Ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa qua, trong quá trình sưu tầm các tài liệu hiện vật trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), các cán bộ chuyên môn của cơ quan này đã phát hiện một số bộ sưu tập cổ vật bằng chất liệu gốm sứ cổ thời Trần, Lê - Mạc, có niên đại từ thế kỷ XIV - XVI trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Một số bộ sưu tập cổ vật thời Trần - Lê - Mạc vừa được phát hiện trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Các bộ sưu tập cổ vật nói trên thuộc nhiều loại hình khác nhau bằng các chất liệu gốm sứ cổ được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trong đó bộ sưu tập bát, đĩa cổ bằng chất liệu gốm sứ được chế tác theo kiểu dáng đế chụm, miệng loe, phủ men màu ngọc và nâu, nước men mịn sáng bóng, trang trí các hoa văn hình cánh Sen, hoa lá dây leo cách điệu, mang phong cách đặc trưng thời Trần và thời Lê.
Chiếc Đĩa cổ thời Lê.
Đặc biệt bộ sưu tập có chiếc đĩa cổ thời Lê (đĩa chàm Lê) bằng chất liệu gốm, phủ men rạn trắng ngà, trang trí các họa tiết hoa văn màu xanh lam, có kích thước lớn, với đường kính miệng 25cm, đường kính đế 15cm. Phía trong lòng đĩa được trang trí hai vòng tròn đồng tâm khép kín, chính giữa được tạo dáng hoa văn hoa lá, mặt trên có hai vòng tròn đồng tâm, ở giữa là các họa tiết hoa văn hoa lá dây leo cách điệu nối liền đều nhau.
Hai chiếc Hũ (bình) bằng chất liệu gốm màu thời Trần.
Hai chiếc Hũ (bình) thời Trần được làm bằng chất liệu gốm màu, kiểu dáng miệng chụm, đế loe, chiếc lớn có kích thước cao 40cm, đường kính miệng 20cm, đường kính đế 25cm, thân bình phủ men màu nâu sẫm, có các hoa văn hình đường thẳng song song dọc đều nhau, phía trên miệng được phủ lớp men màu nâu đỏ, xung quanh được điểm xuyến hai vòng tròn gờ nổi đồng tâm.
Một chiếc chum được làm bằng chất liệu gốm mỏng nhẹ, mặt ngoài phủ men ngà, màu trắng đục mịn sáng bóng, miệng và đế chum chụm, hai bên thành chum phình ra, có kích thước cao 50cm, đường kính miệng 15cm, đường kính đế 20cm.
Chiếc chum nhỏ thời Lê.
Ngoài ra, các cán bộ còn phát hiện chiếc chân đèn cổ thời Mạc (thế kỷ XVI), được chế tác bằng chất liệu gốm sứ màu trắng đục, men rạn, hình vuông kiểu chân tháp, chân đèn trang trí hoa văn hình dây leo, màu xanh lam, thân chân đèn 4 mặt đều trang trí các họa tiết hoa văn hình hoa lá dây leo cách điệu, ở 4 góc phía trên trang trí hình đầu Lân, mặt trên là biểu tượng hình bông sen cách điệu. Chân đèn có kích thước cao 40cm.
Đây là chiếc chân đèn màu tam thể thời Mạc được tạo dáng cầu kỳ và rất đẹp, là cổ vật độc đáo, quý hiếm, lần đầu tiên được tìm thấy ở Hà Tĩnh và được bổ sung vào các cổ vật thời kỳ nhà Mạc vốn rất hiếm trên địa bàn cả nước nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng.
Chiếc chân đèn thời Mạc đẹp và tinh xảo lần đầu tiên được tìm thấy trên địa bàn Hà Tĩnh.
Được biết, nhóm các cổ vật quý hiếm và độc đáo trên được phát hiện và sưu tầm trên địa bàn các xã Xuân Hoa, Xuân Mỹ và Xuân Viên thuộc huyện Nghi Xuân.
Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, với việc sưu tầm những bộ sưu tập cổ vật quý hiếm nói trên, giúp các nhà nghiên cứu khảo cổ học tìm hiểu thêm về địa bàn phát hiện và phân bố các di chỉ khảo cổ học liên quan đến các thời kỳ lịch sử trong giai đoạn Lý -Trần - Lê - Mạc trên địa bàn huyện Nghi Xuân( Hà Tĩnh), cần được sưu tầm, bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu.
Hạnh Lê