BannerHieude

Cổ vật

Đồ sứ ký kiểu thời chúa Trinh: Kỳ 5: Đồ sứ Nội Phủ Thị Nam và Nội Phủ Thị Bắc
06/10/2016 06:12| 1551 Lượt xem| 0 Lượt yêu thích
Nam cung và Bắc cung là cung điện được xây tại Thăng Long đời chúa Trịnh Sâm.

Tác giả: Philippe Truong – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn, Jochen May

1. Nam cung và đồ sứ Nội phủ thị nam

Nam cung là cung điện được xây tại Thăng Long đời chúa Trịnh Sâm. Trong Đại Việt sử ký tục biên có ghi năm Cảnh Hưng thứ 35 (1776), chúa Trịnh Sâm triệu tập quần thần tại Nam cung để “bàn việc Thuận Quảng”.1 Một vài tháng sau, ngày 10 tháng 9 (âm lịch) thì“Nam cung trong phủ chúa làm xong, có lầu Cần Chính, hiên Lạc Thiện”.2 Quan văn võ vào chầu và được chúa Trịnh Sâm ban yến tiệc.

Đây là thời kỳ chúa Trịnh Sâm cho xây dựng nhiều cung điện ở cả trong và ngoài phủ chúa. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ có ghi: “Khoảng năm Giáp Ngọ (1774), Ất Mùi (1775), trong nước vô sự, Trịnh Vương thích chơi đèn đuốc, thưởng ngự ở các ly cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Việc xây dựng đình đài cứ liên miên”.3

Để chuẩn bị cho dịp khánh thành Nam cung, năm Quý Tị (1773), chúa Trịnh Sâm sai sứ bộ sang Trung Hoa ký kiểu đồ sứ ghi hiệu đề Nội phủ thị nam, để đưa về bài trí và sử dụng trong Nam cung. Vì là sứ bộ chỉ có nhiệm vụ đi ký kiểu đồ sứ, không phải là sứ bộ đi nộp cống như thường lệ nên không được ghi chép vào sử. Chúng ta chỉ xác định được một thành viên tham gia sứ bộ này là Lê Quang Viên, được cử làm phó sứ4 nhờ vào những thông tin được ghi chép trong tập Hoa trình ngẫu bút lục5 viết trong chuyến đi này. Đây là tư liệu rất quan trọng trong việc nghiên cứu đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh vì những ghi chép trong tư liệu này cho thấy dưới triều chúa Trịnh Sâm, việc ký kiểu đồ sứ không chỉ được thực hiện trong các quan xưởng ở Bắc Kinh mà chúa Trịnh Sâm còn cử  người sang Trung Hoa ký kiểu đồ sứ tại các lò tư nhân (dân diêu) ở Cảnh Đức Trấn hay ở Quảng Châu. Vào thời kỳ này, Quảng Châu là một trong những trung tâm sản xuất đồ sứ quan trọng, chuyên sản xuất đồ sứ cho thị trường châu Âu hoặc Đông Nam Á.

Trong các dòng đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh, đồ sứ Nội phủ thị nam luôn luôn trang trí hình ảnh khóm hoa sen bên cạnh nhành cỏ lau rất duyên dáng, cùng các con vật như cua (biểu tượng cho quyền lực), đôi uyên ương (biểu tượng sự chung thủy) hay con dế (biểu tượng sự trong sạch, thuần khiết). Trong hội họa Trung Hoa, hoa sen thường biểu trưng cho Phật giáo. Tuy chúa Trịnh Sâm là một người theo Công giáo, nhưng ông lại chọn hoa sen để trang trí trên Nội phủ thị nam nhằm biểu trưng cho đức hạnh và sự hoàn hảo, vì hoa sen tuy vươn lên từ bùn lầy nhưng không hề bị vấy bẩn, ngụ ý Tĩnh Vương là người thanh cao như loài hoa này. Vả lại, hoa sen trong chữ Hán là liên, đồng âm với chữ liêntrong liên tiếp, hàm ý quyền lực của họ Trịnh sẽ được duy trì liên tục, không dứt.

 

Đĩa Nội phủ thị nam đời Trịnh Sâm

Trên lòng một cái đĩa hiệu đề Nội phủ thị nam vẽ hai con cua ở dưới khóm hoa sen và một nhành cỏ lau (ảnh 1). Hình ảnh hoa sen và nhành cỏ lau này cũng được trang trí ở phía ngoài thành đĩa. Con cua trong hội họa Trung Hoa cổ điển là hình ảnh biểu trưng của một người có quyền lực, sinh ra trong một gia đình có nhiều thế lợi, trong khi hoa sen ngụ ý cho đức hạnh và cỏ lau là biểu tượng của sự thuần khiết. Đồ án trang trí này nhằm tôn vinh chúa Trịnh Sâm, người được sinh ra trong một gia đình quyền thế.

Nét vẽ hoa sen trên chiếc đĩa này được thể hiện một cách tự nhiên, với những sắc màu đậm nhạt khác nhau. Nét vẽ này lấy cảm hứng từ một bức tranh trong quyển sách Thiết kế viên họa truyện6 của Trung Hoa, thường được dùng làm mẫu cho họa sĩ trang trí. Tuy nhiên, kiểu vẽ vòng theo bờ đĩa, khởi đầu từ nửa dưới của chiếc đĩa, rồi vươn lên trên là một đặc trưng của lối trang trí trên đồ sứ đời Trịnh Sâm. Trong khi đó, trên đồ sứ Trung Hoa và đồ sứ Nhật Bản cũng có lối vẽ từ dưới vươn lên bên trái hoặc bên phải của đồ án và thường có thêm những câu thơ mình họa cho đồ án trang trí theo lối “nhất thi, nhất họa”. Vì một lý do nào đó, trên những chiếc đĩa hiệu đề Nội phủ thị nam vẽ sen và cua, cây cỏ lau được vẽ với nhiều kiểu khác nhau, như trên các chiếc đĩa thuộc sưu tập của Vương Hồng Sển trước đây8 hoặc trên chiếc đĩa có trong sưu tập của Phạm Hy Tùng.9

Đồ án hoa sen và cua trên đồ sứ Nội phủ thị nam thời chúa Trịnh sau này cũng được chép lại trên những món đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (1802 – 1945), cũng ghi hiệu đề là Nội phủ thị nam (ảnh 2) hoặc Trân ngoạn. Các đồ sứ này rất dễ nhận diện vì nét vẽ không tinh xảo và không thể hiện được các sắc độ đậm nhạt khác nhau của màu lam trong họa tiết.

Đĩa Nội phủ thị nam thời Nguyễn

Đĩa Nội phủ thị nam thời Nguyễn

Hoa sen và cỏ lau cũng được trang trí trong lòng một chiếc đĩa Nội phủ thị nam khác thuộc sưu tập của Phạm Hy Tùng10, với 3 đóa hoa sen (ảnh 3) kèm hai câu thơ chữ Hán:Thanh hương trần bất nhiễm. Hoạt động ý vô cùng. Hai câu thơ này ca tụng sự đức hạnh và hoàn hảo của hoa sen. Hoa sen biểu tượng sự thanh thản, thanh khiết (Thanh hương trần bất nhiễm), nhưng nó cũng biểu tượng cho sự phục sinh và cho sự bất diệt vì hạt của nó từ trên không rơi xuống nước, nẩy mầm trong bùn, nở hoa rồi trở thành hạt (Hoạt động ý vô cùng). Mặt ngoài chiếc đĩa vẽ cặp uyên ương, một con bơi ở gốc của cây sen và con khác có cái mào dài đang bay. Đây là kiểu trang trí liên áp (sen và vịt) cổ điển, biểu tượng của sự thủy chung, vì loài chim này thường đi từng đôi với nhau. Đồ án trang trí với hoa sen, cỏ lau và uyên ương này tượng trưng cho tình yêu của chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ.

Đĩa Nội phủ thị nam vẽ sen và cỏ lau đời Trịnh Sâm

Đĩa Nội phủ thị nam vẽ sen và cỏ lau đời Trịnh Sâm

Trên một cái bát sứ Nội phủ thị nam khác thuộc sưu tập của Dương Hà11 vẽ một con dế trên hoa sen, biểu tượng cho sự thanh cao và thuần khiết (ảnh 4). Truyền thuyết Trung Quốc cho rằng con dế tự nuôi sống bản thân mình chỉ bằng những hạt sương mà thôi. Hơn nữa, dế còn là biểu tượng cho sự dũng mãnh và lòng can đảm. Cũng như các đồ án sen và cua, đồ án sen và dế cũng được thể hiện rất tinh xảo, với đường nét thanh mảnh, những màu sắc đậm nhạt thật tài tình và chủ đề trang trí được thể hiện rất tự nhiên.

Bát Nội phủ thị nam vẽ sen và dế đời Trịnh Sâm

Bát Nội phủ thị nam vẽ sen và dế đời Trịnh Sâm

2. Bắc cung và đồ sứ Nội phủ thị bắc

Bắc cung cũng là cung điện được xây tại Thăng Long đời chúa Trịnh Sâm. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ viết: “Khoảng năm Giáp Ngọ (1774), Ất Mùi (1775)… Mỗi tháng ba bốn lần, (Trịnh) Vương ra cung Thụy Liên bên bờ Tây Hồ, binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ, các nội thần thì đều bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán. Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hỗ tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán các thứ như ở cửa hàng trong chợ. Cũng có lúc cho bọn nhạc công ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc, hay dưới bóng cây bến đá nào đó, hòa vài khúc nhạc”.12

Những ngày hội này cũng được mô tả trong cuốn Tang thương ngẫu lục, trong đó có đề cập những sinh hoạt diễn ra ở Bắc cung: “Mỗi năm đến tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm hàng nghìn các đèn lồng, cái nào cũng tính xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày, chua ngự giá ra chơi Bắc cung. Cung có ao gọi là Long Trì, rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất chồng đá làm núi. Chỗ cao chỗ thấp, dàn dặt có hình có thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng dập dờn. Trông xa tựa hồ hàng vạn ngôi sao sáng. Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn, mặc áo đàn bà, bầy hàng ở địa phương bán những tạp hóa cùng các đồ hoa quả chả rượu, thức gì cũng có, chồng chất như núi. Cung nhân qua lại mua bán, vừa mua vừa cướp, không cần hỏi giá cả bao nhiêu; đua nhau đem những câu hát quê ra đối chơi với nhau, tiếng cười đùa vang cả trong ngoài. Nửa đêm, chúa ngự kiệu đến ao xuống thuyền. Quan hầu và các phi thiếp gõ ván hò reo, đi lại vi vút và lênh đênh trên sông. Chợt lúc lại đánh đàn, lại thổi sáo, lại ca hát, tiếng vang lanh lảnh, khiến người tưởng như lên chơi cung Quảng-hàm13mà nghe khúc nhạc Quân-thiên. Chúa nhìn ngắm lấy làm vui sướng, đến mãi gà gáy mới về”.14

Từ hai đoạn mô tả trong hai sử liệu trên, chúng ta có thể kết luận rằng Bắc cung nằm trên bờ hồ Tây, được xây vào khoảng các năm 1774 – 1775. Trong Bắc cung có cung Thụy Liên, có hồ Long Trì. Tại đây, chúa Trịnh Sâm chỉ đến vui chơi một đêm và không lưu lại.

Vì thế chúa Trịnh Sâm đã cho đặt những món đồ sứ ký kiểu, hiệu đề Nội phủ thị bắc và chỉ có một kiểu trang trí duy nhất, vẽ những con bướm, hoa mẫu đơn và hoa lan như trong chiếc đĩa15 thuộc sưu tập Phạm Hy Tùng. Trên chiếc đĩa này, phần bên phải trong lòng đĩa vẽ những cây hoa mẫu đơn và hoa lan ở giữa một lan can và tảng đá kiểu hòn non bộ. Phần bên trái vẽ hình 3 con bướm đang bay về phía những bông hoa (ảnh 5). Hoa mẫu đơn tượng trưng cho người phụ nữ đẹp, quý phái và tao nhã, trong khi hoa lan, loài hoa rất được Khổng Tử yêu thích, là hiện thân của người đàn ông hoàn hảo và cao quý, cũng như biểu tượng cho sinh lực của nam giới. Việc kết hợp các loài hoa này trong một đồ án trang trí là biểu tượng cho một lời chúc về sự tác hợp tốt đẹp và ước mong có nhiều con cái. Do sự đồng âm trong tiếng Hoa giữa chữ điệp (con bướm) với tuổi 70, nên con bướm còn tượng trưng cho tuổi thọ. Mặc khác, theo truyền thuyết, Trang Tử nằm mơ hóa thành bướm và rất sung sướng về điều đó, nên con bướm còn là một cách diễn tả lời chúc cho một niềm vui và trường thọ. Hình trang trí trên chiếc đĩa này được vẽ rất tỉ mỉ, với những họa tiết kép. Phía trái đồ án trang trí, trong khoảng trống ở bên trên có ghi câu thơ chữ Hán viết thành hai dòng: “Hương phong vi nhiều ngọc lan can”. Ở mặt ngoài chiếc đĩa cũng trang trí hình hai con bướm, hoa mẫu đơn, khóm lan và lan can, cùng hai câu thơ chữ Hán: “Lan anh dao hạm ảnh. Điệp xí nhiễu hoa tu”.

Đĩa Nội phủ thị bắc đời Trịnh Sâm

Đĩa Nội phủ thị bắc đời Trịnh Sâm

Như vậy, đồ án trang trí này mang ý nghĩa ca tụng chúa Trịnh Sâm là một người cao quý và hoàn hảo (thông qua hình ảnh hoa lan), cầu mong ông trường thọ (hình ảnh những con bướm) và cùng Tuyên phi họ Đặng, người thiếp yêu quý của ông (hình ảnh hoa mẫu đơn) có được nhiều con cháu (Điệp xí nhiễu hoa tu). Đó chính là những món đồ sứ Nội phủ thị bắc quý hiếm nhất trong dòng đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh.

(Trần Đức Anh Sơn biên tập, hiệu đính và bổ túc)

Chú thích

[1], 2 Đại Việt sử ký tục biên, Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 409, tr. 419.

3, 11 Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Nxb Văn nghệ TPHCM, 1998, tr. 21.

4 Nguyễn Thị Thảo, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Kim Oanh, Sứ thần Việt Nam, Nxb Văn nghệ VHTT, Hà Nội, 1996, tr. 205.

5 Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Di sản Hán Nôm Việt Nam. Thư mục đề yếu, Nxb KHXH, Hà Nội, số 1405.

6 Bức tranh vẽ màu Hoa, nụ và lá sen, cỏ lau, in trong tập Thiết kế viên họa truyện. Trung Hoa, Khang Hi. 26 x 32,5cm. William Rockhill Nelson Gallery Art, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Atkins, Kansas, USA.

7 Đĩa hiệu đề Nội phủ thị nam, nguyên thuộc sưu tập Vương Hồng Sển (TPHCM). Số ký hiệu 551-VHS.

8 Đĩa hiệu đề Nội phủ thị nam, thuộc sưu tập Phạm Hy Tùng (TPHCM).

9 Đĩa hiệu đề Nội phủ thị nam, thuộc sưu tập Phạm Hy Tùng (TPHCM). Một đĩa tương tự nguyên thuộc bộ sưu tập Vương Hồng Sển. Số ký hiệu 1154-VHS.

10 Bát hiệu đề Nội phủ thị nam, thuộc sưu tập Dương Hà (TPHCM).

12 Cung Quảng-hàm là cung trăng.

13 Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục, Hà Nội, 1943, tr. 19-20.

14 Đĩa hiệu đề Nội phủ thị bắc, thuộc sưu tập Phạm Hy Tùng (TPHCM). Một đĩa tương tự nguyên thuộc sưu tập Vương Hồng Sển. Số ký hiệu 346-VHS.

Tác giả: Philippe Truong – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn, Jochen May

 

Các phần tiếp theo:

người thích

Bài viết mới cập nhật

Cố vật ở nước ngoài

Cặp đĩa thời Tây Sơn

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €4.508

Cái tiềm trang trí Long hý thủy

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €4.894

Đôi bình bát tràng

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €2.061

Vò gốm Gò Mun.

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €322

Cốc gốm Gò Mun

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €283