Sự tích bảo vật vua ban
Sử sách còn ghi: Năm 1885, vua Hàm Nghi từng chạy ra Hương Khê, Hà Tĩnh, đóng quân và viết hịch Cần Vương kêu gọi toàn dân đánh giặc Pháp. Cũng trong thời gian này, nhà vua bị quân Pháp nhiều lần vây bắt không thành. Người già trong làng kể, vua Hàm Nghi được Thánh mẫu báo mộng nên mới thoát khỏi các cuộc vây bắt của giặc Pháp. (Sự tích trên đúng sai thế nào chưa rõ, vì có nhiều tài liệu lại nói rằng chiếu Cần Vương ra đời ở Cam Lộ, Quảng Trị).
Cũng theo sự tích này, tương truyền vào một đêm, trong giấc ngủ nhà vua nằm mộng thấy vị Thánh mẫu hiện lên và nói: “Đất là của vua, vua ở đâu cũng được. Nhưng ta báo tin rằng bọn bạch quỷ (chỉ giặc Pháp-PV) sắp theo chân đến đây, nếu vua ở lại thì sát dân, hãy mau định liệu”.
Tỉnh mộng vua liền vội vã triệu họp quần thần làm lễ xuống đền tạ ơn thần. Nhằm ghi nhớ công ơn Thánh mẫu, vua phong tặng cho bà chức “Thượng thượng thượng đẳng tối linh tôn thần” (một chức sắc lớn của thần linh).
Không những vậy, nhà vua còn dâng nhiều bảo vật để nhân dân thờ cúng Thánh mẫu, bao gồm: 2 con voi vàng (1 con nặng 27 đồng cân, 1 con nặng 17 đồng cân - mỗi đồng cân tương đương với 1 chỉ vàng), 1 con voi đồng, 1 con nghê, 2 thanh bảo kiếm cùng 8 bộ áo mũ triều thần. Sau đó theo lời báo mộng, vua cùng quần thần rút vào vùng rừng núi Quảng Bình.
Cả làng bảo vệ, giữ gìn bảo vật
Dù đã trải qua bao biến cố thăng trầm, qua nhiều giai đoạn lịch sử,… nhưng người dân làng Phú Hòa vẫn lưu giữ vẹn nguyên những cổ vật quý giá vua ban. Ông cố đạo Phan Đình Giơn là một trong những người có công gìn giữ bảo vật lâu nhất làng: 11 năm 6 tháng.
Đó là vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông được dân làng tín nhiệm giao giữ chức cố đạo. Dù nhà rất nghèo, nhiều ngày phải ăn mít xanh để sống nhưng ông vẫn một lòng một dạ chung thuỷ bảo vệ bảo vật an toàn, không nhận một đồng lương. Và các vị cố đạo sau này cũng vậy, kiên cường bảo vệ báu vật cho làng, dù bị nhiều kẻ hám lợi dụ dỗ đem bảo vật đi bán.
Ông Nhung, một trong những cố đạo, kể rằng: Thời Pháp thuộc có một cố đạo của làng được giao trọng trách giữ bảo vật. Cố làm việc rất trách nhiệm và thanh liêm, nhưng cố có 3 người con trai, vì quá nghèo nên làm liều, mang một con voi vàng sang Lào đổi một đàn trâu. Trên đường về, người con cả bị trâu húc chết. Người con thứ phát điên về nhà giết hại cả vợ con. Nghe tin dữ, người đổi trâu vội mang con voi bảo vật sang trả lại cho làng.
Theo lệ làng, hàng năm, các cụ cao tuổi đều tổ chức kiểm tra bảo vật để đảm bảo rằng báu vật vua ban luôn được gìn giữ nguyên vẹn. Đến ngày lễ tết, các bảo vật lại được bày lên để nhân dân khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng và hương khói, tưởng nhớ đến công ơn Thánh mẫu và tinh thần yêu nước của vua Hàm Nghi.
Câu chuyện nhân dân làng Phú Hoà dù nghèo cũng kiên quyết bảo toàn báu vật vua ban lan truyền đi khắp nơi. Chính quyền xã cũng chung tay bảo vệ cùng dân làng. Nhân dân trong xã và nhiều tấm lòng hảo tâm trong cả nước cũng góp công góp của động viên làng Phú Hòa.
Thành Sơn Phòng, miếu Trầm Lâm và đền cộng đồng - nơi lưu giữ các bảo vật - đã được công nhận là quần thể di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2001, nhưng việc bảo vệ những bảo vật có một không hai này đến nay vẫn chủ yếu dựa vào sức dân nên chưa thật sự an toàn.
Minh San - Văn Dũng