Thời Tống, vua quan đua nhau thiết trí viên lâm, vườn cảnh, thu thập các kỳ phong quái thạch, vua Tống Huy Tông chiếu lệnh sưu cầu đá Thái Hồ (loại đá vùng Thái Hồ có lỗ hang rất đẹp, lạ), các phủ quan một mặt đốc suất chiêu mộ thợ lặn lặn xuống hồ sâu bẩy đục lấy đá, một mặt cưỡng đoạt các đá đẹp “gia bảo” trong dân gian, chở về kinh. Nhà vua cho dựng lên một hòn núi đá Thái Hồ tại Biện Kinh quy mô vĩ đại nhất trong lịch sử, đó có thể là một ảnh hưởng không nhỏ đến phong khí chơi đá trong dân chúng.
Các văn nhân mặc khách đua nhau bắt chước, tiêu biểu cho đám người này là Mễ Phí, tự Nam Cung, và Tổ Thức, hiệu Đông Pha. Họ lấy đá làm đề tài ngân vịnh, thư họa, các danh cú, danh họa của họ cứ lưu truyền đến ngày nay. Nhất là câu chuyện “Bái thạch vi huynh” về Mễ Phí, lúc ông giữ chức Nhậm Nội tại Nhu Tu, được một cục kỳ thạch, ông bèn áo mũ chỉnh tề bái lạy cục đá, còn gọi cục đá là “Thạch trượng” (ông anh đá).
Mễ Phí có trứ tác một tác phẩm về nghệ thuật chơi đá là “Thạch tướng pháp”, đặt ra bốn yếu tố cho cục đá đẹp phải có là: Sấu (gầy cứng), Thuân (nếp nhăn), Thấu (lỗ hang trổ thủng), Lậu (lồi lõm, rò chảy như chất lỏng sôi). Kế đến Tô Đông Pha lại thêm vào một chữ Sửu (Xú là xấu) để điểm hóa cái phác tố phi phàm của cục đá - xấu mà hùng, xấu mà đẹp.