Phát hiện “cổ vật” khi thi công đường nội đồng
Vợ anh Phùng Văn Dũng là chị Hoàng Thị Thanh, SN 1969 kể lại: “Khoảng 8g ngày 6-11-2013, đang điều khiển các máy xúc đất, anh Dũng phát hiện đã xúc phải 2 ngôi mộ nên hô hoán dừng máy. Trong những lớp đất được xúc lên bên cạnh, có những vật thể lạ gồm nhiều đoạn bằng kim loại, ban đầu không ai để ý. Khi sắp đến giờ nghỉ trưa, anh Dũng ghép những vật thể đó lại thì vỡ lẽ ra, đó là hình một con ngựa đực có 3 chân, một chân chưa tìm thấy.
Vì thi công phạm vào mồ mả vô danh nên anh Dũng rất lo lắng, chuẩn bị mua tiểu, hương và đồ dùng để chuyển 2 ngôi mộ này vào nghĩa trang của thôn. Anh Dũng không quên dặn mọi người để lại con ngựa đó để anh làm lễ tâm linh vì con ngựa đó được phát hiện chôn cùng 1 trong 2 ngôi mộ. Tuy nhiên, hai người trong ban giám sát công trình đã mang con ngựa này về nhà văn hóa thôn Đại Phu để thôn quản lý…”.
Nhiều lời đồn đoán được đặt ra. Có người nói, con ngựa đó là cổ vật có niên đại khoảng 1.700 năm, được chôn cùng thi thể người thì chắc phải người đó thuộc dòng dõi vương giả; hơn nữa, 2 ngôi mộ là một cặp vợ chồng; như vậy, đi theo cùng con ngựa đực này cũng sẽ có một con ngựa cái được chôn lấp đâu đây và cùng bộ của ngựa phải có 9 vật đi cùng như lư, bình… Có người “ra giá” cho con ngựa lên đến nhiều chục tỷ đồng… Người dân trong thôn coi đó là cổ vật chung của cả thôn để nhân dân thờ cúng, chiêm bái…
Chị Thanh nói, anh Dũng, sau khi mời thầy về làm lễ chôn cất cho hai ngôi mộ, muốn mang con ngựa về để làm lễ nên đã lên nhà văn hóa thôn Đại Phu xin con ngựa về nhưng người dân trong thôn và ông trưởng thôn là Nguyễn Văn Xuyên không cho mang đi “vì con ngựa này là tài sản chung”. Anh Dũng khẩn thiết mong được làm lễ, ông Xuyên nể tình, đồng ý cho mang đi với yêu cầu, anh Dũng phải ký vào “Biên bản bàn giao giữ cổ vật cho thôn” do ông soạn sẵn. Vì vội vàng cho công việc cúng tâm linh và không còn cách nào khác, anh Dũng đã ký vào biên bản. Trong biên bản này có ghi rõ về đặc điểm của con ngựa, ở cuối biên bản có chữ ký của ông Xuyên và anh Dũng.
Con ngựa được phát hiện (Ảnh người dân cung cấp).
Cứ tưởng chuyện nhỏ!
Chị Thanh cho biết, có một biên bản xác nhận con ngựa này trước lập biên bản trên, với sự tham gia của cán bộ thôn, CA xã và cán bộ văn hóa xã nhưng không có xác nhận của anh Dũng.
Vợ chồng anh Dũng - chị Thanh cho rằng, mình là người phát hiện ra thì trước mắt quyền quản lý là của mình. Sau 7 ngày làm lễ, anh chị định mang con ngựa lên các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành giám định xem có thực chất đây là cổ vật hay không. Với ý định đó, sau khi làm lễ, anh chị mang con ngựa đó về nhà quản lý, không đưa lại cho thôn.
Chị Thanh đã nhờ em dâu mang con ngựa về nhà riêng của chị này để cất giấu. Đến ngày 8-11, một số người thôn Đại Phu và xã Liệp Tuyết đến gia đình anh Dũng để lấy lại con ngựa. Vợ chồng anh Dũng nói rằng đã bán con ngựa này cho một người không quen biết trong đêm 6-11 với giá 40 triệu đồng.
Rất đông người dân có mặt tại hiện trường sau khi con ngựa được phát hiện.
CA xã Liệp Tuyết đã báo cáo lên CA huyện Quốc Oai để điều tra. Bị mời lên trụ sở để phối hợp điều tra, vợ chồng anh Dũng thừa nhận con ngựa đó chưa bán mà được gửi. 21g ngày 8-11, anh Dũng đã nhờ người cháu là Phùng Văn Tuấn, SN 1975 mang con ngựa lên đội CSĐTTP về TTXH, CA huyện Quốc Oai giao nộp.
CA huyện đã tiến hành lập “Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu”, niêm phong con ngựa và sao thành 4 bản, anh Tuấn giữ 1 bản. Vì kiểm tra con ngựa lúc anh Tuấn giao nộp chỉ có 2 chân, thiếu 1 chân, 1 móng so với lúc đào lên, CQCA yêu cầu anh Tuấn mang nốt chân còn lại. Đến 19g ngày 10-11, anh Tuấn đã mang nốt chiếc chân và móng này lên giao nộp. Cơ quan CA tiếp tục lập biên bản tạm giữ và niêm phong theo quy định.
Chị Hoàng Thị Thanh cho biết: “Việc giấu con ngựa không mưu đồ chiếm đoạt gì mà để hoàn thành lễ cho vẹn toàn với người cõi âm. Gia đình tôi đang làm ăn suôn sẻ, con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn nên rất sợ vì xâm phạm mồ mả mà lụi bại đường làm ăn, gia đình gặp biến cố. Chúng tôi nghĩ rằng, con ngựa do mình phát hiện, lại biến thành tài sản của thôn và khi mang con ngựa về làm lễ lại phải ký vào biên bản “mượn” tài sản của thôn; trong biên bản đầu tiên về con ngựa này, chúng tôi không được thông qua.
Đến nay, vợ chồng tôi đã làm đơn gửi các cơ quan ban ngành của huyện cho gia đình mình được xin con ngựa về để tự thân chúng tôi - những người phát hiện ra con ngựa mang đến Viện Khảo cổ quốc gia xin được giám định. Nếu con ngựa là cổ vật, có giá trị, chúng tôi sẽ tự nguyện gửi lại Nhà nước đem trưng bày ở bảo tàng. Còn nếu con ngựa đó là vật không có giá trị văn hóa, giá trị khảo cổ, chúng tôi xin được mang về thờ phụng”.
Trao đổi với PV báo PL&XH, ông Kiều Đình Minh - Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết cho biết: “Khi nhận được tin, tôi đã cử ban CA xã lập biên bản về vụ việc. Khi phát sinh việc anh Dũng giữ đồ vật trên, chúng tôi báo cáo CA huyện vào cuộc để xác minh, làm rõ. Trong đêm đó, chúng tôi cũng cử lực lượng CA xã làm công tác khám nghiệm, bảo vệ hiện trường đồng thời rà soát quanh khu vực đó. Để ổn định dư luận và trật tự địa phương, lực lượng CA xã cũng tổ chức lực lượng đi các hướng, không cho máy rà hoạt động trái phép trên các thửa đất, đồng thời ngăn chặn các đối tượng lạ mặt đi tìm mua cổ vật”.
Quá trình điều tra vụ việc, CA huyện Quốc Oai tiếp tục làm rõ: Khoảng 11g ngày 8-11, cũng tại địa điểm gò Ngành Trê thuộc cánh đồng thôn Đại Phu, anh Nguyễn Tất Lâm, SN 1972 ở thôn Thụy Khuyên, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cùng anh Kiều Văn Vụ, SN 1974, trú tại xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai đã dùng máy dò kim loại phát hiện và lấy đi 1 vật có hình dáng giống chiêng bằng kim loại (không phải lư hương) đường kính 23cm, thân sâu 3,6cm, phần trung tâm có núm nhô lên đường kính 0,6cm, sâu 0,2cm. CA huyện Quốc Oai đã tiến hành xác minh về vụ việc và anh Lâm tự nguyên giao nộp vật trên. CA huyện đã thu giữ, niêm phong theo quy định. |
Linh Anh