BannerHieude

Cổ vật

Biểu tượng XI VẪN ở chùa Diên Hựu
28/02/2013 11:17| 8175 Lượt xem| 0 Lượt yêu thích
Từ bài thơ Diên Hựu Tự của Trúc Lâm đệ tam tổ - Thiền sư Huyền Quang (1254 -1334), chúng tôi đã tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của hình tượng xi vẫn, loài thú lạ vẫn thường được đắp tượng trang trí trên nóc, mái các công trình kiến trúc cổ.

Bài thơ Diên Hựu Tự (延祐寺) của Trúc Lâm đệ tam tổ- Thiền sư Huyền Quang (1254 -1334) có hai câu như sau:
鴟 吻 倒 眠 方 鏡 冷
塔 光 雙 峙 玉 尖 寒
Xi vẫn đảo miên phương kính lãnh
Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn
(Hình xi vẫn ngủ ngược trên gương nước lạnh
Đôi bóng tháp thon vút như ngón tay ngọc giá băng)
Ở đây ta bắt gặp xi vẫn- một loài thú lạ, không biết đó là gì. Thơ văn Lý Trần ghi đó là con xi vẫn, dịch sang thơ là:
In ngược hình chim, gương nước lạnh
Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiên hàn
Và chú thích rằng: “Xi vẫn: hoặc con xi vĩ là hình những con cú được chạm hoặc đắp nổi trên các nóc đình chùa. Ở chùa Một Cột ngày nay là hình con rồng”(1) . Vậy con vật này là thuộc loài gì? Chúng có xuất xứ từ đâu, từ nền văn hóa nào, và ý nghĩa biểu tượng của nó là gì?

Về tên gọi, xi vẫn (鴟吻,蚩吻: miệng rồng đuôi chim xi) còn có tên là li vẫn (螭吻: miệng rồng), li đầu (螭頭: đầu rồng), xi vĩ (鴟尾: đuôi chim xi), từ vĩ (祠尾: đuôi chim trên mái đền), long vẫn (龍吻: miệng rồng), long vỹ (龍尾: đầu rồng đuôi xi), li hổ (螭虎: rồng hổ), li long (螭龍: rồng), cù vĩ (虬尾: đuôi rồng), xi manh (鴟甍: mái có chim xi), thôn tích thú (吞脊獸: thú ngậm nóc) hay vẫn thú (吻獸: thú há miệng), đều là tên gọi do người Trung Hoa dịch từ tiếng Phạn là Makara (Ma Kiệt ngư, Ma Ca La, Ma Già La). Hình của nó thường được dùng để đắp trên nóc, mái của các công trình kiến trúc thời cổ, miệng xi vẫn thường há rộng, hoặc ngậm vào đầu kìm (nên mới có chữ vẫn là “miệng”). Ở Nhật Bản gọi là hổ, kim hổ (金鯱), shibi (xi vĩ), hay しゃちほこ tức hổ mâu (鯱鉾), trong đó hổ trỏ loài cá kình, còn mâu trỏ hai vây (như hai lưỡi kiếm sắc nhọn) của loài cá này. Theo sách Quảng từ uyển thì hổ mâu là một loại cá ngoài bể có đầu rồng mình cá. 






từ văn hóa Hindu và Phật giáo Ấn Độ
Xi vẫn (cũng như các tên đã nêu) vốn là cách gọi của người Trung Hoa dành cho một loài thú huyền thoại makara trong văn hóa Ấn Độ chuyên sống ở dưới nước. Ban sơ, makara thường có hình đầu thú (đầu voi, đầu cá sấu,…), phần sau là đuôi cá cũng có khi là đuôi công trống (2) . Makara là vật cưỡi của Ganga- chúa tể sông Hằng và Varuna- chúa tể biển cả. Makara tiếng Sanscrit nghĩa là một loài rồng biển, dịch sang tiếng Anh là “sea-dragon”, các tiếng trong nhánh Hán- Tạng gọi là “thủy tinh” (3), người Việt hiện nay thường gọi là “thủy quái”, còn trong tiếng Hindu thì có nghĩa là con cá sấu. Trong các bức phù điêu ở nhiều đền thờ Hindu giáo, hàng đoàn makara nối đuôi nhau chạy như dòng chảy miên viễn của sông Hằng. Nó là biểu tượng của con sông này, và rộng hơn là biểu tượng của nước.




(Makara hình cá sấu, vật cưỡi của thần Varuna, tranh Ấn Độ)




(Ảnh: makara Ấn Độ, nguồn: Robert Beer)




(Hình trên: Cờ Karava Makara của Sri Lanka, với con Makara đầu voi, mình- đuôi công trống, nguồn: http://en.wikipedia.org).
Việc thờ thần Makara đã được truyền từ Hindu giáo vào Phật giáo Ấn Độ. Trong ý nghĩa biểu trưng của phái Mật tông, đây là con vật cưỡi của Mantra Vam, tương ứng với yếu tố nước, nó là biểu tượng của những cơn mưa lành (4).
Sách Bhagavad Gita ca ngợi rằng: “vị trí của con makara giữa đàn cá cũng như sông Hằng so với các con sông khác.” Những miêu tả cường điệu là xuất phát từ các thần thoại cổ xưa. Trên thực tế, thần Makara có hình cá sấu (rồng nước) là một biểu tượng của vùng sông nước.





(hình dưới: Makara- vật cưỡi của chúa tể sông Hằng, tranh Ấn Độ, nguồn: http://en.wikipedia.org). 





(Makara, tk XVII, chùa Bút Tháp, Việt Nam, ảnh:?)




(Makara, tk XVII, chùa Bút Tháp, Việt Nam, ảnh: Trần Trọng Dương)
Đến xi vẫn Trung Hoa
Cùng mới sự truyền bá Phật giáo, makara đã truyền nhập khắp Đông Nam Á và Đông Á . Makara vào Trung Hoa quãng đời nhà Hán. Ngay sau đó đã được dân gian hóa bằng các huyền thoại rồi đi vào cung đình. Quá trình truyền nhập ấy có thể thấy được qua một số thư tịch cổ dưới đây. 
Sách Đại tạng kinh cuốn Nhất thiết kinh âm nghĩa (quyển 40) ghi: “Ma kiệt là tiếng Phạn, trỏ một loài cá lớn ngoài biển, có thể nuốt được mọi thứ.” (摩羯者,梵语也。海中大鱼,吞噬一切). Sách Pháp uyển châu lâm ghi: “cá lớn Ma Kiệt thân dài 300 đến 700 do tuần.” Kinh A hàm miêu tả cá có “mắt như mặt trời mặt trăng, mũi như núi to, mồm như hang đỏ” .
Sách Thái Bình ngự lãm thuật lại sự tích như sau: “vào đời Hán, sau khi điện Bách Lương bị hỏa hoạn, có người thày mo đất Việt nói rằng: ‘ngoài biển có con ngư cù (rồng cá), đuôi giống đuôi chim xi, thúc sóng mà làm mưa’, bèn tạc tượng con thú ấy để yểm hỏa tai.”
Tô Ngạc đời Đường trong Tô thị diễn nghĩa viết: ‘xi là loài thú biển. Đời Hán Vũ đế dựng điện Bách Lương có người dâng sớ rằng xi vĩ là loài thủy tinh, có thể tránh hỏa hoạn, nên đặt trên mái điện’. 
Đời Minh, Lý Đông Dương trong cuốn Hoài Lộc Đường tập ghi như sau: “long sinh cửu tử, có con xi vẫn tính thích nuốt, nay các đầu thú ở nóc điện chính là lưu tích của nó”.
Những ghi chép trên có những điểm xuất nhập khác nhau. Nhưng có thể thấy quá trình truyền nhập và địa phương hóa hình ảnh Makara ở Trung Quốc để trở thành xi vẫn. Ban đầu, Phật giáo khi mới truyền nhập vào Trung Hoa, Makara tồn tại trong dân gian. Vào đời Hán, loại linh thần của Phật giáo này đã được Hán Vũ đế chính thức đưa vào văn hóa cung đình bằng việc đắp hình trên các nóc điện, và coi đó như là một vị thần biểu tượng cho việc trừ hỏa hoạn, và cũng từ đây chính thức được ông vua này định danh là xi vẫn. Người Trung Quốc cũng đã nhanh chóng Hoa hóa theo nhiều cách khác nhau (tên gọi, hình dáng…), và hầu như đã quên đi cái tên Ấn Độ cũng như nguồn gốc Phật giáo của nó. 




(ảnh: xi vẫn đời Minh, ngói lưu ly, nguồn: www.findart.com.cn)

Đời sau, dựa vào những miêu tả trên mà người ta tạc con xi vẫn thành hình đầu rồng đuôi cá. Hiện vật khảo cổ sớm nhất hiện nay về con xi vẫn được khắc vào năm Nguyên Quang thứ nhất (năm 134) đời Hán. Từ Hán đến Đường, xi vẫn thường có hình dạng nguyên thủy. Đến thời Nam Bắc triều, xi vẫn thường được đắp trong các vân mây ở Long Môn. Từ vãn Đường, đầu rồng (thú) miệng há rộng được nhấn mạnh, còn đuôi được cách điệu thành dạng khí mây bốc lên trời. Từ đời Tống Minh trở về sau, xi vẫn được Hoa hóa một lần nữa trong huyền thoại long sinh cửu tử. Kể từ đây, hình ảnh “thân cá, đuôi xi” đã biến mất, và thay vào đó là hình ảnh con rồng. Có khi con xi vẫn- rồng này còn được tạc cùng một thanh kiếm (hay kích)- biểu tượng của sấm sét và mưa gió như là một điệp thức biểu tượng về trừ hỏa-làm mưa, hay cao hơn nữa là biểu tượng uy quyền- trừ tà- trừ ma. 





(ảnh: xi vẫn, Di Hòa viên, nhà Thanh, Trung Hoa, nguồn: www.findart.com.cn)




(ảnh: xi vẫn với thanh kích, Trung Hoa, nguồn: www.findart.com.cn)
Như vậy, xi vẫn là một loại hình tượng trang trí trên nóc mái các công trình kiến trúc đời cổ, loài vật này thường được đắp ở hai bên đầu kìm hay góc điện. Sở dĩ nó hay được đắp trên bờ nóc và góc diềm bởi lẽ đó là những điểm giao của các mặt mái, nơi nước mưa trôi xuống. Việc đắp xi vẫn ở đấy khiến cho các công trình tránh bị nước mưa dột xuống hẳn có mục đích thực dụng của nó.

Xi vẫn ở Việt Nam
Ở Việt Nam, ngoài giới chuyên môn, hiện nay không mấy ai biết đây là con vật gì. Tư liệu sớm nhất đề cập đến xi vẫn chính là câu thơ của Huyền Quang. Trong thời trung đại, chúng tôi còn thấy con vật này được chép trong sách Quần thư tham khảo của Phạm Đình Hổ khi ghi về thuyết long sinh cửu tử như sau: “con xi vẫn hình dạng tựa con thú, tính thích trông giữ. Con thú ở nóc điện ngày nay chính là nó. Lý Tây Nhai người đời Tống cho nó là đuôi của con chim cưu, bởi căn cứ lời thầy mo nước Việt đời Hán là trong biển có con cù, đuôi nó giống con chim cưu, khi nó đập sóng thì mưa xuống. Cho nên làm hình dạng nó đặt trên nóc điện để yểm hỏa tai.” (6) Có thể nói, những ghi chép của Phạm Đình Hổ chịu ảnh hưởng của xu hướng về “rồng hóa”, “thú hóa” từ đời Nguyên Minh về sau. 
Các dịch giả của Thơ văn Lý Trần căn cứ hiện vật trên mái chùa Một Cột ngày nay mà ghi rằng đó là con rồng. Người ta thường gọi đó là con xô hay sô theo cách gọi của dân gian (sô và xô là cách đọc trại âm của thú- âm Bắc Kinh là shou). 




(Xi vẫn, đá, thế kỷ XVII (?), Hoàng thành Thăng Long, nguồn: Nguyễn Đức Dũng).
Ở Việt Nam, như ghi chép của Phạm Đình Hổ, thì xi vẫn đã được Việt hóa bằng hình ảnh con rồng hoặc con thú có bốn chân, và được gọi là con xô. Đặc điểm của con xô là đuôi thường được uốn cong, có khi trở thành một chùm mây xoắn cách điệu. Có người giải thích rằng, đó là biểu hiện của tín ngưỡng thờ thần mưa trong cư dân nông nghiệp. Tuy nhiên, có thể khẳng định lại ở đây một lần nữa, rằng đây vẫn là biểu tượng của thần nước từ văn hóa Ấn Độ và thần trừ hỏa tai có nguồn gốc Trung Hoa.





(Xi vẫn, đất nung, tk XIX, đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), nguồn: Nguyễn Đức Dũng)
Xi vẫn ở chùa Diên Hựu




Hình trên là xi vẫn trên nóc chùa Một Cột ngày nay. Ảnh: Trần Trọng Dương.
Có thể dễ dàng nhận thấy đầu rồng đang ngậm lấy phần thân của tầu đao. Thân của xi vẫn đã cách điệu thành hình lá trông giống như đồ án long diệp (rồng lá) hoặc chỉ như là phần bờm của xi vẫn. Tuy nhiên, kiến trúc này chỉ mới được xây lại từ năm 1955, sau khi Pháp rút khỏi nước ta. Về phong cách mỹ thuật, thì có thể tạm thời nhận định rằng là chịu ảnh hưởng của mỹ thuật thời Nguyễn muộn (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). 
Xi vẫn thời Lý- Trần
Việc đi tìm hình ảnh xi vẫn qua thư tịch Việt Nam sẽ rất khó khăn bởi tình trạng sách vở thời Lý Trần đã thất tán gần như không còn gì. Chúng tôi chuyển hướng đi tìm qua các hiện vật khảo cổ. Thực may mắn thay, các hiện vật còn lại đến nay cũng đủ để ta dựng lại được hình ảnh khá sinh động và phong phú. Đó chính là những hiện vật mà giới khảo cổ gọi là “đầu rồng” trong trang trí kiến trúc thời kỳ này.
Ở thế kỷ XIII-XIV, triều Trần, chúng ta còn hiện vật tại Bảo tàng Nam Định. Đó là một hiện vật bằng đất nung cao 59 cm (hình bên dưới). Đế của hiện vật đã bị vỡ một phần. Nhưng phần còn lại của đế hiện vật đủ cho ta thấy đó là loại ngói ốp phía trên nóc mái (7). 




(Xi vẫn đời Trần, thế kỷ XIII-XIV, gốm, nguồn: Cổ Vật Việt Nam)

Hiện vật thứ hai cũng tương tự như vậy (cao 37cm), được tìm thấy tại tháp Phổ Minh (Nam Định). Chỉ có điểm khác là phần chân đế là một viên gạch phẳng. Điều này khiến chúng ta có thể nhận định rằng, đây là tượng xi vẫn được gắn ở trên một mặt bằng có thể là trên nóc thượng lương hoặc trên bờ tường của kiến trúc đó.




(Xi vẫn đời Trần, thế kỷ XIII-XIV, gốm, nguồn: Cổ Vật Việt Nam)
Tượng thứ ba cho thấy phong cách cuối thời Lý tại Hoàng Thành Thăng Long. Bờm xi vẫn được tạo hình rất đẹp, các tia bờm uốn lượn nhịp nhàng. Phần râu và mũi được đặc tả nhấn mạnh, miệng ngậm hỏa châu. Cổ khắc vẩy cá. Phần chân là đế ốp dạng vòm.




(Xi vẫn đời Lý, thế kỷ XII, gốm, nguồn: Nguyễn Đức Dũng)

Hiện vật cuối cùng là tượng xi vẫn thế kỷ XI-XII. Đây là thời thịnh trị của nhà Lý. Tượng cao ngang người, phong cách hoành tráng. Bờm và râu xi vẫn có tỷ lệ tương ứng, các đường lượn của tua và bờm có sự phối hợp với nhau mỹ lệ đến kỳ lạ. Có thể nói đây chính là hiện vật xi vẫn cổ nhất và đẹp nhất trong lịch sử tạo hình Việt Nam, xứng đáng làm biểu tượng cho đất Thăng Long ngàn năm văn vật.



(Xi vẫn đời Lý, thế kỷ XI- XII, gốm, nguồn: Nguyễn Đức Dũng)

Lời kết: Từ câu thơ của thiền sư Huyền Quang, chúng tôi đã tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của hình tượng xi vẫn trong văn hóa cổ Phương Đông. Có thể khẳng định rằng, từ makara trong Hindu giáo và Phật giáo Ấn Độ cho đến hình ảnh xi vẫn trong văn hóa kiến trúc Việt Nam- Trung Hoa đã có những tiếp biến văn hóa khác nhau và những tiếp biến ấy là vô cùng đặc sắc ở từng dân tộc, từng khu vực. Riêng ở Việt Nam, biểu tượng xi vẫn có những chuyển biến khác nhau ở từng thời kỳ. Thời Lý- Trần, xi vẫn được đặc tả ở râu, bờm, lưỡi và không có thân hay đuôi. Miệng không há to dữ dằn như ở Trung Hoa mà luôn ngậm một viên hỏa châu. Phong cách mỹ thuật duyên dáng, tinh tế cho thấy phần nào tinh thần và tài năng của con người Đại Việt vào thời kỳ đó. Xi vẫn thời Lê chịu ảnh hưởng của phong cách nhà Minh. Đến Nguyễn, xi vẫn đã được “long hóa”, hoặc “thú hóa” để trở thành hình tượng con vật đầu rồng, có bốn chân với móng vuốt sắc nhọn, đôi khi có những vầng mây tỏa ra từ thân và đuôi. Những khảo cứu của chúng tôi trong bài viết này chỉ mới là những tìm hiểu ban đầu về hình tượng xi vẫn trong kiến trúc cổ nói chung và trong kiến trúc chùa Diên Hựu (Một Cột) nói riêng. Việc trùng tu, xây dựng lại chùa Diên Hựu cũng như những di sản văn hóa của cha ông, vẫn còn ở phía trước. Vấn đề là ở chỗ chúng ta ứng xử và phát huy những giá trị văn hóa ấy như thế nào trong thời điểm hiện nay?

---

1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên). Thơ văn Lý Trần (Tập II, quyển Thượng). Nxb KHXH. H.tr. 704-705.

2. Robert Beer (10 September 2003). The handbook of Tibetan Buddhist symbols. Serindia Publications, Inc.. pp. 77

3. Sir Monier Monier-Williams (2005). A Sanskrit-English dictionary: etymologically and philologically arranged, Motilal Banarsidass Publications, p. 771

4. Jean Chevalier và Alain Gheerbrant.1997. Từ điển biểu tượng văn hóa thế thế giới. Nxb Đà Nẵng. tr.556.

5. Việc truyền nhập Makara trong văn hóa Đông Nam Á, chúng tôi xin được trình bày trong một dịp khác.

6. Phạm Đình Hổ. Quần thư tham khảo. trong “Phạm Đình Hổ, tuyển tập thơ văn”. Trần Kim Anh dịch chú, Nguyễn Văn Lãng hiệu đính. Nxb KHXH. H. tr.118.

7. Nhiều tác giả. Cổ vật Việt Nam. Bộ Văn hóa- Thông tin, Cục Bảo tồn Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Hà Nội. 2003. Hai ảnh si vẫn đời Trần dưới đây trích từ sách này.

 

Cổ vật tinh hoa ( Nguồn: Trần Trọng Dương)

người thích

Bài viết mới cập nhật

Cố vật ở nước ngoài

Cặp đĩa thời Tây Sơn

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €4.508

Cái tiềm trang trí Long hý thủy

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €4.894

Đôi bình bát tràng

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €2.061

Vò gốm Gò Mun.

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €322

Cốc gốm Gò Mun

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €283