Tác giả: Philippe Truong – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn, Jochen May
1. Đồ sứ Nội phủ thị… giả thời Nguyễn
Khi chế độ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài cáo chung vào năm 1876, lẽ ra, dòng đồ sứ (ĐSKK) thời chúa Trịnh cũng chấm dứt. Nhưng trên thực tế, có một số món đồ mang các hiệu đề: Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị đoài, Nội phủ thị đông, Nội phủ thị nam và Nội phủ thị bắc vẫn được tiếp tục chế tạo dưới triều Tây Sơn (1788 – 1801) và triều Nguyễn (1802 – 1945).
Lò Bát Tràng cũng thử làm đồ gốm vẽ lam theo cách thức của ĐSKK thời chúa Trịnh. Nhưng kết quả thì không như mong đợi. Một bằng chứng của dòng đồ này là chiếc đĩa1Nội phủ thị trung với xương gốm dày, có màu vàng xám, trang trí bằng men lam dưới một lớp men phủ rạn. Trong lòng đĩa vẽ một con voi nằm dưới gốc cây chuối, bên trái có một con voi khác đang ăn một buồng chuối (ảnh 1). Nét vẽ mộc mạc và đơn giản, lớp màu dùng để thể hiện họa tiết rất dày. Căn cứ vào dáng kiểu, màu men, lớp men phủ và cách thức trang trí, có thể nhận định chiếc đĩa Nội phủ thị trung này được làm vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX.
Ảnh 1
Họa tiết con voi tuy không hề xuất hiện trên dòng ĐSKK thời chúa Trịnh, nhưng lại phổ biến trên đồ gốm Việt Nam. Dưới thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV) trên đồ gốm hoa nâu, hình tượng voi được thực hiện theo phong cách tự nhiên, biểu tượng cho sức mạnh và tính hiếu chiến. Vào thời Lê (thế kỷ XV – XVI), voi là biểu tượng của Phật giáo, của tính minh mẫn và sự thận trọng. Còn trên chiếc đĩa gốm Bát Tràng này, hai con voi được thể hiện trong một khung cảnh thiên nhiên thanh bình và không liên quan tới biểu tượng nào. Vì vậy, không thể đặt chiếc đĩa này vào dòng đồ sứ do chúa Trịnh đặt làm.
Ngoài ra, các viết chữ nội (內) và chữ trung (府) trong hiệu đề Nội phủ thị trung dưới đáy chiếc đĩa gốm Bát Tràng này càng chứng minh đó là món đồ gốm được làm vào thời Nguyễn do nó tương đồng với cách viết chữ Hán được viết trên những món đồ gốm Bát Tràng thời Nguyễn.
Ngoài trường hợp cá biệt của chiếc đĩa gốm Bát Tràng hiệu đề Nội phủ thị trung được sản xuất trong nước kể trên, còn có những món đồ Nội phủ thị… cũng đặt làm tại Trung Hoa nhưng có niên đại vào thời Nguyễn chứ không phải vào thời Lê – Trịnh.
Gia Long (1802 – 1819) là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn tiếp tục hình thức ký kiểu đồ sứ tại Cảnh Đức Trấn (Trung Hoa) và cho phép ghi niên hiệu lên những món ĐSKK này. Hình thức ghi niên hiệu lên đồ sứ này đã được sử dụng tại Bát Tràng từ đời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786). Các vua triều Nguyễn như Minh Mạng (1820 – 1841), Thiệu Trị (1841 – 1847) và Tự Đức (1848 – 1883) cũng tiếp nối truyền thống này.
Vào thời Nguyễn, ĐSKK thời chúa Trịnh không còn được coi là đồ ngự dụng như dưới thời Tây Sơn. Mặc dù quan hệ giữa vua Càn Long và vua Quang Trung là rất tốt đẹp, nhưng hình như vua Tây Sơn không ký kiểu đồ sứ tại các ngự xưởng ở Trung Hoa. Nguyên nhân là vua Quang Trung đã tịch thu được rất nhiều ĐSKK thời chúa Trịnh tại phủ chúa Trịnh ở Thăng Long vào năm 1786 và cho chở về Huế để sử dụng. Số đồ sứ này về sau lại rơi vào tay của Gia Long khi ông đánh chiếm kinh thành Phú Xuân từ nhà Tây Sơn.
Vào thời Nguyễn, ĐSKK thời chúa Trịnh trở thành đồ sưu tập. Các quan lại và phú gia tìm mua với những món đồ sứ này với tư cách là những đồ sứ đầu tiên do người Việt ký kiểu tại Trung Hoa, hơn là để tưởng nhớ chúa Trịnh. Để đáp ứng nhu cầu này, những nhà buôn người Hoa hoặc người Việt đặt làm các món đồ Nội phủ thị… giả mạo tại Trung Hoa. Nhưng trước tiên phải loại ra khỏi dòng đồ này những món đồ sứ hiệu đề Nội phủ đãi tạo do vua Khải Định (1916 – 1925) đặt làm tại Cảnh Đức Trấn vào đầu thế kỷ XX.
Có ba kiểu đồ án trang trí được thể hiện trên những món đồ sứ hiệu đề Nội phủ thị…chế tác sau thời chúa Trịnh. Đó là:
* Đồ án trang trí sao chép các kiểu thức trang trí của ĐSKK thời chúa Trịnh;
* Đồ án trang trí pha trộn giữa các kiểu thức trang trí của ĐSKK thời chúa Trịnh với các kiểu thức trang trí của đồ sứ Trung Quốc vào thế kỷ XIX;
* Đồ án trang trí sao chép các kiểu thức trang trí của đồ sứ Trung Quốc thời Thanh, hoặc các kiểu thức trang trí của ĐSKK thời Nguyễn.
Sự hiện diện của các kiểu thức trang trí tiêu biểu trên gốm sứ Trung Quốc thế kỷ XIX là điều xác nhận rằng không phải tất cả đồ sứ Nội phủ thị… làm vào thời Nguyễn đều là đồ giả mạo, với chủ tâm gian dối nhằm đánh lừa khách hàng. Chúng ta cũng không thể xếp các món đồ này vào dòng đồ “hồi tưởng” theo cách mà các thợ gốm Trung Hoa đời sau thường phỏng chế theo các món đồ gốm sứ đời trước để tỏ lòng kính trọng và thừa nhận danh tiếng của đồ gốm cổ.2 Nếu muốn tỏ lòng cảm phục dòng ĐSKK thời chúa Trịnh (không phải tưởng nhớ triều đại các chúa Trịnh mà bày tỏ sự cảm phục đối với dòng ĐSKK thời chúa Trịnh với tư cách là những món đồ sứ đầu tiên do triều đình Việt Nam ký kiểu tại Trung Quốc) thì phải sao chép cả hiệu đề lẫn hoa văn trang trí, chứ không thể chỉ sao chép hiệu đề và sử dụng các kiểu thức trang trí phổ biến của thế kỷ XIX.
Vì thế tôi cho rằng đồ sứ Nội phủ thị… thời Nguyễn không phải là ĐSKK mà là đồ sứ do Trung Quốc sản xuất để xuất khẩu cho thị trường Việt Nam. Thợ gốm Trung Hoa sử dụng hiệu đề Nội phủ thị… vì cho rằng đây là hiệu đề tiêu biểu của Việt Nam và không biết rằng đó là những hiệu đề dùng riêng cho chúa Trịnh. Vì thế, hoặc là họ sao chép hiệu đề một cách chính xác, hoặc đôi khi chỉ trang trí các kiểu hoa văn tiêu biểu của ĐSKK thời chúa Trịnh mà không ghi hiệu đề vì nghĩ rằng các kiểu trang trí này là riêng biệt cho thị trường Việt Nam rồi.
Dựa vào thành phần cốt sứ và kỹ thuật chế tác, có thể chia dòng đồ sứ Nội phủ thị…làm vào thời Nguyễn thành hai loại: loại được đặt làm tại các lò gốm cao cấp ở Giang Tây và loại đặt làm tại các lò gốm ở các tỉnh miền nam Trung Quốc như Phúc Kiến, Quảng Đông). Loại thứ nhất có cốt sứ thanh mảnh, trắng phau, lớp men phủ đôi khi hơi ngả sang màu trắng xanh, hoa văn trang trí tỉ mỉ. Loại thứ hai có cốt sứ thô và nặng, hoa văn trang trí không được tinh tế bằng.
Một phương pháp để nhận diện những món đồ Nội phủ thị… làm vào thời Nguyễn với các món đồ giả mạo làm sau năm 1996 là dựa vào những món đồ sứ có trong các bộ sưu tập có từ trước những năm 1980 – 1990 như trong sưu tập Vương Hồng Sển, sưu tập Dương Minh Thới (Thành phố Hồ Chí Minh), hoặc trong sưu tập cựu hoàng Bảo Đại hay sưu tập Hồ Đình (Paris, Pháp).
1.1. Đồ sứ Nội phủ thị… giả thời Nguyễn sao chép các kiểu thức trang trí của ĐSKK thời chúa Trịnh
Vài kiểu trang trí trên ĐSKK thời chúa Trịnh được sao chép tương đối chính xác trên ĐSKK thời Nguyễn. Chẳng hạn, đồ án sen – cua (ảnh 2) trên đồ sứ Nội phủ thị nam rất được ưa chuộng vào thời Nguyễn, nên thường xuất hiện trên những đĩa, bát thời Nguyễn mang hiệu đề Nội phủ thị nam hoặc Trân ngoạn. Những món đồ này dễ nhận biết do có nét vẽ thô mộc, không tỉ mỉ như trên ĐSKK thời chúa Trịnh. Trên một chiếc đĩa (ảnh 3), người thợ gốm Trung Hoa, vì không có ý định làm một ra một món đồ giả mạo, nên đã không sao chép chính xác đồ án trang trí như trên món đồ Nội phủ thị nam. Cụ thể là ông đã không vẽ hình con cua và ghi hiệu đề lên mặt đáy món đồ như trên món đồ chính hiệu. Đồ án sen – cua trên chiếc đĩa này vẽ theo kiểu Trung Quốc, hoàn toàn khác biệt với đồ án sen – cua trên đồ sứ Nội phủ thị nam thời chúa Trịnh. Hoặc như hình các con cua vẽ trong cái ao có nhiều cây sen ở trên một chiếc đĩa hiệu đề Trân ngoạn do một lò gốm ở nam Trung Quốc chế tác (ảnh 4).
Ảnh 2
Ảnh 3a
Ảnh 16
Ảnh 3b
Ảnh 4
Lý giải trên cho thấy người thợ gốm Trung Hoa không hoàn toàn sao chép các kiểu thức trang trí có trên ĐSKK thời chúa Trịnh, và họ sẵn sàng biến đổi một số chi tiết trong đồ án trang trí trên những món đồ sứ Nội phủ thị… làm vào thời Nguyễn. Bốn kiểu trang trí sau đây là những ví dụ cho nhận định này:
– Dựa theo kiểu trang trí lưỡng long triều nhật trên đồ sứ Nội phủ thị trung đời Trịnh Giang (ảnh 5) và đời Trịnh Sâm (ảnh 6), người thợ gốm Trung Hoa đã thể hiện một kiểu thức trang trí độc đáo bằng cách thay đổi một vài chi tiết, từ bỏ kiểu vẽ guochèng (quá xứng) đã lỗi thời và loại bỏ những chi tiết không còn thích hợp, nhưng vẫn giữ lại những yếu tố điển hình của các đồ án trang trí trên ĐSKK thời chúa Trịnh. Tất cả những món đồ này được làm tại các lò tư nhân ở Giang Tây hoặc ở các tỉnh phía nam Trung Quốc.
Ảnh 5
Ảnh 6
– Trang trí trên chiếc đĩa Nội phủ thị trung trong sưu tập Dương Hà (ảnh 7) thể hiện một mối quan hệ rõ ràng với các kiểu thức trang trí trên ĐSKK đời Trịnh Giang. Thợ gốm không vẽ theo phong cách guochèng nữa mà vẽ theo các kiểu trang trí có trên ĐSKK đời Trịnh Sâm. Bố cục chặt chẽ hơn nhưng nét vẽ không tỉ mỉ, tinh tế bằng. Vả lại, cách viết hiệu đề trên chiếc đĩa này chứng tỏ đó là món đồ sứ Nội phủ thị trung làm vào thời Nguyễn.
Ảnh 7
– Trên một chiếc đĩa Nội phủ thị trung nguyên thuộc sưu tập Vương Hồng Sển3 (ảnh 8), vẽ đồ án lưỡng long triều nhật với hai con rồng có các chòm râu uốn lượn, chầu mặt trời ở giữa được thể hiện rất cầu kỳ, hoa mỹ, có các tia lửa mang phong cách trang trí thời Nguyễn. Trong khi đó đồ án lưỡng long triều nhật trên một chiếc đĩa Nội phủ thị trungkhác (ảnh 9) lại sao chép kiểu thức trang trí trên ĐSKK đời Trịnh Giang, nhưng từ bỏ bố cục đối xứng và các dải mây kéo dài.
Ảnh 8
Ảnh 9
– Trang trí trên một chiếc đĩa Nội phủ thị trung khác (ảnh 10) thì bắt chước đồ án lưỡng long triều nhật trên ĐSKK đời Trịnh Sâm (ảnh 11) với vài biến đổi, chẳng hạn đuôi rồng có hai chòm lông hai màu xanh lam vẽ theo kiểu đuôi rồng đời Minh Mạng. Kiểu rồng với một sừng duy nhứt vẽ ở đằng sau trán là một kiểu cải biên của người thợ gốm là tác giả của những món đồ sứ mang hiệu đề Nội phủ thị trung và Nội phủ thị hữu làm vào thời Nguyễn. Đó là chiếc bát hiệu đề Nội phủ thị trung (ảnh 12) và chiếc ống bút4 hiệu đềNội phủ thị hữu (ảnh 13) của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và chiếc đĩa hiệu đề Nội phủ thị hữu là đồ tế tự (ảnh 14). Con rồng với một sừng duy nhất chưa bao giờ xuất hiện trong văn hóa Trung Hoa hay văn hóa Việt Nam. Tôi chưa thể giải thích vì sao lại xuất hiện con rồng một sừng trên các món đồ sứ này. Có thể họa sĩ chọn vẽ con rồng như thế để tránh vẽ con rồng như trên đồ sứ ngự dụng. Nhưng có một điều phải ghi nhận là các món đồ này được chế tác rất tinh xảo, với lối trang trí rất tỉ mỉ, nét vẽ thành thạo và hai màu xanh lam đậm nhạt khác nhau nổi bật trên nền sứ trắng, khiến cho món đồ trở nên duyên dáng, hoàn mỹ.
Ảnh 10
Ảnh 11
Ảnh 12
Ảnh 13
Ảnh 14
1.2. Đồ sứ Nội phủ thị… giả thời Nguyễn pha trộn giữa các kiểu thức trang trí của ĐSKK thời chúa Trịnh với các kiểu thức trang trí của đồ sứ Trung Quốc thế kỷ XIX
Đây là những món đồ sứ Nội phủ thị… không sao chép hoàn toàn các kiểu thức trang trí thời chúa Trịnh mà chỉ sử dụng một số kiểu thức hoa văn đã có để sáng tạo nên các kiểu thức trang trí mới với một phong cách hoàn toàn khác biệt.
Trên chiếc bát5 hiệu đề Nội phủ thị trung nguyên thuộc sưu tập Vương Hồng Sển có vẽ một con rồng bốn móng cùng một con lân, đang chầu một quả châu ở giữa. Nét vẽ rất tầm thường và đơn điệu. Quả châu hình vòng tròn, có bốn ngọn lửa cách điệu thành hình chiếc lá. Hình dáng con rồng rất mất cân xứng, với cái đuôi nhỏ, cái đầu to và mũi dẹp (ảnh 15). Con lân mang trên lưng cuốn thư và một thanh gươm (ảnh 16). Cuốn thư biểu tượng cho trí tuệ, tài hoa và các quan văn, còn thanh gươm biểu trưng cho sức mạnh và quan võ. Trong lòng bát có hình chữ Thọ viết theo lối triện.
Ảnh 15
Ảnh 16
Một cái bát6 hiệu đề Nội phủ thị trung khác, cũng thuộc sưu tập Vương Hồng Sển trước đây thì chỉ vẽ hình con kỳ lân với một cây kiếm. Đây là một dạng cải biên khác từ những đồ án trang trí có trên ĐSKK thời chúa Trịnh chính hiệu.
1.3. Đồ sứ Nội phủ thị… thời Nguyễn sao chép các kiểu thức trang trí của đồ sứ Trung Quốc thời Thanh, hoặc các kiểu thức trang trí của ĐSKK thời Nguyễn
Ngoại trừ hiệu đề Nội phủ thị… ghi dưới đáy, các món đồ sứ này không có liên quan gì với ĐSKK thời chúa Trịnh. Kiểu thức trang trí trên các món đồ sứ này mang đặc trưng của các kiểu thức trang trí trên đồ sứ Trung Quốc thời Thanh như các đồ án lưỡng long tranh châu, phong cảnh sơn thủy… Dựa vào các kiểu thức trang trí này, chúng ta không thể gọi đó là những món đồ giả mạo. Theo tôi, đây là những đồ sứ do các nhà buôn Trung Hoa đặt làm cho thị trường Việt Nam. Họ không hiểu ý nghĩa của hiệu đề Nội phủ thị…, mà chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là hiệu đề mà người Việt Nam ưa chuộng nên đã ghi những hiệu đề Nội phủ thị… lên các món đồ sứ này.
Trên cặp bát7 hiệu đề Nội phủ thị trung thuộc sưu tập Dương Hà có vẽ một con rồng kiểu Trung Hoa và một con hải mã, ở giữa có một vòng tròn nằm giữa cụm mây. Trong vòng tròn có viết chữ Nhật (日) hoặc chữ Nguyệt (月) (ảnh 17a-b). Con hải mã mang trên lưng hình thái cực, hàm ý vạn vật không thể sinh ra nếu không có sự kết hợp giữa hai thành tố đối lập nhưng không đối kháng mà bổ sung cho nhau như: mặt trời/mặt trăng; không khí (rồng)/nước (hải mã)… Trang trí này cũng xuất hiện trên một chiếc đĩa8 đời Khang Hi của Bảo tàng Kultuhistoriska Museet (Lund, Thụy Điển). Đĩa này, với nét vẽ tỉ mỉ và cân đối, đã được sử dụng để làm mẫu cho chiếc bát Nội phủ thị trung giả được đề cập trên đây. Những chiếc bát Nội phủ thị trung thời Nguyễn có cốt sứ dày, màu lam bình thường chứng tỏ đây là sản phẩm của các lò gốm dân dụng ở miền nam Trung Quốc.
Ảnh 17a
Ảnh 17b
Một kiểu thức trang trí điển hình khác của đồ sứ Trung Hoa vào thế kỷ XIX được thể hiện trên chiếc bầu rượu hiệu đề Nội phủ thị trung. Đó là đồ án lưỡng long chầu nhật (ảnh 18) với con rồng mang các yếu tố điển hình của rồng Trung Quốc và không hề liên quan với rồng thời chúa Trịnh.
Ảnh 18
Một bộ đồ trà (nhưng chỉ còn lại cái đĩa) hiệu đề Nội phủ thị hữu vẽ phong cảnh và nhân vật trong cung đình, kiểu vẽ rất phổ biến trên đồ gốm sứ dân gian của Trung Quốc. Đó là đồ án cầm – kỳ – thi – họa, bốn cái thú của người xưa, biểu tượng cho sự phong lưu, trí tuệ và nghệ sĩ, với hình vẽ cảnh một người đang đọc sách, hai người chơi cờ, ba người ngắm tranh vẽ ở giữa sân và một cậu bé cầm cây đàn.
Trên bộ trà hiệu đề Nội phủ thị hữu vẽ một phong cảnh sơn thủy (ảnh 19), một kiểu thức trang trí đặc thù của đồ sứ Trung Hoa vào thế kỷ XVIII – XIX. Kiểu thức trang trí phong cảnh sơn thủy này rất được ưa chuộng trên ĐSKK thời Nguyễn; các sứ thần Việt Nam thường đặt làm các món ĐSKK vẽ phong cảnh sơn thủy tương tự, ghi các hiệu đề như Bính Tuất niên chế (1826), Nhâm Tí mạnh đông (1852)… Mối liên quan giữa kiểu thức trang trí phong cảnh sơn thủy trên đồ sứ Trung Hoa và ĐSKK thời Nguyễn được thể hiện ở sự tương đồng của bố cục, luật phối cảnh, cách thể hiện các đình tạ, những cây cầu, nhân vật, cây cối và những bức tường. Sự hiện diện của một loại cây với chiếc lá tròn, mà người Anh Quốc gọi là apple-tree (cây táo tây) trong các bức tranh phong cảnh này là một đặc điểm đặc thù của dòng đồ sứ sản xuất ở Nam Kinh (Trung Hoa) dành cho xuất khẩu vào thế kỷ XIX.
Ảnh 19
Hai bộ trà Nội phủ thị hữu nêu trên là sản phẩm của những lò sứ dân dụng ở phía nam Trung Quốc. Hai kiểu thức trang trí phong cảnh này không do người Việt vẽ kiểu, cho dù sự xuất hiện của ngôi chùa ở trong đồ án này có thể gợi lên hình ảnh chùa Thiên Mụ ở Huế.
Một chiếc ống nhổ (ảnh 20) hiệu đề Nội phủ thị hữu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM cũng trang trí phong cảnh, miêu tả một tòa thành được bao quanh bằng một bức tường, hai gốc tùng và hai ngôi nhà. Mặt bên kia của chiếc ống nhổ vẽ cảnh một hòn đảo, có hai người tiều phu đang ngồi nghỉ trước một túp lều và một người đánh cá đang ngồi trên thuyền. Hình vẽ này tương tự với hình vẽ trên chiếc chén trà ghi hiệu đề Bính tuất niên chế (1826). Hình cây lá tròn và các cụm mây tròn cho phép xếp món đồ Nội phủ thị hữu này là đồ làm vào thời Nguyễn, nhưng khác với các bộ trà giới thiệu trên đây, chiếc ống nhổ này là sản phẩm của một lò gốm tư nhân cao cấp.
Ảnh 20
Ảnh 21
Một kiểu trang trí mới xuất hiện trên chiếc hộp bút có nắp hình chữ nhật, hiệu đề Nội phủ thị đông của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM. Mặt trên nắp hộp bút (ảnh 21) vẽ một phong cảnh tương tự như trên chiếc đĩa Nội phủ thị hữu (ảnh 19) nhưng nét vẽ tỉ mỉ hơn và có đường viền hoa văn hình chữ T như trên vành miệng chiếc bầu rượu hiệu đềNội phủ thị trung (ảnh 18). Mặt trong hộp bút vẽ hình con rồng với một sừng duy nhất. Căn cứ vào kiểu thức trang trí trên chiếc hộp bút này, có thể nhận định rằng đây là món đồ Nội phủ thị đông được làm vào thời Nguyễn. Trong quyển sách Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa, Phạm Hy Tùng có giới thiệu hai hộp bút khác vẽ phụng hoặc rồng. Lối vẽ chim phụng trên hai chiếc hộp bút này rất khác với lối vẽ chim phụng trên ĐSKK thời chúa Trịnh.
Hộp bút Nội phủ thị đông vẽ long lân (ảnh 22) cũng là đồ sản xuất vào thế kỷ XIX với sự hiện diện của những dải hồi văn chữ T, chữ S gấp khúc và văn hoa chanh ở phần nắp viền quanh chân đế. Trang trí trên nắp hộp được chia thành hai phần bằng dải hồi văn hình hoa chanh. Giữa dải hồi văn hoa chanh là hai đồ án long lân. Mặt ngoài thân hộp bút trang trí hình những con lân cưỡi trên sóng nước (văn thủy ba).
Ảnh 22
Trang trí trên ĐSKK thời chúa Trịnh chính hiệu được sao chép rất nhiều vào trên những món ĐSKK thời Nguyễn, hiệu đề Trân ngoạn. Đó là các đồ án lưỡng long triều thọ (ảnh 23), sen – cua, sen với hai câu thơ chữ Hán: “Thanh hương trần bất nhiễm. Hoạt động ý vô cùng” (ảnh 24).
Ảnh 23
Ảnh 24
Một đồ án trang trí xuất hiện trên một chiếc bát9 hiệu đề Trân ngoạn (thuộc sưu tập Dương Hà) và trên một chiếc đĩa hiệu đề Nội phủ thị bắc làm vào thời Nguyễn là đồ án vẽ hai ông quan cưỡi ngựa và hai thiếu niên theo hầu phía sau, chuẩn bị đi qua một cây cầu. Trên dòng sông cạnh cây cầu có vẽ một ngư phủ đang ngồi trên thuyền. Bên cạnh hình vẽ là hai câu thơ chữ Hán: “Giang sơn trình tú lệ. Hương thấn mã đề khinh”. (Gấm vóc non sông trưng vẻ đẹp. Áo thơm, vó ngựa nhẹ đường bay).10
Trên chiếc bát hiệu đề Nội phủ thị bắc khác11 thuộc sưu tập Vương Hồng Sển cũng vẽ đồ án tương tự nhưng nét vẽ kém hơn, thì đồ án này còn có thêm một vài chi tiết như một ngôi chùa và một cung điện. Có một chiếc đĩa hiệu đề Nội phủ thị bắc12 cũng thuộc sưu tập Vương Hồng Sển, vẽ phong cảnh sơn thủy với hồ nước, thủy tạ và cây liễu. Bên trong thủy tạ có hai người ngồi câu cá (ảnh 25), bên cạnh có bốn câu thơ chữ Hán: “Lệ nhật kim ba được cầm lân. Noãn phong xuy lãng sạ phù trầm. Dã tri ngô lạc phi ngư lạc. Bất thị cao lương ngạo thế tâm”. (Sóng vàng ánh nắng gợn lăn tăn. Làn sóng nhấp nhô gió thổi lần. Nên biết ta vui không bởi cá. Có đâu giàu có ngạo nhân dân).13
Ảnh 25
Vương Hồng Sển và Phạm Hy Tùng xếp các bát, đĩa hiệu đề hiệu đề Nội phủ thị bắctrên đây vào dòng ĐSKK thời chúa Trịnh. Theo Phạm Hy Tùng, trang trí này mô tả một cuộc lễ do Trịnh Sâm tổ chức ở cung Thủy Liên bên bờ hồ Tây. Cuộc lễ này diễn ra vào đêm rằm. Vậy tại sao hình trên đĩa lại vẽ mặt trời thay vì vẽ mặt trăng như trên một chiếc đĩa Nội phủ thị đông thời chúa Trịnh? Vả lại hình mặt trời trên chiếc đĩa Nội phủ thị bắcnày vẽ theo kiểu châu Âu. Ngoài ra, cách viết các chữ Nội phủ thị bắc trên đĩa này cũng có nhiều điểm khác so với cách viết hiệu đề trên những món ĐSKK thời chúa Trịnh chính hiệu. Thủ pháp trang trí thì vắng mặt xu hướng tượng trưng, và không sử dụng thủ pháp tam lam như ĐSKK thời chúa Trịnh thật sự. Vì thế, tôi cho rằng những bát, đĩa hiệu đề Nội phủ thị bắc vừa đề cập trên đây, cùng với chiếc bát hiệu đề Trân ngoạn thuộc sưu tập Dương Hà trên đây đều là đồ sứ được đặt làm vào thế kỷ XIX.
2. Đồ sứ Nội phủ thị… giả đời nay
Kể từ năm 1996, các nhà buôn đồ cổ Việt Nam đã đặt làm đồ sứ Nội phủ thị… giả mạo tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu ở trong và ngoài nước. Đồ cổ giả ở Việt Nam xuất hiện ở rất nhiều loại hình cổ vật, từ đồ đồng Đông Sơn đến đồ gốm, nhứt là đồ gốm Việt Nam thế kỷ XV – XVI; từ tranh (như tranh của Bùi Xuân Phái) đến tượng (tượng gỗ Việt thế kỷ XVIII, tượng đá Champa…). Chính sự “nở rộ” của đồ cổ giả ở Việt Nam đã làm cho các nhà chuyên môn và các nhà sưu tập ngoại quốc e ngại và từ đó họ không còn chú ý đến thị trường cổ vật Việt Nam nói riêng và nền văn hóa cổ Việt Nam nói chung. Vì thế, để hồi phục thị trường cổ vật Việt Nam, theo tôi, các nhà chuyên môn cần nghiên cứu, biên soạn và xuất bản một cuốn sách, trong đó có in ảnh tất cả những món đồ cổ giả để cho các nhà sưu tầm cổ vật hiện nay và ngày sau có thể phân biệt.
Với suy nghĩ như vậy, tôi xin giới thiệu một số đồ sứ Nội phủ thị… giả được đặt làm từ năm 1996 trở về sau. Trước đó, có ba món đồ sứ Nội phủ thị… giả đã được Phạm Hy Tùng giới thiệu trong cuốn sách Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa của ông (trang 352).
Đồ sứ Nội phủ thị… giả xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ năm 1996 được sao chép từ ĐSKK thời chúa Trịnh thực sự. Trong nhiều trường hợp, người đặt làm đồ giả vì không có các món đồ gốc, nên đã dựa vào các bức ảnh in trong các quyển sách viết về cổ vật để làm mẫu sao chép. Vì thế, những quyển sách và các bài nghiên cứu cổ vật đã vô tình tiếp tay và đóng một vai trò quan trọng trong việc làm ra các món đồ giả này. Chẳng hạn, quyển sách Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế của Vương Hồng Sển đã cung cấp ít nhất hai mẫu: món đồ Nội phủ thị bắc vẽ lan – bướm và món đồ Nội phủ thị đoài vẽ phong cảnh (ảnh 25). Hay khi Loan de Fontbrune lần đầu tiên công bố ảnh chiếc đĩa Nội phủ thị trung vẽ một phụ nữ cùng hai nô tì ở trong một khu vườn (ảnh 26) trong cuốn Le Viêt Nam des Royaumes, thì một số đĩa Nội phủ thị trung đã được làm giả dựa theo các bức ảnh này. Vì lý do đó nên hiện nay nhiều nhà sưu tập không muốn in ảnh những món đồ quý của mình trong các cuốn sách hay bài báo viết về cổ vật vì sợ bị sao chép, làm giả.
Ảnh 26
Có hai điều cần quan tâm để tránh sự nhầm lẫn giữa các món ĐSKK thời chúa Trịnh với các món đồ Nội phủ thị… giả, đó là quan sát hoa văn trang trí và so sánh cách viết hiệu đề. Những người thợ Trung Quốc hiện nay khi làm đồ giả thường mắc vài sai sót khi sao chép hoa văn trang trí và thể hiện hiệu đề, mà nếu tinh ý thì có thể nhận biết. Đồ sứ Nội phủ thị trung và Nội phủ thị bắc làm giả rất dễ phát hiện, nhưng đồ sứ Nội phủ thị đoài và Nội phủ thị hữu thì khó nhận biết hơn. Theo tôi, phần lớn các chiếc đĩa mang hiệu đề Nội phủ thị… có đường kính lớn hơn 30cm đều là đồ giả.
Một số đồ sứ Nội phủ thị… giả hiện nay đã được tôi nghiên cứu đối chiếu với các món ĐSKK thời chúa Trịnh thật như chiếc đĩa Nội phủ thị trung (ảnh 27), đĩa Nội phủ thị bắc(ảnh 28), đĩa Khánh xuân thị tả (ảnh 29).
Ảnh 27
Ảnh 28
Ảnh 29
Trên chiếc đĩa Nội phủ thị hữu (ảnh 30) trang trí đồ án long phụng triều nhật làm giả sau năm 1996, con phụng được vẽ theo phong cách Trung Quốc, với cái đuôi có năm chòm lông, trong khi chim phụng trên ĐSKK thời chúa Trịnh chỉ có ba hoăc bốn chòm lông đuôi; còn con rồng thì không vẽ hai chân sau mà chỉ vẽ móng. Phạm Hy Tùng cho rằng đây là một món đồ giả.
Ảnh 30a
Ảnh 30b
Một chiếc bát Nội phủ thị hữu khác, trang trí đồ án long lân triều nhật (ảnh 31) cũng là một món đồ giả. Kiểu đồ án này không bao giờ xuất hiện trên những món đồ Nội phủ thị hữu chính hiệu vì đó là đồ sứ dành cho vương phi, nên chỉ có thể vẽ đồ án long phụng triều nhật mà thôi. Kiểu trang trí này lại xuất hiện trên chiếc bát hiệu đề Khánh xuân thị tả (ảnh 32), trong khi đồ sứ Khánh xuân thị tả thời chúa Trịnh chỉ vẽ long lân khánh thọ. Vả lại, trong dòng ĐSKK thời chúa Trịnh không bao giờ có một đồ án trang trí lại xuất hiện trên hai món đồ sứ có hiệu đề khác nhau.
Ảnh 31
Ảnh 32
Vì thế, tôi rất ngạc nhiên khi thấy cùng một đồ án trang trí lại xuất hiện ở mặt ngoài của mấy chiếc đĩa và bát có hiệu đề Nội phủ thị đoài. Đồ án trang trí trên các món đồ này rất kỳ dị: một ngôi nhà có sàn lát gạch vuông, phía trước có hòn đá và lan can, hai cây liễu; đối diện với ngôi nhà là một cây cầu có mái kép ở giữa, hai bên cầu có một hòn đá và ba cây liễu khác. Đồ án này được vẽ trên một cái bát (thuộc một sưu tập tư nhân) và trên ba cái đĩa có đường kính khoảng 20 cm. Tôi cho rằng tất cả các món đồ này được làm sau năm 1996.
Trên chiếc đĩa14 hiệu đề Nội phủ thị đoài trong sưu tập của Phạm Hy Tùng có vẽ phong cảnh (ảnh 33). Kiểu vẽ này khác xa với kiểu vẽ trên các ĐSKK thời chúa Trịnh như: bố cục hình vẽ không chặt chẽ, cách vẽ hòn đảo nằm ở phía sau thường chỉ thấy trên ĐSKK thời Nguyễn và sự vắng mặt của xu hướng tượng trưng. Dưới hai cây liễu, trong tòa lâu đài có vẽ một ông quan ngồi ngắm sen, một tay chèo đứng trên thuyền và một thiếu niên ở giữa sân. Nét vẽ nhìn chung rất sáo. Cây sen và những con sóng được thể hiện rất đơn điệu, không cân xứng. Không có sự giảm dần của sắc độ xanh lam như trên ĐSKK thời chúa Trịnh chính hiệu. Kiểu vẽ cây sen không theo lối vẽ sen trên đồ sứ Nội phủ thị namtruyền thống mà theo kiểu vẽ của đồ sứ Trung Quốc thế kỷ XIX (xem ảnh chiếc đĩa hiệu đề Nhã ngọc, ảnh 4). Vả lại, lối vẽ con chim yến bay gần cây liễu là một kiểu trang trí phổ biến trên đồ sứ Quảng Châu sản xuất cho châu Âu vào thế kỷ XIX, mà người Anh gọi là willow pattern (hoa văn cây liễu). Theo Phạm Hy Tùng, thì đây là chiếc đĩa Nội phủ thị đoài làm vào thời Nguyễn. Còn các đĩa Nội phủ thị đoài khác (ảnh 34a-b) có lối vẽ giản lược, không tỉ mỉ như đĩa của ông và nhiều sai sót là những món đồ Nội phủ thị đoàiđược làm vào sau năm 1996, căn cứu vào chiếc đĩa gốc có niên đại vào thế kỷ XIX của Phạm Hy Tùng.
Ảnh 33
Ảnh 34a
Ảnh 34b
Ảnh 35
Trên một chiếc đĩa Nội phủ thị đoài khác15 (ảnh 35), cũng thuộc bộ sưu tập Phạm Hy Tùng có vẽ một ông quan ngồi trên một hòn đá, tay với theo cái mũ vừa bị gió thổi bay, phía sau là một đứa trẻ đang thả diều. Đối diện với ông quan là một vách núi, trên đó có một cây liễu. Kiểu trang trí này không thể thực hiện dưới thời chúa Trịnh vì đồ án này là một biểu tượng mang ý nghĩa tiêu cực.
Ảnh 36
Ảnh 37
Trên một chiếc đĩa Nội phủ thị đoài (ảnh 36) vẽ hai phụ nữ đứng ở bờ hồ. Bên phải là một vách núi đá có một cây liễu. Đồ án này có bố cục tương tự như đồ án vẽ ông quan và đứa bé thả diều. Điều này chứng tỏ đó là những món đồ giả. Vả lại, hình vẽ hai phụ nữ này lại xuất hiện trên một chiếc đĩa Nội phủ thị đoài khác (ảnh 37) nhưng có bố cục đối xứng so với hình vẽ trên đĩa Nội phủ thị đoài đã được đề cập trên đây (ảnh 36). Đây là điều không bao giờ xảy ra trên ĐSKK thời chúa Trịnh chính hiệu.
Một điều cần nhắc lại là, ngoại trừ đồ Nội phủ thị trung và Nội phủ thị đông, các ĐSKK thời chúa Trịnh thường không có nhiều kiểu trang trí khác nhau trên những món đồ cùng một hiệu đề. Nếu cho rằng các món đồ Nội phủ thị đoài vừa nêu là đồ thật thì chúng ta có đến sáu kiểu trang trí khác nhau cho riêng hiệu đề Nội phủ thị đoài. Đây là điều khó có thể xảy ra. Trong khi đó, trong quyển Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa, Phạm Hy Tùng đã giới thiệu một “chiếc thố mất nắp, phần thân trang trí chim sáo đậu trên ghềnh đá dưới gốc liễu”16 và trong quyển Tản mạn Phú Xuân, Trần Đình Sơn cũng giới thiệu chiếc đĩa vẽ phong cảnh bờ hồ với ngôi nhà, lan can và một phụ nữ đứng dưới cây liễu17, cũng là những món Nội phủ thị đoài. Theo tôi những món đồ mang hiệu đề Nội phủ thị đoài này là rất đáng ngờ.
(Trần Đức Anh Sơn biên tập, hiệu đính và bổ túc)
Chú thích
1 Đĩa Nội phủ thị trung. Gốm Bát Tràng, cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Đường kính miệng 14,8 cm. Sưu tập tư nhân, Paris (Pháp).
2 Trước thế kỷ XV, thợ gốm Trung Hoa chỉ chế tạo những món đồ gốm sứ độc bản với hình dáng và trang trí khác nhau. Thời kỳ này được xem là tuyệt đỉnh của văn hóa gốm sứ. Từ đời Gia Tĩnh (1522 – 1566) nhà Minh, thợ gốm Trung Hoa đã bắt chước và làm lại đồ gốm sứ đời Tuyên Đức (1426 – 1435) và đời Thành Hóa (1465 – 1487)… Vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, thì họ làm lại đồ gốm sứ thời Minh và cả gốm sứ đời Khang Hi hoặc đời Càn Long.
3 Đĩa Nội phủ thị trung, làm vào thế kỷ XIX. Đường kính miệng 11 cm. Nguyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển (TPHCM). Số ký hiệu 118-VHS.
4 Ống bút Nội phủ thị hữu, làm vào thế kỷ XIX. Cao 18 cm, đường kính miệng 21,5 cm. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Số ký hiệu: BTH.1474.GM.01. Một ống bút tương tự có mặt trong Bảo tàng Mariemont (Bỉ). Đường kính miệng 21,5 cm. Số ký hiệu Ac. 96/80.
5 Bát Nội phủ thị trung, làm vào thế kỷ XIX. Cao 7 cm, đường kính miệng 19 cm. Nguyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển. Số ký hiệu 700-VHS.
6 Đĩa Nội phủ thị trung, làm vào thế kỷ XIX. Đường kính miệng 17 cm. Nguyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển. Số ký hiệu 860-VHS.
7 Nội phủ thị trung, làm vào thế kỷ XIX. Cao 7,6 cm, đường kính miệng 17,20 cm. Sưu tập Dương Hà (TPHCM).
8 Đĩa sứ Trung Hoa đời Khang Hi. Bảo tàng Kultuhistoriska Museet, Lund (Thụy Điển). Số ký hiệu KM 28.320.
9 Bát Trân ngoạn. Sứ Trung Hoa thế kỷ XIX. Cao 6,20 cm, đường kính miệng 13,80 cm. Sưu tập Dương Hà.
10 Vương Hồng Sển, Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế. Nxb TPHCM, 1993, tr. 138.
11 Bát Nội phủ thị trung, làm vào thế kỷ XIX. Cao: 4,2 cm, đường kính miệng 9,5 cm. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM. Nguyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển. Số ký hiệu 591-VHS.
12 Đĩa Nội phủ thị bắc làm vào thế kỷ XIX. Sưu tập Phạm Hy Tùng (TPHCM). Một chiếc đĩa tương tự hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM. Đường kính miệng 14,5 cm. Nguyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển. Số ký hiệu:229-VHS.
13 Vương Hồng Sển, Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế. Nxb TPHCM, 1993, tr. 138.
14 Đĩa Nội phủ thị đoài, làm vào thế kỷ XIX (?). Sưu tập Phạm Hy Tùng. Một chiếc đĩa tương tự đã được bán đấu giá tại Drouot, Paris, Étude Binoche, 09.06.1997, Số 182. Đường kính miệng 20,5 cm. Hai đĩa khác thuộc sở hữu của một sưu tập tư nhân ở châu Âu.
15 Đĩa Nội phủ thị đoài, làm vào thế kỷ XX. Sưu tập Phạm Hy Tùng.
16 Phạm Hy Tùng, Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa, Nxb TPHCM 2006, tr. 67, ảnh 21.
17 Trần Đình Sơn – Hoàng Anh, Tản mạn Phú Xuân, Nxb Trẻ, 2001, ảnh 44A.
Tác giả: Philippe Truong – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn, Jochen May
Các phần tiếp theo: