tích viên gạch có niên đại gần 2.000 năm. Bây giờ lại có kẻ gian dùng cả máy xúc để đào trộm. Không biết chúng đem đi những gì, chỉ còn lại những mẩu gạch bìa, mảnh chum, chĩnh... Tôi vội báo lên chính quyền địa phương”.
Ông Vũ Văn Khái (83 tuổi) – chủ Quán Trại Trai và cũng là con cháu của dòng họ Vũ cảm thấy lo lắng với tình trạng mộ tổ bị đào trộm. Ảnh: Q.Nguyễn
“Trước đây khi xây lại miếu để che mưa, nắng cho bát hương chúng tôi có để quên một chiếc xà beng. Lúc quay lại tìm thì không còn. Tới hôm sau có người phụ nữ bên xã Tuyết Nghĩa sang nói chồng cô ấy đã lấy để ở nhà và tự nhiên bỏ đi giữa đêm. Người vợ đó sang xin trả lại xà beng và làm lễ dâng hương lên quán xin chồng về. Đúng 1g đêm, người chồng về nhưng không nhớ một ngày qua đi đâu, làm gì. Chuyện một cháu bé đi thả trâu lên đó chơi, trèo lên cây sữa chơi nhưng không thể nào xuống được. Bố mẹ phải lên xin tôi mở cửa quán để làm lễ. Sau khi làm lễ thì cháu bé tự trèo xuống. Hay chuyện một ông cụ 90 tuổi trong làng đi làm công tác khai hoang lấp cái giếng cạn ở quán về nhà ốm liệt giường. Người nhà nghe tiếng quán Trại bèn lên xin tôi mở cửa thắp hương, đào tất cả đất lên bờ mới khỏi. Ngoài ra nhiều chuyện linh thiêng liên quan tới quán Trại – ông Khái kể.
Ông Kiều Đình Việt – trưởng thôn Vĩnh Phúc cho biết: “Sáng 16-11, tôi có nghe một CA viên báo về sự việc tối hôm trước có một công nông chở máy xúc cỡ nhỏ vào thôn nhưng không nhìn rõ là ai và cứ nghĩ là máy xúc phục vụ việc dồn điền đổi thửa. Tôi có ra hiện trường xác minh vết gàu máy xúc nhỏ hơn các máy xúc đang thi công dự án nông thôn mới. Hơn nữa, đó là máy xúc bánh xích”.
Con “ngựa cổ” được phát hiện tại gò Ngành Trê, thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội, có màu xanh lục được cho là của một dòng họ nhà quan chôn theo quan tài.
Ông Nguyễn Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết cho biết: “Con ngựa cổ đã được CA huyện Quốc Oai thu giữ sau khi triệu tập anh Dũng do đơn vị làm thuê cho Cty Hà Hưng nhận công trình làm đường trong công tác dồn điền đổi thửa. Việc ngôi mộ tổ của dòng họ Vũ bị đào trộm thì chưa xác định được chúng lấy cái gì. CA xã đã tiến hành đo đạc và lập biên bản”.
|
Quân Nguyễn