
Theo quốc sử quán nhà Nguyễn, Chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1709 đã cho đúc quốc bảo bằng vàng mang tên Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo “大 越 國 阮 主 永 鎮 之 寶,(H1)1 kim ấn này từ đó về sau được liệt vào hàng quốc bảo truyền ngôi.
Tuy nhiên, vì quốc bảo được khắc bằng chữ ấn triện mỹ thuật rất khó đọc nên có một số chữ Hán theo tác giả là không chính xác về mặt chữ và ý nghĩa cũng như chưa đi sâu về ngữ âm, Hán Nôm dẫn đến nhận định sai về tên nước thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Bài viết này là một cố gắng thử đọc lại những chữ Hán Nôm rất đặc dị này để làm sáng tỏ vấn đề.
Các tác giả quốc sử quán nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục đã lần đầu tiên khẳng định quốc bảo mang tên 大 越 國 阮 主 永 鎮 之 寶 Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo, trong 9 chữ ấn triện của kim ấn thì chỉ có 2 chữ là khó đọc đó là chữ thứ nhất và chữ thứ năm. Trước hết xin bàn về chữ thứ năm , chữ triện này nếu nhận tự dạng là chữ 主 có âm Hán Việt là chủ thì về mặt ngữ nghĩa, âm đọc hiểu là “chúa” theo cách gọi phổ biến thời chúa Nguyễn là phù hợp nhưng vấn đề rắc rối ở chỗ, chữ trong kim ấn này có cấu tạo kép gồm 2 phần trong đó đúng là có mặt chữ 主 chủ. Tra cứu cách sách thư pháp triện thư để xem chữ 主 thật có tự dạng nào như vậy thì kết quả là không. Vậy thì đó là chữ gì? Chúng tôi đã tìm hiểu lại và nhận dạng là chữ 鉒, theo Khang Hy tự điển 2 có âm đọc tựa như chú 註, chữ này có cấu tạo kép gồm bên trái là chữ kim 金 và bên phải là chữ chủ 主.Chữ 金 ( ) phù hợp với thư pháp Hán như các thể 3 (phần đầu của chữ trong kim ấn có phần hơi cách điệu cho mỹ thuật). Nguyễn Phúc Chu đã không dùng chữ chủ 主 như thông lệ chắc chắn là có dụng ý đặc biệt. Theo ý chúng tôi, chữ chú 鉒 là một chữ Nôm gốc Hán (giả tá) dùng để ký âm, xác định phải đọc là CHÚA và đáng chú ý hơn, Nguyễn Phúc Chu đã cố tình dùng một chữ Hán có bộ kim 金 như muốn gợi nhớ đến âm đọc “kim” cũng chính là tên của danh tướng Nguyễn Kim, tổ tiên của chúa Nguyễn, người đã đặt nền móng thiết lập nhà Lê Trung Hưng. Đây chính là một trong những nét độc đáo của chiếc kim ấn do Nguyễn Phúc Chu tạo ra.
Về chữ thứ nhất của kim ấn , từ sử gia nhà Nguyễn cho đến các nhà sau đều nhận dạng là chữ ĐẠI 大, trong quốc hiệu Đại Việt 大 越 vẫn dùng đời Lê. Tuy vậy, xét về thư pháp ấn triện chữ 大 không có tự dạng nào như vậy. Như trên đã khảo chứng về nét độc đáo của chữ CHÚA viết là 鉒 của Nguyễn Phúc Chu, qua đó có thể nhận thức lại tự dạng đặc dị của vị chúa tài trí thâm viễn này. Sử gia nhà Nguyễn có thể đã nhận dạng chữ triện thứ nhất này là chữ 太, vì chữ thái 太 trong thư tịch Hán dùng thông với đại 大 ,và chữ 太 đúng là có dạng triện thư như vậy (có 2 nét 二 bên dưới chữ 大). Vậy có thể đọc là ĐẠI, tuy nhiên, dù sử sách đã từng ghi nhận về sự dùng đại 大 thay thái 太 chẳng hạn như niên hiệu nhà Đinh là Thái Bình 太平 được viết là Đại Bình 大平 trong tiền đồng đúc thời Đinh hay ở niên hiệu Thái Hòa 太和 đời Lê được viết là Đại Hòa 大和 nhưng thật ra trong Hán văn chỉ có chữ 太 mới được dùng chữ 大 để thay chứ ngược lại không thấy chữ 大 được dùng chữ 太 thay cho, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam thời xưa đều theo nguyên tắc như thế. Tra cứu trong các sách thư pháp cũng đều xác nhận như vậy. Rõ ràng ở kim ấn Nguyễn Phúc Chu, thật khó mà xác nhận có hiện tượng trái phép để cho rằng chúa Nguyễn đã dùng 太 thay cho 大,hơn nữa thư tịch cổ Việt Nam chưa từng thấy ở đâu đã khắc hay viết quốc hiệu Đại Việt là 太越 (chữ thái 太) mà tất cả đều là 大 越 (chữ đại 大). Do đó chúng tôi cần phải đi tìm một hướng khác để lý giải.
Từ chữ triện đặc dị này, chúng tôi đã nhận dạng lại, dựa vào thư pháp và sử liệu để đọc ra chữ nam 南. Chữ 南 theo thư pháp Hán đúng là có tự dạng như kim ấn (có 2 nét 二 bên dưới chữ 大), nhất là ở giáp cốt văn thì tự dạng này xuất hiện rất nhiều 4 và chúng tôi xác định sẽ là NAM Việt 南越 chứ không phải là Đại Việt 大 越.Về sử liệu, sau khi diệt Tây Sơn, thống nhất đất nước và lên ngôi, Gia Long đã sai Lê Quang Định sang nhà Thanh xin cầu phong và đổi quốc hiệu là Nam Việt, theo Đại Nam thực lục 5 đã chép về quốc thư của Gia Long như sau: “…Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã quét sạch miền Nam, vỗ yên được toàn cõi Việt, nên khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt”. Như vậy, Nguyễn Ánh đã khẳng định về quốc hiệu Nam Việt là có thật và nếu tính từ Chúa Tiên, Nguyễn Hoàng bắt đầu mở cõi phương Nam và thiết lập nền tảng độc lập “vạch đôi sơn hà” vào khoảng 1600 cho đến Gia Long 1802 thì đúng là có từ hơn 200 năm. Quốc hiệu Nam Việt của chúa Nguyễn cũng đã được thư tịch nhà Thanh xác nhận, chỉ dụ của hoàng đế nhà Thanh đã viết: “Xưng rằng nước y trước kia có đất Việt Thường, nay lấy thêm đất An Nam; không dám quên gốc đã giữ đời nối đời, bèn dùng tên cũ Nam Việt, đấy là tình thực”6 .
Quốc hiệu Nam Việt mà Gia Long đã khẳng định đã là một bằng chứng chắc chắn để đọc kim ấn của Nguyễn Phúc Chu là NAM Việt chứ không phải là ĐẠI Việt. Nguyễn Phúc Chu thời tại vị vẫn thường tự xưng là vua của nước Đại Việt (Đại Việt quốc vương) hay chúa của nước Đại Việt (Đại Việt quốc chủ) nhưng đây chỉ là hình thức mà thôi vì cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyễn đều tôn thờ vua Lê của nước Đại Việt và vẫn lấy niên hiệu vua Lê để dùng trong công văn. Quốc hiệu Nam Việt của chúa Nguyễn có lẽ mang tinh nội bộ trong phủ chúa chứ không thể công khai dưới vương triều nhà Lê và điều đó đã được thể hiện qua chiếc kim ấn quốc bảo với một chữ triện đặc dị vừa giống với chữ thái太 để có thể hiểu là dùng thay cho 大 và như thế vẫn là ĐẠI Việt 大越 nhưng lại vừa giống chữ NAM 南 để ngầm hiểu là NAM Việt 南越.Có nhà sẽ cho rằng đọc Đại Việt là đúng vì quốc sử quán nhà Nguyễn đã xác nhận như thế nhưng chúng tôi lại nghĩ khác, các sử gia Nguyễn dù là những bậc túc Nho, tinh thông chữ Hán nhưng vẫn có thể lầm lẫn một cách chủ quan nhất là với loại chữ ấn triện đặc dị của Nguyễn Phúc Chu cách xa hơn 1 thế kỷ. Bằng chứng là ấn thời chúa Nguyễn (H2) đã được Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục đọc là Quốc chủ ngự bút chi bửu 國 主 御 筆 之 寶7 , nhưng thật ra Cao Xuân Dục đã đọc sai chữ chủ 主 mà đúng ra là chữ tể 宰 (chúa tể). Chữ 主 theo các sách thư pháp đều không có dạng nào như chữ triện trong ấn , còn chữ 宰 lại có bằng chứng thư pháp như chữ . Ẩn ý sâu xa của Nguyễn Phúc Chu mãi đến đời Nguyễn Ánh mới được vén mở và chính Nguyễn Ánh đã thừa hưởng quốc bảo này để thể hiện vương quyền và từng ra chỉ dụ về ấn báu này sẽ được các đời truyền nhau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này. Sử sách đã chứng minh lần đầu tiên trong lịch sử các triều đại Việt Nam, vua Gia Long đã dám đối mặt với thiên triều Trung Quốc để công khai xin thay đổi quốc hiệu cũ từ An Nam thành Nam Việt. Sự thật là 2 chữ “Nam Việt” đã gây căng thẳng giữa vua Gia Khánh và vua Gia Long như Đại Nam thực lục đã cho biết: “Vua hai ba lần phục thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong.”, để giữ hòa khí Thanh – Việt, Gia Long phải chịu nhượng bộ bằng việc ngầm ý cho phép sứ thần Lê Quang Định hiến kế một tên gọi đảo ngược từ “Nam Việt” là “Việt Nam”8 cho vua tôi nhà Thanh và cuối cùng, Gia Khánh đã chấp thuận tên gọi Việt Nam và như vậy quốc hiệu Việt Nam không phải do chính vua Gia Khánh tạo ra và ban cho. Trong suốt triều Gia Long (1802-1820), có điều lạ là quốc hiệu Việt Nam rất ít được dùng đến, có lẽ vì quốc hiệu Việt Nam đối với Gia Long chỉ mang tính hình thức ngoại giao, không thật thỏa tâm ý của vua. Chúng tôi lại tìm thấy quốc hiệu Nam Việt trên bia mộ của Thống chế Lê Văn Quế 9 mất vào năm 1810, đời Gia Long và theo Quốc sử di biên 10thì vào năm 1812, nhà Nguyễn lại sửa lại quốc hiệu thành Đại Việt mà không cần thông báo cho nhà Thanh rồi đến khi Minh Mạng lên ngôi đã thay quốc hiệu mới là Đại Nam, những điều này càng chứng tỏ quốc hiệu “Nam Việt” là một tâm huyết của Gia Long mong ước phục hồi lại quốc hiệu cũ của tổ tiên nhà Nguyễn, thể hiện ý chí độc lập, thoát ly Trung Quốc như nước Nam Việt của Triệu Đà ngày xưa đã ly khai nhà Tần vậy.
Quốc bảo của chúa Nguyễn Phúc Chu xưa nay đã từng được đọc là Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo 大 越 國 阮 主 永 鎮 之 寶, với chữ ĐẠI 大 trong ĐẠI Việt hiểu như quốc hiệu Đại Việt vẫn dùng đời Lê tưởng chừng như rất hợp lý thế nhưng, theo khảo chứng của chúng tôi, chữ thứ nhất của kim ấn này nên đọc và hiểu lại là chữ NAM 南 trong NAM Việt hiểu như quốc hiệu Nam Việt của chúa Nguyễn đặt ra cho vùng đất, giang sơn mới ở phía Nam Đại Việt và thời của Nguyễn Phúc Chu đã hoàn toàn độc lập về mặt địa lý, chính trị, kinh tế sau khi chấm dứt Trịnh Nguyễn phân tranh. Chính vì vậy từ khi ra đời, ấn báu này đã được dùng để truyền quốc, truyền ngôi mà nước ở đây hẳn nhiên là nước Nam Việt của chúa Nguyễn. Điều này đã được chính Nguyễn Ánh xác nhận sau khi được thừa hưởng quốc bảo truyền quốc và khi lên ngôi, vua Gia Long đã chính thức khẳng định quốc hiệu của tiên vương đã có từ hơn 200 năm qua là Nam Việt thông qua việc phái sứ sang nhà Thanh để lần đầu tiên chính thức xin đổi quốc hiệu An Nam của Trung Quốc đặt ra từ xưa và kể cả quốc hiệu Đại Việt của nhà Lê thành Nam Việt.
Đinh Văn Tuấn
Biên Hòa ngày 23 tháng 01 năm 2015
(Đăng trên Tạp chí Xưa & Nay Xuân Ất Mùi 2015)
Chú thích:
Bài viết này được khai triển khi dựa vào cuộc thảo luận liên quan đến chữ triện trên kim ấn của Nguyễn Phúc Chu từ Facebook của Nguyễn Anh Huy, tác giả cùng Lê Quốc Việt, Chang Feng, Nam Long, Trần Quang Đức…đồng thuận về cách đọc là NAM thay vì là ĐẠI, tuy nhiên, mới chỉ đơn giản là thao tác đọc chữ, nay tác giả đã tìm hiểu kỹ lưỡng về thư pháp và sử liệu để chứng minh một cách thuyết phục hơn. Nhân đây xin chân thành cảm ơn các bạn
1 Ảnh chụp (1 và 2) kim ấn từ Nguyễn Anh Huy, Chuyên đề VỀ NHỮNG CHIẾC ẤN CỦA CHÚA NGUYỄN , Liễu Quán, Số 3
2 Khang Hy tự điển, Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1997 3
3 Chữ minh họa (từ đây về sau) được cắt và dán từ sách Lục thể thư pháp đại tự điển, Hồ Nam nhân dân xuất bản xã. 2004 và Chính thảo lệ triện tứ thể tự điển, Thượng Hải thư điếm xuất bản xã . 1980
4 Chinese Etymology: http://chineseetymology.org/CharacterEtymology.aspx?submitButton1=Etymology&characterInput=%E5 %8D%97
5 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T. III, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963
6 Hồ Bạch Thảo (dịch), Thanh thực lục - Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn, NXB Hà Nội. 2007
7 Theo Nguyễn Anh Huy (sđd)
8 Nguyễn Thế Long, Bang giao Đại Việt triều Nguyễn, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005
9 Đinh Văn Tuấn, Lăng mộ cổ Thống chế và Tiền chi ở Đình Tân Phong, Biên Hòa, Tạp chí Xưa & Nay số 451 tháng 9-2014
10 Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, Đỗ Mộng Khương dịch, Hoa Bằng hiệu đính., NXB Văn hóa Thông tin, 2009.