Tác giả: Philippe Truong – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn, Jochen May
1. Chính Cung trong phủ chúa
Vương phủ của chúa Trịnh nằm ở phía nam thành Thăng Long, gần hồ Hoàn Kiếm và Đại hồ. Trong vương phủ của chúa Trịnh, Chính Cung gồm 3 quần thể kiến trúc được giới hạn trong 3 vòng thành riêng biệt. Mỗi quần thể cung điện đảm nhiệm một chức năng riêng, phục vụ các nhu cầu: cai trị quốc gia, thờ cúng tổ tiên và ăn ở, nghỉ ngơi của các chúa Trịnh.
Quần thể kiến trúc thứ nhất là Phủ liêu, nơi chúa cai trị quốc gia và hội họp các quan. Cửa Tuyên Vũ là cửa chính vào Chính Cung. Sau cửa Tuyên Vũ là một cái sân rộng, rồi đến điện Trung Hòa, là nơi chúa làm việc. Hai bên điện Trung Hòa có hai nhà Tả Xuyên và Hữu Xuyên là nơi các quan chờ yết kiến chúa Trịnh.1 Kế đó là nhà Nghị Sự, nơi các quan hội họp. Ngoài ra, trong vòng thành này còn có nhiều công trình kiến trúc khác như cung Quyển Bồng2, điếm Tiểu Bút, gác Kỳ Lân…
Quần thể kiến trúc thứ hai là nơi thờ cúng liệt tổ liệt tông của họ Trịnh, nằm ở phía tả Phủ liêu. Trong đó có Chính Cung miếu là nơi thờ các chúa, Đông miếu thờ hai vị Trịnh Vĩnh và Trịnh Bính, ông nội và cha của chúa Trịnh Cương, vì không làm chúa nên không được thờ trong Chính Cung miếu, và Trạch các.
Quần thể kiến trúc thứ ba là Tử Cung, nơi ở của chúa, nằm ngay sau Phủ liêu. Kính Thiên Môn là cửa chính dẫn vào khu vực này và dẫn đến Thâm Cung.3
2. Đồ sứ Nội phủ thị trung thời chúa Trịnh
Để phục vụ cho các nhu cầu hàng ngày ở trong Chính Cung, chúa Trịnh cho đặt làm tại Trung Hoa một loạt đồ sứ mang hiệu đề Nội phủ thị trung và Khánh xuân thị tả. Trong đó, đồ sứ Nội phủ thị trung có 3 kiểu thức trang trí. Kiểu trang trí thứ nhất thường thấy hội họa Trung Hoa và Việt Nam xưa, chuyên dành cho vua chúa, với các đồ án như: long triều thọ(rồng chầu chữ Thọ) (ảnh 1 và ảnh 2), lưỡng long triều nhật (hai rồng chầu mặt trời) (ảnh 3). Kiểu trang trí này được sử dụng vào các đời chúa: Trịnh Cương (1709 – 1729), Trịnh Giang (1729 – 1740) và Trịnh Sâm (1767 – 1782). Kiểu trang trí thứ hai chủ yếu được vẽ trên đồ sứ đời Trịnh Sâm. Do thời kỳ này trong phủ chúa đã có nhiều đồ sứ vẽ đề tài lưỡng long, nên Tĩnh Đô vương đã lựa chọn các đề tài phong cảnh tự nhiên hay những cảnh tượng thường thấy trong đời sống hàng ngày để vẽ lên đồ sứ, như các đồ án: chim dưới cành mộc lan, ba phụ nữ trong vườn. Kiểu thức trang trí thứ ba là những đồ án mây hóa rồng, mang đậm tính cách dân gian Việt Nam.
Ảnh 1: Đĩa Nội phủ thị trung đời chúa Trịnh Cương
Ảnh 2. Đĩa Nội phủ thị trung đời chúa Trịnh Giang
2.1. Đồ sứ Nội phủ thị trung đời chúa Trịnh Cương
Theo điển chế Trung Hoa, từ đời Hán Cao Tổ, con rồng đã được chọn là biểu tượng của nhà vua và phải được thể hiện đầy đủ các chi tiết như có một cặp sừng ở trên đầu và chân có 5 móng. Thái tử cũng được sử dụng hình ảnh con rồng để làm biểu trưng, nhưng con rồng của thái tử chỉ có 4 móng. Các thành viên khác trong hoàng tộc và quan lại không được phép sử dụng hình ảnh con rồng là biểu tượng cho mình. Thay vào đó, họ dùng hình ảnh con giao hay con mãng, là những hóa thân bậc thấp của rồng.
Ở Việt Nam, dưới thời hậu Lê, rồng được trang trí trên những món đồ sứ dành riêng cho vua Lê và và chúa Trịnh. Theo Phan Huy Chú, tuy chúa Trịnh Cương có sử dụng kiệu rồng, lọng hoa, quạt và đồ sứ vẽ rồng, nhưng đến năm 1721 chúa vẫn không chấp nhận mặc áo màu vàng khi triều hội. Chúa bảo: “Ta từ khi giữ nghiệp nhà chúa, giúp đỡ nhà vua, vẫn để bụng tôn kính, màu vàng là phục sắc của vua, phải để suy tôn vua, cho hợp với lễ ý”.4 Năm 1724, chúa cũng từ chối tổ chức lễ tế Nam Giao với danh nghĩa của mình. Thái độ của An Đô vương chứng tỏ đến thời điểm này, chúa Trịnh vẫn tuân thủ phép tắc và giữ sự tôn trọng đối với vua Lê.
Để trang trí trên đồ sứ Nội phủ thị trung, chúa Trịnh Cương cho vẽ đồ án long triều thọ(ảnh 1), vẽ con rồng 4 móng, từ dưới biển nổi lên trời, tạo ra những xoáy nước. Chữ Thọ viết theo lối chữ triện tròn, có một phần ẩn khuất trong đám mây.
Kiểu vẽ này phỏng theo hội họa cổ điển Trung Quốc, với các sắc điệu men lam đậm nhạt khác nhau và những đường viền nhẹ bao quanh một số họa tiết. Việc sử dụng màu lam như thứ màu nước để trang trí trên đồ sứ là một đặc trưng của đồ sứ Trung Hoa từ cuối thời Minh (1308 – 1644) cho đến đời Khang Hi (1662 – 1722) thời Thanh. Còn lối trang trí bằng đường viền là một đặc điểm là của đồ sứ đời Khang Hi. Nghệ nhân trang trí đồ sứ đã vẽ nên một bức tranh thủy mặc rất đẹp và khéo léo: sắc màu lam nổi bật trên nền sứ trắng phau một cách tinh tế và các họa tiết trang trí được thể hiện rất sống động.
Khác với truyền thống Trung Hoa, những nghệ nhân Việt khi thực hiện phác họa cho món đồ sứ ký kiểu đã không chọn đồ án long triều nhật thay bằng long triều thọ nhằm ám chỉ một truyền thuyết của Việt Nam có liên quan đến Đinh Tiên Hoàng. Chúa Trịnh Cương chọn lựa đồ án trang trí này để tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên của ông là Trịnh Kiểm, vốn là một nông dân nghèo, từng phải đi ăn trộm để nuôi mẹ mình. Nhưng nhờ vào sức mạnh và lòng can đảm, Trịnh Kiểm đã đưa họ Trịnh đến tột đỉnh của vinh quang. Ngoài ra, hình ảnh cây tre và cành dâu được thể hiện ở mặt sau chiếc đĩa tượng trưng cho lòng hiếu thảo.
2.2. Đồ sứ Nội phủ thị trung đời chúa Trịnh Giang
Trịnh Giang là vị chúa Trịnh đầu tiên có ý định truất phế ngôi vua của nhà Lê. Tác phẩmVũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ có ghi: “Đến khi Trịnh Thuận Vương nối ngôi, mới đặt ra 6 phiên: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, cướp mất cả quyền quan lục bộ, lấy chức trưởng thự tham bồi làm quan chính phủ đại thần. Từ đấy chốn triều đường vua Lê chỉ là hư vị. Các quan vào tâu chúa Trịnh thì đổi chữ ‘ngu’ xưng là ‘thần’. Chúa Trịnh ra thân chính ở phủ đường thì gọi là ‘thị triều’. (…) Còn lễ nhà chúa vào triều bái vua Lê thì bỏ hẳn không hỏi đến nữa. (…) Còn các việc khác do nhà chúa truyền ra thì xưng là ‘chỉ truyền’ hay là ‘chỉ dụ’, và thường xưng là ‘ngự’, là ‘thánh’, cũng không khác gì trong nội điện vua Lê”.5
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục,6 chúa phái sứ bộ do Nguyễn Trác Luân và Trần Văn Hán cầm đầu, giả bộ đi sang Trung Hoa cầu phong. Sau khi về thì tuyên bố rằng nhà Thanh đã phong cho Uy Đô vương Trịnh Giang tước An Nam thượng vương.
Trên đồ sứ Nội phủ thị trung đời chúa Trịnh Giang có một biến thể của kiểu thức trang trí trên đĩa với lối vẽ đơn giản hơn: con rồng 4 móng trải mình trên đám mây, hút nước biển, tạo ra cơn lốc xoáy và các làn sóng (ảnh 2). Giữa lòng đĩa có hình chữ Thọ hình tròn theo thể chữ triện. Đồ án trang trí này được thể hiện trong lòng đĩa nhưng đuôi rồng cùng một đám mây và hoa văn sóng nước được vẽ lan sang mặt ngoài của đĩa. Giữa 2 họa tiết này, có 1 hoặc 2 dấu triện vuông. Trong khi hình tượng con rồng trong đồ án này được thể hiện khá ngây ngô, thì toàn bộ hình vẽ lại được chăm chút tỉ mỉ như một bức tranh.
Cách vẽ hoa văn lan từ mặt ngoài vào trong lòng hiện vật được thực hiện ở Trung Quốc dưới triều Ung Chính (1728 – 1735) trên dòng đồ sứ Nianyao (Niên diêu). Trên đồ sứ Trung Hoa, kỹ thuật này thường được dùng để vẽ một cành hoa mẫu đơn, vì thế nên lối vẽ này được gọi là guozhihua (quá chi hoa). Tuy nhiên, các nghệ nhân gốm sứ Trung Hoa ít khi dùng kỹ thuật này khi thể hiện hình tượng con rồng, ngoại trừ một số lò gốm sứ ở nam Trung Hoa.
Khi kỹ thuật này du nhập vào Việt Nam, chúa Trịnh Giang là người tiên phong chấp nhận kiểu vẽ này và cho phép thể hiện hình ảnh con rồng 5 móng, vốn chỉ dành cho nhà vua, mà phải là một người tinh ý mới nhận ra. Một chiếc đĩa Nội phủ thị trung khác vẽ 2 con rồng vươn từ thành ngoài vào trong lòng đĩa cùng chầu hạt châu được vẽ ở chính giữa lòng đĩa. Bố cục đồ án rất đăng đối: đầu 2 con rồng cũng như các chòm râu dài và cong của chúng đối diện nhau qua đường kính của đĩa và có cùng khoảng cách với hạt châu. Bố cục họa tiết khá đơn giản, không có nhiều mây bao phủ như nhiều đồ án rồng mây khác.
Đồ án lưỡng long triều nhật xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1470 trên bia Thủy Lai (tỉnh Hà Sơn Bình cũ), trở nên thịnh hành vào thời Mạc và thời hậu Lê. Song cách thể hiện đồ án lưỡng long triều nhật trên đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh có những nét riêng biệt. Một trong những điểm biến thể của đồ án này là cách thể hiện đuôi rồng hình đĩa nhọn hoắc với 1 chòm lông. Ở Trung Quốc, kiểu đuôi rồng này rất hiếm gặp, chỉ thấy trên những hình vẽ thủy long (rồng nước), còn gọi là con ly. Con rồng nước ít khi được thể hiện trên các đồ sứ ngự dụng của hoàng đế Trung Hoa. Song ở Việt Nam, thủy long là biểu tượng của sức mạnh. Chúa Trịnh Giang chọn đồ án này để gợi mối liên hệ với các vị vua đầu tiên của Việt Nam. Tương truyền, các vị vua đời Hồng Bàng vốn sinh sống trong cung điện dưới biển.
Kiểu thức trang trí này về sau được tái hiện trên đồ sứ ký kiểu (ĐSKK) thời Nguyễn nhưng không sử dụng kỹ thuật guozheng trong bố cục như ĐSKK thời Lê – Trịnh.
2.3. Đồ sứ Nội phủ thị trung đời chúa Trịnh Sâm
Trịnh Sâm cũng là vị chúa Trịnh muốn phế bỏ vua Lê để đoạt lấy ngôi vị. Theo Phan Huy Chú, vào năm Cảnh Hưng thứ 38 (1777), “hàng năm lễ trừ tịch yết điện Kính thiên và lễ kính cáo ngày thường thì áo dùng thứ sa đoạn Trung-quốc, màu nguyên thanh, thêu kiểu rồng mây đại hội (…) Đến cuối đời Cảnh Hưng, Tĩnh vương lại lấn át hơn trước, khi ấy những người đứng đầu triều lại a dua theo ý chúa, khiến phẩm phục nghi vệ tôn sùng như thiên tử thực”.7 Năm Đinh Dậu (1777), chúa Trịnh Sâm sai chánh sứ Vũ Trần Triệu sang Trung Hoa dâng biểu cầu phong cho họ Trịnh thay nhà Lê giữ ngôi vương ở Đại Việt. Đến Động Đình, chánh sứ họp bàn với sứ bộ, đốt bức thư, uống thuốc độc và từ trần.
Ảnh 3. Tô Nội phủ thị trung đời Trịnh Sâm vẽ lưỡng long triều nhật
Tĩnh Đô vương, theo phong tục, cũng đặt đồ sứ Nội phủ thị trung trang trí đồ án lưỡng long triều nhật. Hình ảnh con rồng 5 móng trên đồ sứ Nội phủ thị trung được thể hiện toàn vẹn ở trong và ngoài dĩa, chỉ có một chi tiết để phân biệt rằng đó không phải là con rồng của vua, đó là con rồng này chỉ được vẽ 1 sừng, thay vì 2 sừng như con rồng của nhà vua. Ngoài ra còn có 2 đặc điểm đáng chú ý khác của con rồng thời Trịnh. Đó là tính cách hiền lành và bố cục đối xứng của 2 con rồng với 2 chòm râu ôm lấy biểu tượng mặt trời ở giữa (ảnh 4). Lối vẽ khác thường này còn được thể hiện ở sự đối lập ở 2 đuôi rồng: một đuôi thì nhọn hoắc, trông rất hung hăng, đuôi kia thì uyển chuyển, mềm mại. Kiểu vẽ đuôi rồng đối lập trong cùng một đồ án trang trí như thế này là sáng tạo của nghệ nhân Việt Nam đời Cảnh Hưng và được thể hiện trên đồ gốm Bát Tràng như trên một số cặp chóe.8 Lần đầu tiên trên ĐSKK thời chúa Trịnh, họa sĩ sao chép cách vẽ 5 móng rồng xòe ra thành hình tròn theo kiểu Trung Hoa. Đồ án này, về sau còn được chép lại trên ĐSKK thời Nguyễn với một vài chi tiết thay đổi.
Ảnh 4. Đĩa Nội phủ thị trung đời Trịnh Sâm vẽ lưỡng long triều nhật
Một cái ống9 nguyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển, bụng thon, miệng loe, phỏng theo kiểu dáng Trung Hoa thịnh hành từ đời Thiên Khải (1622 – 1644) đến đầu đời Khang Hi. Ống này dùng trong nhà quan lại, đặt trên bàn, để đựng các đồ vật có tính biểu tượng như cây ngọc như ý, lông công, bút lông, cuốn thư, cuốn tranh, phất trần, quạt xếp… Giới nho sĩ thì dùng để cắm tranh vì thế nên tùy theo kích thước mà gọi là ống cắm bút hay ống cắm tranh.
Trong dòng ĐSKK thời chúa Trịnh, kiểu ống này thường được trang trí các đồ án long lân triều thọ (hiệu đề Nội phủ thị trung) hay long phụng triều nhật (hiệu đề Nội phủ thị hữu) và song phụng tề phi (hiệu đề Nội phủ thị đoài). Do sự hiện diện của hiệu đề Nội phủ thị đoài nên chúng ta có thể khẳng định là các ống cắm bút (hay ống cắm tranh này) được đặt làm vào đời Trịnh Sâm. Nhưng một điều khiến ta nên phải nghi ngờ là trên chiếc ống Nội phủ thị hữu của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, vẽ con rồng với 1 sừng duy nhất xuất hiện phía sau trán (ảnh 5). Kiểu rồng như vậy chưa bao giờ xuất hiện trong mỹ thuật Việt Nam hay Trung Quốc. Trong dòng ĐSKK thời chúa Trịnh thì ngoại trừ chiếc ống Nội phủ thị hữunói trên, kiểu rồng 1 sừng này còn xuất hiện trên cái đĩa và cái bát đều có hiệu đề Nội phủ thị trung, nhưng căn cứ vào bút pháp của hiệu đề, thì 2 món Nội phủ thị trung này đều được làm vào thời Nguyễn. Một điều đáng lưu ý là đồ án trang trí trên ống bút này là đồ ánlong lân triều thọ, trong khi loại đồ án này không bao giờ được sử dụng trên đồ sứ Nội phủ thị… mà chỉ dành riêng cho đồ sứ Khánh xuân thị tả, và đó là những món đồ phục vụ cho nhu cầu tế tự, chứ không phải là đồ dùng sinh hoạt. Vì thế, tôi nghi ngờ món đồ này không phải là ĐSKK chính hiệu thời Lê – Trịnh.
Ảnh 5. Ống Nội phủ thị hữu vẽ long phụng
Theo thị hiếu thịnh hành từ đời Khang Hi đến đời Càn Long, chúa Trịnh Sâm đã cho trang trí trên đồ sứ Nội phủ thị trung những đồ án phong cảnh, động vật và nhân vật. Các đồ án trang trí này phỏng theo các tranh khắc in trong những quyển sách hội họa cổ điển hoặc tranh ảnh minh họa trong tiểu thuyết Trung Hoa lúc bấy giờ.
Trên chiếc đĩa10 có trong bộ sưu tập của Phạm Hy Tùng vẽ con chim đứng dưới cành mộc lan (ảnh 6). Tính đặc sắc của đồ án trang trí này thể hiện ở bố cục phi đối xứng của nó. Đây là dấu hiệu cho thấy lối vẽ chịu ảnh hưởng từ trang trí trên đồ ko-sometsuke11 do Trung Quốc sản xuất theo yêu cầu của người Nhật dưới triều Thiên Khải (1621 – 1627). Tư thế con chim trên dĩa Nội phủ thị trung này sao từ bức tranh khắc minh họa bài thơ vịnh hoa mào gà, in lần đầu tiên vào năm 1621 trong quyển Cao bei hua xi bu (Thảo bắc hoa tây bộ). Bức tranh này được dùng làm mẫu cho các loại đĩa vẽ men ngũ sắc chế tác vào các đời vua Thiên Khải và Sùng Trinh (1627 – 1644) để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (ảnh 7).12
Ảnh 6. Đĩa Nội phủ thị trung đời Trịnh Sâm vẽ con chim đứng dưới cành mộc lan
Ảnh 7. Đĩa sứ ngũ sắc do Trung Quốc làm cho thị trường Nhật Bản, đời Thiên Khải
Trên ĐSKK của chúa Trịnh Sâm, con gà được thay bằng con chim và hoa mào gà được thay bằng hoa mộc lan. Theo Phạm Hy Tùng, con chim này la con chim chuy, còn được gọi làphu phủ hoặc bột cưu. “Bởi trong Kinh Thi đức Khổng Tử có viết: ‘Phiên phiên giả chuy. Tái phi tái hạ. Tập vu bao hử. Vương sự mỹ cồ. Bất hoàng tương phụ’ và Chu Hy chú giải là ‘…việc của vua không thể không lo cẩn thận cho nên không còn rảnh rang phụng dưỡng cha già’”.13 Nghệ nhân chọn vẽ chim bột cưu và nhánh hoa mộc lan14 để biểu tượng của một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng mới sẽ đến vì hoa mộc lan nở vào đầu mùa xuân, còn chim cưu thì được coi là con chim báo niềm vui theo quan niệm Trung Hoa (cưu báo hỉ). Tuy nhiên, tôi có một thắc mắc là chim cưu thường xuất hiện trong những thành ngữ không mấy tốt lành đẹp như: cưu cư thước sào (chim cưu ở nhờ tổ chim thước) hay Duy thước hữu sào, duy cưu cư chi (chim thước có tổ, chim cưu đến ở nhờ – Kinh Thi). Ý này có thể hiểu là chúa Trịnh Sâm (ngụ ý là chim cưu) muốn đoạt ngôi báu của nhà Lê (đoạt tổ chim thước). Như vậy tại sao Tĩnh Đô vương chấp nhận đồ án này trên những món đồ sứ Nội phủ thị trung do ông ký kiểu?
Có lẽ vì vậy nên Phạm Hy Tùng định niên đại của đĩa này vào khoảng đời Trịnh Tùng (1548 – 1623) và cho rằng đĩa này đặt làm tại Cảnh Đức Trấn. Nếu đúng như thế thì đĩa này chỉ có thể chế tác dưới triều Vạn Lịch (1580 – 1620) vì các vua nhà Minh kế nghiệp Vạn Lịch không tiếp tục duy trì ngự diêu ở Cảnh Đức Trấn để chế tác gốm sứ cho triều đình. Điều này khó xảy ra vì các vua nhà Minh không đời nào chấp nhận việc ngự diêu Cảnh Đức Trấn chế tạo đồ sứ cho vua Lê – chúa Trịnh của An Nam vì họ không công nhận làm vua nước Nam là An Nam quốc vương mà chỉ sắc phong là An Nam đô thống ty đô thống sứ, ngang hàng với chức quan nhị phẩm của Trung Hoa. Mặc khác, trong giai đoạn thứ nhứt, các chúa từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Tráng, đều phải lo đánh họ Mạc ở phía bắc, chống họ Nguyễn ở phía nam, nên mọi nguồn lực đều lo cho việc chiến tranh, còn các việc khác thì ít được quan tâm, cung điện cũng không mấy khi được sửa sang, huống chi việc cử người sang Trung Hoa đặt làm đồ sứ. Hơn nữa, đồ án trang trí hoa mộc lan là một trong đặc trưng tiêu biểu của gốm sứ đời Khang Hi sau này.
Một trang trí khác, ảnh hưởng rõ nét từ đồ sứ đời Khang Hi – Càn Long, là đồ án vẽ cảnh một khu vườn với 3 cung nữ (ảnh 8) trên chiếc đĩa hiệu đề Nội phủ thị trung đời chúa Trịnh Sâm. Dưới triều Trịnh Sâm, các khu vườn trong vương phủ được mô tả như là thiên đường. Trong tác phẩm Thượng kinh ký sự, Lê Hữu Trác đã viết về các khu vườn này với một sự cảm phục: “Tôi nhờ một người lính dẫn lối cho tôi sang bên cửa hữu phủ đường, đi loanh quanh chừng độ một quãng, chỗ nào cũng thấy lâu đài, cung cấm, rèm châu, cột ngọc lộng lẫy nguy nga. Hai bên đường cây cỏ tốt tươi, trăm hoa đua nở, gió xuân hây hẩy, sực nức mùi hương. Nào là chim muông bay nhảy, tiếng hót véo von, lại có núi non bộ cao chót vót, cây cổ thụ um tùm, cầu bắc qua hồ, nước trong leo lẻo, tường xây quanh đất, đá sắc đỏ xanh. Tôi vừa đi vừa xem, cảnh trí tuyệt vời, có lẽ chẳng kém gì Bồng Lai tiên cảnh vậy”.15 Để tưởng nhớ các khu vườn trong vương phủ, chúa Trịnh Sâm cho vẽ phong cảnh các vườn này lên những chiếc đĩa hiệu đề Nội phủ thị trung, Nội phủ thị đông và Nội phủ thị đoài.
Ảnh 8. Đĩa Nội phủ thị trung vẽ ba phụ nữ trong vườn, đời chúa Trịnh Sâm
Trong sưu tập của Loan de Fontbrune có một chiếc đĩa Nội phủ thị trung được trang trí rất tỉ mỉ và tinh tế (ảnh 9).16 Một phụ nữ ngồi phía sau một bàn, 2 cung nữ phục vụ, trong một khu vườn được tô điểm bởi lan can, giả sơn và một cây liễu. Cây liễu, với tính cách mềm dẻo và có nét đẹp quyến rũ, là biểu tượng cho người phụ nữ trẻ, quyền quý quý, hiền hậu và khiêm tốn. Người Trung Hoa gọi cây này là fengliu (phong liễu: cây tình yêu). Liễu luôn luôn hiện diện trong các đồ án phong cảnh trên ĐSKK đời Trịnh Sâm, được ví như hình ảnh của Tuyên phi họ Đặng, ái phi của Tĩnh Đô vương. Trong đồ án này, trên chiếc bàn có cây ngọc như ý và một cành đào. Đây là 2 biểu tượng hàm ý thượng thọ như ý, vì quả đào là thức ăn của các vị tiên (thượng thọ), còn cây ngọc như ý là lối chơi chữ từ hiện tượng đồng âm. Câu chúc này còn được nhấn mạnh bởi sự hiện diện của hòn giả sơn, biểu tượng của tính vững chắc, lâu bền và yên ổn. Những phiến đá ở bên phải đồ án này được vẽ như vươn lên đến tận trời, không theo các qui luật phối cảnh phổ biến trên hội họa thời “mạt Minh – sơ Thanh”, cũng như lối vẽ thường thấy trên đồ sứ Nhật Bản vào thế kỷ XVII – XVIII. Về kỹ thuật, hình vẽ này đã được thực hiện với sự cẩn trọng và với đường viền đôi. Thái độ của 2 cung nữ đầy sự khiêm tốn, có vẻ như là một thái độ tôn kính bắt buộc (đối với nữ chủ nhân ở giữa bức tranh). Vẻ thanh nhã của dây thắt lưng dài và lượn sóng, lặp lại sự mềm dẻo của cành liễu, đã khiến cho đồ án này có một vẻ đẹp tinh tế và tràn đầy nữ tính.
Ảnh 9. Đĩa Nội phủ thị trung vẽ phong cảnh – nhân vật, đời chúa Trịnh Sâm
Những đồ sứ Nội phủ thị trung trang trí các đồ án “hóa long” lại gợi lên nhiều điều thú vị. Cốt sứ trắng tinh và dày dặn, màu men lam ngả sang màu xanh lục… là những điều khác biệt so với những món đồ Nội phủ thị trung khác. Sự hiện diện của chiếc bát vẽ mây hóa rồng trong sưu tập của Cổ Trung Ngươn chứng tỏ đây không phải là những ĐSKK làm giả sau này. Đó có thể là đồ Nội phủ thị trung được sao chép từ thời Nguyễn. Tuy nhiên, giám định từ bút pháp của hiệu đề thì có thể xác định đó là ĐSKK thời chúa Trịnh. Phẩm chất và sự thể hiện hoa văn, màu men trên các ĐSKK thời chúa Trịnh thường thay đổi tùy theo hiện vật. Do đó có thể có nhiều món ĐSKK thời chúa Trịnh không được chế tác tại Cảnh Đức Trấn, mà do những lò tư nhân ở miền nam Trung Hoa chế tác. Ngoài 2 sứ bộ sang Thanh năm Tân Mão (1771) và năm Quí Tị (1773), thì đời Trịnh Sâm không có sứ bộ nào được phái sang Bắc Kinh từ sau năm 1773. Có lẽ sau này chúa Trịnh đã cho ký kiểu đồ sứ tại các lò ở miền nam Trung Hoa như lò Quảng Đông, bấy giờ chuyên sản xuất đồ sứ thượng hạng để xuất khẩu.
Dưới triều Cảnh Hưng (1740 – 1786), các nghệ nhân đã sáng tạo nên những đồ án trang trí trên gốm sức rất độc đáo. Đó là các kiểu trang trí “biến hóa”. Trong sự “biến hóa” ấy, nghệ nhân thường dùng những thực vật (trúc, tùng, mai, cúc, lan, dây lá…) hoặc mây biến hóa thành những con rồng hay con giao. Lối vẽ này rất được ưa chuộng và được thể hiện trên các kiến trúc, trên các đồ gỗ, đồ đồng và đồ gốm.
Trong sưu tập của Phạm Hy Tùng có chiếc đĩa vẽ con chim phụng bay trên một đám mây hóa rồng.17 Hình vẽ rất cân đối mặc dù bố cục đồ án lại theo quy tắc bất đối xứng. Màu men lam hơi ngã sang lục đã làm nổi bật họa tiết trên nền sứ trắng. Ngoài ra, các họa sĩ trang trí đồ Nội phủ thị trung còn lấy mẫu dựa theo chiếc bình18 vẽ rồng và các cụm mây hóa rồng bằng gốm Bát Tràng, được chế tác vào thế kỷ XVII. Trên một chiếc đĩa Nội phủ thị trungkhác còn có hình con chim phụng. Theo truyền thuyết, thì chim phụng chỉ xuất hiện lúc thanh bình, để báo việc hạ sinh của một người tài đức hay sự khởi đầu một triều đại thịnh trị. Đôi cánh dang rộng và những chiếc lông của nó đã tạo thành một cái lọng che chở cho đám mây đang biến hình thành một con rồng. Ở phía sau đồ án chính còn có 3 hình mây hóa rồng khác. Đồ án này phản ánh mong ước muốn tiếm quyền vua Lê của Trịnh Sâm.
Đồ án “vân hóa long” xuất hiện trên chiếc bát hiệu đề Nội phủ thị trung19 thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM, và trên chiếc bát nguyên thuộc bộ sưu tập của Cổ Trung Ngươn.20 Trong đồ án này, ở mặt ngoài của bát có nhiều cụm mây, đôi khi nối liền với nhau, vì thế nên thường bị gọi lầm là “tản vân”. Ở trong lòng bát, giữa các cụm mây là hình ảnh đầu rồng giản lược. Sự hiện diện của đầu rồng này đã giải thích cho phần trang trí ở ngoài thành bát rằng đó không phải là “tản vân” mà là những hình ảnh đầu tiên của sự biến hóa từ mây sang rồng, khi thân rồng vừa mới được thành hình còn đầu rồng thì chưa thực sự hoàn thiện.
Chủ đề này rất phổ biến vào thế kỷ XIX, thường thấy trên mặt tiền các công trình kiến trúc, trên đồ gỗ, trên đồ gốm Bát Tràng lẫn ĐSKK thời Nguyễn. Chủ đề long vân khánh hội biểu tượng cho điềm tốt và sự giàu có, do chủ đề này hàm ý báo tin mưa đến, vốn là điều thuận lợi cho việc trồng trọt.
Sau cùng là chiếc bát hiệu đề Nội phủ thị trung (ảnh 10), trang trí các đồ án “tản vân” đơn thuần kiểu Khang Hi. Trần Đức Anh Sơn so sánh đồ án này với đồ án trang trí trên một nậm rượu niên đại Khang Hi (ảnh 11) và đề nghị xếp niên đại chiếc bát này vào đời Trịnh Căn, khoảng năm 1683. Kiểu hoa văn “tản vân” này có mặt tại Trung Hoa từ thời cổ đại. Hoa văn này cũng hiện ra trên đồ gốm Việt từ thời Lý – Trần và được vẽ bằng men lam trên đồ gốm nhà Lê như trên một kendi21 thế kỷ XV. Còn đồ án mây hóa rồng chỉ có tại Việt Nam từ thế kỷ XVII trở đi và trở thành một đồ án trang trí phổ biến trong dân gian kể từ triều Cảnh Hưng về sau.
Ảnh 10. Tô Nội phủ thị trung vẽ tản vân
Ảnh 11. Nậm rượu đời Khang Hi vẽ tản vân
Trên đây là những kiểu trang trí trên đồ sứ Nội phủ thị trung và những đặc trưng của nó theo từng đời chúa Trịnh, chủ nhân của những món đồ sứ ký kiểu này. Xin được giới thiệu cùng độc giả và mong nhận được những lời chỉ giáo, bổ khuyết từ quí vị. Chân thành cám ơn.
Bài: Philippe Truong – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn, Jochen May
(Trần Đức Anh Sơn biên tập, hiệu đính và bổ túc)
Chú thích
1 Nhà Tả Xuyên còn dùng làm nơi giam giữ Trịnh Khải trong suốt thời kỳ cầm quyền ngắn ngủi của Trịnh Cán.
2 Điện này dùng làm nơi làm việc và nơi ở vào ban ngày cho các chúa. Chúng ta có được mô tả của điện này là nhờ thông tin trong cuốn THƯỢNG KINH KÝ SỰ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hà Nội: 1945.
3 Sách HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ của Ngô gia văn phái ghi: “Từ vài năm nay, bệnh cũ của chúa (Trịnh Sâm) thường trở lại, hàng tháng hoặc hàng hai tuần lễ. Mỗi lần như vậy bệnh càng nặng hơn và ất dần dần. Chúa sợ gió và ánh mặt trời, chúa không ra khỏi thâm cung nữa, nơi này chỉ được chiếu sáng bằng ánh sáng nhân tạo. Ngoài các cuộc lễ lớn, chúa không bao giờ rời khỏi cung điện để gặp các quan. Nơi đặt ngai có kính bảo vệ giống như võng của ông để bảo vệ ông chống lại các luồng gió”.
4, 7 Phan Huy Chú, 1992, LỊCH TRIỀU HIẾN CHƯƠNG LOẠI CHÍ, Tập 2, Hà Nội: Khoa học Xã hội, tr. 7, 8.
5 Phạm Đình Hổ, 1998, VŨ TRUNG TÙY BÚT, TPHCM: Văn nghệ TPHCM, tr. 204.
6 Quốc sử quán triều Nguyễn, KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC –CHÍNH BIÊN, Quyển 8, Hà Nội: Khoa học Xã hội, tr. 13-14.
8 Cặp chóe lục giác, gốm Bát Tràng men rạn đời Cảnh Hưng (1740 – 1786) (cao 58,5 cm). Hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
9 Ống, hiệu đề Nội phủ thị trung, cao 15 cm, đường kính miệng: 21 cm. Nguyên trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển (TPHCM).
10 Đĩa, hiệu đề Nội phủ thị trung, thuộc sưu tập của Phạm Hy Tùng (TPHCM).
11 Các đồ sứ do các lò của Cảnh Đức Trấn sản xuất dưới triều Thiên Khải (1621 – 1627) để xuất khẩu sang Nhật Bản. Các trang trí của chúng đều đơn giản và tự phát. Bố cục của các trang trí này được trình bày không đăng đối một cách cố ý và họa tiết được vẽ rất phóng khoáng, rất khác với phong cách vẽ và bố cục của các đồ án trang trí trên gốm sứ Trung Hoa truyền thống.
12 Bảo tàng Victoria và Albert Museum (London, Anh) có chiếc đĩa (đường kính: 21,2 cm), đời Thiên Khải, vẽ con gà mái với 3 con gà con, đứng dưới cây hoa mào gà. Thợ sứ vẽ thêm con chuồn chuồn và con bướm để thỏa mãn nhu cầu thị trường Nhật Bản.
13 Phạm Hy Tùng, “Lần theo ‘lối xưa, xe ngựa…’ tìm vào cung vua, phủ chúa, trong Thăng Long thành thời Lê – Trịnh”. In trong: Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, 2001, NGHĨ VỀ THĂNG LONG – HÀ NỘI, TPHCM: Trẻ, tr. 140.
14 Cây mộc lan tượng trưng cho sự tái sinh (vì hoa này nở cuối mùa đông và báo hiệu mùa xuân), theo nghĩa rộng, thì biểu tượng cho một thời kỳ mới.
15 Lê Hữu Trác, 1945, THƯỢNG KINH KÝ SỰ, tr. 75.
16 Đĩa Nội phủ thị trung. Sưu tập Loan de Fontbrune (Paris, Pháp).
17 Đĩa Nội phủ thị trung. Sưu tập Phạm Hy Tùng (TPHCM).
18 Bình vẽ rồng và mây hóa rồng, gốm Bát Tràng thế kỷ XVII. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
19 Bát Nội phủ thị trung. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM.
20 Bát hiệu đề Nội phủ thị trung. Sưu tập Cổ Trung Ngươn (Paris, Pháp) trước đây.
21 Kendi, gốm Việt Nam thế kỷ XV. Sưu tập tư nhân.
Tác giả: Philippe Truong – Ảnh: Trần Đức Anh Sơn, Jochen May
Các phần tiếp theo: