BannerHieude

Giới thiệu sách

Mỹ thuật thời chúa Nguyễn-Dẫn liệu từ di sản lăng mộ
26/01/2015 09:46| 3939 Lượt xem| 1 Lượt yêu thích

TRẦN ĐÌNH HẰNG, LÊ ANH TUẤN, LÊ ĐÌNH HÙNG, TRẦN ĐỨC SÁNG, NGUYỄN THĂNG LONG, NGUYỄN THỊ TÂM HẠNH

Nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế – Tháng 12/2014

ISBN: 978-604-903-331-5

Xét trên phương diện lịch đại, mỹ thuật thời chúa Nguyễn có một chỗ đứng khá quan trọng và không thể thiếu, khi chúng ta xây dựng tiến trình lịch sử phát triển mỹ thuật Việt Nam. Chúng ta không thể trình bày lịch sử mỹ thuật Việt Nam mà lại xếp giai đoạn mỹ thuật xứ Đàng Trong, thời kỳ các chúa Nguyễn, vào một chương với mỹ thuật Lê – Trịnh. Làm điều này chẳng những chúng ta dễ dãi khỏa lấp một khoảng trống hơn hai thế kỷ của một vùng văn hóa – nghệ thuật, mà còn có thể gây nên sự hiểu nhầm tai hại là mỹ thuật thời Lê – Trịnh ở Việt Nam, thì Đàng Trong hay Đàng Ngoài đều thống nhất. Do vậy, việc khảo cứu và chứng minh một vùng văn hóa – nghệ thuật xứ Đàng Trong ở giai đoạn này, theo chúng tôi là cần thiết, và là một bổ sung quan trọng để làm hoàn chỉnh chân dung lịch sử nghệ thuật Việt Nam.

Qua hơn 150 trang viết và gần 200 trang ảnh đen trắng, ảnh màu, cuốn sách MỸ THUẬT THỜI CHÚA NGUYỄN – DẪN LIỆU TỪ DI SẢN LĂNG MỘ đã vẽ nên những nét căn bản mỹ thuật Đàng Trong giai đoạn này:

* Mỹ thuật thời chúa Nguyễn: một sự kế thừa căn bản những yếu tính của nghệ thuật thời Lê Trịnh.

Nhiều đề tài về trang trí như tứ linh, tứ quý, tứ bửu và các motif long hóa, phụng hóa, liên hóa,…đã được người thợ thủ công xứ Đàng Trong tiếp thu tinh thần ấy, và đã thể hiện một cách tài hoa trên những phù điêu trang trí ở thành lăng, trụ biểu, bình phong, bia mộ…, ở những di tích dành cho người đã khuất.

Nếu chú mục vào những chi tiết thể hiện trên những nhưng lăng mộ thời chúa Nguyễn, chúng ta cũng thấy sự dụng công phối hợp một cách khá công phu trên những đồ án trung tâm, nhiều mô thức phối hợp như hệ liên đằng và long hóa, liên hóa cùng những motif hoa văn, hồi văn quen thuộc hình kỷ hà, dây lá, đề diệp, thủy ba, tua dải.. làm cho những mảng phù điêu ở đây phong phú và sinh động hẳn ra.

Trong cấu trúc bố cục, lăng mộ thời chúa Nguyễn, trên tinh thần kế thừa truyền thống, cũng tuân thủ trục thần đạo chi phối đến những thiết trí mang tính đăng đối, hài hòa, tạo nên một không gian nghiêm cẩn và linh thiêng.

* Sự biến cải và thích ứng của nghệ thuật tạo hình ở lăng mộ thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong với nhiều nét đặc hữu trên nền tảng kế thừa truyền thống Việt ở Đàng Ngoài

Do điều kiện địa hình, cấu tạo địa chất, điều kiện sinh kế, cũng như những thiên hướng khác liên quan đến điều kiện lịch sử, chính trị, tư tưởng và giao lưu văn hóa, đã khiến cho nghệ thuật thời chúa Nguyễn có những biến điệu bất ngờ, làm nên những nét riêng đầy ấn tượng.

Nếu nền chất liệu của những lăng mộ thời Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài chủ yếu xử lý trên nền đá ong trong xây dựng la thành, hay đá xanh (đá thanh) trong thiết kế tạo hình nấm, tượng tròn, phù điêu, án thờ và bia mộ, thì trong lăng mộ thời chúa Nguyễn, chỉ sử dụng một cách phổ biến các loại đá phiến, diệp thạch, đá cuội và các loại đá trầm tích khác… Chúng được kết nối bằng những mạch vữa vôi mật, theo dạng mặt rạng ở la thành vòng ngoài và hoàn toàn bằng vôi mật, vôi hàu trong kiến tạo thành trong.

Nếu Đàng Ngoài có một trữ lượng đá xanh phong phú ở Thanh Hóa, để từ đó, có thể thiết kế để tạo hình nguyên khối nhiều bộ phận và tác phẩm quan trọng, thì loại đá này hoàn toàn vắng mặt trong các lăng một thời chúa Nguyễn (dưới triều đại các vua Nguyễn khi đất nước thống nhất, thì chúng ta lại thấy chúng phổ biến trong hầu hết lăng mộ quý tộc quan lại trong giai đoạn thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20). Đó cũng chính là nguyên nhân tại sao lăng mộ thời chúa Nguyễn vắng mặt loại tượng tròn chầu hầu hai bên trục thần đạo của lăng.

Đứng trước thực trạng trên, người thợ xứ Đàng Trong đã tận dụng loại đá sa thạch để làm khung chịu lực trên các cổng vòm và lăng, trên bia mộ với một số lượng rất hạn chế. Đây là loại đá mà người Chăm đã sử dụng phổ biến trong các công trình điêu khắc tượng tròn, phù điêu và các cấu kiện chịu lực trong kiến trúc đền tháp của mình. Nhưng đến thế kỷ 16 – 18, trữ lượng đá sa thạch thuận lợi cho kỹ thuật điêu khắc đã không còn nhiều, cho nên, việc sử dụng nó trong lăng mộ thời chúa Nguyễn cũng rất hạn chế và khiêm tốn.

Mãi đến thời các vua Nguyễn sau này, khi đất nước thống nhất, nguồn đá xanh ở phía bắc được cung cấp thuận lợi, mỹ thuật Nguyễn trở lại ưu thế của loại nguyên liệu với đặc điểm mịn màng, trơn nhẵn, bằng kỹ thuật thể hiện lối chạm nông, nhưng mảnh dẻ và tinh tế trong mô tả chi tiết.

Có thể nói đây cũng là điểm khác biệt biệt đáng ghi nhận giữa thủ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn với triều đại vua Nguyễn sau này.

Nếu so sánh về mặt quy mô của các lăng mộ thời chúa Nguyễn với Đàng Ngoài cùng thời, có lẽ xứ Đàng Trong xây dựng khiêm tốn hơn nhiều, nhưng, cái khác đáng ghi nhận là mặt bằng cấu trúc lăng mộ nơi đây, nếu nhận diện trên bình đồ, thì chúng lại rất phong phú và đa dạng. Từ đồ án đơn thành, song thành, tam thành, trong thiết kế la thành, cho đến việc sắp xếp theo những bố cục khác nhau (nội viên ngoại phương, song thành viên hình, tiền phương hậu viên, hậu viên tiền khúc xích, song thành phương hình…) đều rất đa dạng. Hình dáng nấm mộ cũng khá phong phú: sàng hình, quy hình, quy giáp, quả hình, noãn hình, kiệu hình, liên hoa hình…

Việc thể hiện nhiều cách thiết trí trong các bố cục nêu trên, chủ yếu đều được xử lý trên nền vôi mật, cho nên, kỹ thuật tạo hình trên nền vôi đã tạo nên một nét điêu luyện với kỹ xảo tuyệt đỉnh, nghệ nhân thời chúa Nguyễn đã đóng góp vào di sản nghệ thuật Việt Nam những tác phẩm vô cùng quý báu. Kỹ thuật đắp nổi hình đầu lân, đầu nghê, trên thành lăng, những bức phù điêu song phụng trên bình phong, cho đến hình đầu cá chép trên lỗ thoát nước, các ô hộc trang trí trên trụ cổng, la thành… trong thời kỳ này, đã phản ánh một kỹ năng điêu luyện và tinh xảo của đội ngũ nghệ nhân đương thời, và không hề thua kém những tác phẩm đỉnh cao của thời Nguyễn sau này.

* Lăng mộ thời chúa Nguyễn phản ánh tính chất điển chế và nghiêm cẩn của không gian tâm linh Nho Khổng

Các đồ án trang trí bia thời chúa Trịnh thế kỷ 18 cũng được mô tả: “Nhìn khái quát trong lần dựng bia đầu tiên niên hiệu Thịnh Đức (1633) hiện còn 25 bia đã có bước ngoặc về trang trí đồ án bởi những đặc điểm sau: to lớn hơn trước, rộng và dày hơn. Nhiều đồ án trang trí phong phú trán bia được chú trọng với đề tài rồng chầu mặt nguyệt. Hình tượng cụ thể tư thế uốn lượn, vảy móng dữ tợn, đuôi rồng vút lên trán bia. Trán bia có hình mặt trời mặt trăng, viên ngọc sáng có điểm xoắn ốc, viền ngoài là quần lửa tỏa sáng bay lên gợi cho ta thấy có phong cách thời Lý – Trần. Hình trang trí có chim phượng bay, uốn lượn, đang xòe cánh hoặc hình long mã có vảy rồng uốn mình vờn ngọc.

Nhìn hình trang trí hoa lá, chim muông, hươu hổ cũng xuất hiện trong các đường diềm bia và góc bia rất đa dạng được chạm khắc đẹp.

Trang trí diềm bia những năm về sau vẫn duy trì phong cách dầu thế kỷ 17 – 18 vô cùng phong phú như các loài hoa chanh, mẫu đơn, hoa cúc, mai, hồng, lựu, hoa sen và các loài chim sáo, cò, vịt trĩ, khỉ, hươu, nai, ngựa, hổ….”. (Trịnh Quang Vũ, Chúa Trịnh Cương với những cải cách ở phủ đình – Văn hóa nghệ thuật trong lịch sử. Tiểu luận (doc.edu.vn). tr. 9-10).

Đến phía Đàng Trong thời chúa Nguyễn, các chủ để trang trí cũng như cấu trúc bố cục lăng mộ đều bị chi phối và nằm trong khung quy cách của những đề tài cổ điển. Đây cũng chính là điểm gợi mở, để chúng ta hình dung ý thức chấn chỉnh từ vương phủ theo một dạng trật tự, với những quy định của thiết chế phong kiến điển hình, và tỏ ra bức bách, đối với một xã hội trong buổi đầu, đang còn những ngổn ngang và biến động. Tất nhiên, sự ổn định dân tình trong trường hợp này cũng là mối quan tâm hàng đầu của những người lãnh đạo, và sự tái lập một thiết chế phong kiến từ đấy cũng không nằm ngoài chủ trương của nhà chúa. Chính điều ấy cũng mở ra một tiền đề quan trọng mà nhà Nguyễn sau này đã tiếp thu và thể hiện nó trong hầu hết các công trình nghệ thuật của mình.

* Lăng mộ thời các chúa Nguyễn phản ánh dấu ấn của niềm tín mộ Phật trong tâm thức người đương thời   

Biểu tượng hoa sen trong trang trí lăng mộ không phải là hình ảnh duy nhất chúng ta tìm thấy trên lăng mộ thời chúa Nguyễn, nhưng nếu thống kê về mật độ và tầng số xuất hiện, cũng như những biến điệu trong cách thể hiện từ hoa, lá, gương sen, những thế sen, đến các mô thức liên hóa trong nhiều vị trí khác nhau được thiết trí trên la thành, cổng lăng, bình phong, bia đá…, thì tất cả đã bộc lộ một sự lấn át có chủ tâm của người thể hiện.

Nhiều lăng mộ của giới quan lại thượng lưu đương thời vẫn cho ta cảm giác về sự khuynh loát của đề tài này, sự có mặt của motif liên hoa phổ biến ở đây được biến điệu dưới nhiều mô thức tạo hình, chẳng khác gì nhiều so với những bảo tháp của những danh tăng Liễu Quán hay Nguyên Thiều cùng thời.

Nghệ thuật trong trường hợp này chính là nơi phản ánh khá chân thật niềm tin về Phật trên nền tảng tư tưởng tam giáo của xã hội Đàng Trong thời bấy giờ. Số lượng các vị chúa có pháp hiệu, quy y, lập chùa, tổ chức các nghi lễ lớn liên quan đến Phật giáo đã được nhắc đến khá nhiều trong sử liệu. Và những gì liên quan đến dấu ấn Phật giáo chính là nét đặc trưng dễ nhìn thấy nhất trong mảng tạo hình và trang trí thời chúa Nguyễn thể hiện trên di sản lăng mộ.

Chúng ta cũng có thể xem đó là một sự chuyển tiếp thuận chiều và hợp lý cho sự tiếp nối tinh thần Phật giáo trong quá trình chúa Nguyễn kiến thiết xứ Đàng Trong.

* Dấu ấn của những bàn tay “phi Việt” trên nghệ thuật tạo hình lăng mộ thời chúa Nguyễn

Nếu không tính đến những người nằm dưới mộ và thân nhân của họ là người Việt, thì thời chúa Nguyễn, còn tồn tại nhiều lăng mộ của người Hoa, người Nhật, hay người châu Âu… Công cuộc giao thương mở rộng đã khiến thương nhân nhiều quốc tịch khác nhau sinh sống ở những của cảng và trung tâm mua bán, nhiều người nước ngoài đã hoạt động và chết ở xứ Đàng Trong, lăng mộ của họ còn lại đến ngày nay trên đại thể vẫn có cùng cấu trúc với lăng mộ Việt đương thời. Chúng ta có thể thấy ở đây hiện tượng giao thoa văn hóa cũng như sự tương tác, ảnh hưởng, trong việc thể hiện âm phần cho người đã khuất. Nếu nhìn trên mặt cấu trúc thành lăng, nấm, cũng như hoa văn trang trí trên bia đá… của những lăng mộ người nước ngoài xuất hiện khá nhiều ở Hội An và Thanh Hà (Huế), mặc dù không hoàn toàn giống với lăng mộ Việt cùng thời, nhưng điều đáng nói là giữa chúng không hề biểu lộ một phong cách đối lập hay xa lạ, khiến chúng ta có thể phân biệt hay nhận diện dễ dàng.Trên đại thể chúng cũng có những nét tương đồng với mộ Việt, nhưng vẫn biểu hiện những góc cạnh của riêng mình trong chi tiết dáng bia, vòng thành lăng và nấm mộ.

* Mỹ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn: những gợi mở mang tính nền tảng cho mỹ thuật Nguyễn sau này

Nhìn trong lịch sử Việt, dường như cứ mỗi lần thắng giặc ngoại xâm, đất nước lại mở ra một trang sử mới; cùng hòa vào những đổi thay của dân tộc, đời sống văn hóa nghệ thuật cũng có những bước chuyển lớn. Xu hướng khẳng định những gì mà người chiến thắng đang hừng hực khí thế, thường biểu hiện dưới góc cạnh muốn xa rời khuôn hình nô dịch của kẻ thù muốn áp đặt. Đó là những gì mà chúng ta có thể bắt gặp trong nhiều đề tài “thuần Việt” hoặc “phi Hoa” thời Lý – Trần; những chủ đề phóng khoáng đậm chất dân gian thời Lê, nơi hình ảnh người nông dân bình dị được dịp có mặt trong  điêu khắc trang trí của nhiều loại hình kiến trúc. Không khí cũng như biểu hiện ấy chúng ta hiếm nhìn thấy trong nghệ thuật tạo hình Nguyễn. Phải chăng sự đăng quang của chúa Nguyễn hay Vua Nguyễn đều là kết quả chiến thắng trong các cuộc nội chiến giữa những thế lực phong kiến, cho nên, lúc này vẫn cần đến một sự thừa nhận của triều đình Trung Quốc, và chọn mô thức trị quốc của phương Bắc làm chuẩn mực qua những nguyên tắc Nho giáo.

Khi các chúa Nguyễn vào Nam với khát vọng tách khỏi Đàng Ngoài với một lãnh thổ độc lập, nhiều chủ trương giao thương, mở rộng quan hệ với nước ngoài như một biện pháp tự cường nhanh chóng cần thiết. Cũng vào thời điểm ấy, phong trào “phản Thanh phục Minh” ở phương Bắc gặp bất lợi, nên không ít nhân vật có tầm ảnh hưởng trên nhiều mặt xuất dương và định cư ở xứ Đàng Trong, đây như là một thời cơ để những đối tượng này đóng góp tầm ảnh hưởng của mình vào trong sự nghiệp kiến tạo xứ sở buổi đầu của các chúa Nguyễn.

Những khuôn mẫu của mô hình chính thống và điển chế của trật tự phong kiến phương Bắc trở thành những ứng dụng cần thiết trong việc xây dựng khung sườn thiết chế quản lý của các chúa. Sự kiện ấy như một khuôn hình phản chiếu trong di sản nghệ thuật tạo hình  mà chúng ta có thể thống kê trên cấu trúc và đề tài thể hiện. Ở đây, gần như không thấy những mô thức thể hiện vượt khỏi những quy tắc nghiêm cẩn của hệ quy định Nho giáo. Mỹ thuật thời chúa Nguyễn không tạo được sự khai mở phóng khoáng cho người nghệ sĩ có thể sáng tạo “vượt rào” ra khỏi quy định của những điển tích, biểu tượng, hay quy phạm của nhà nước phong kiến thuần Nho. Cho dù, niềm tín mộ mang chất tâm linh vẫn dành cho Phật Giáo, nhưng trong nghệ thuật tạo hình, đề tài của tam giáo vẫn mang tính “thống soái”, quẩn quanh với những mô thức cổ điển như tứ linh, tứ quý, tứ hữu, bát bữu…, những motif kết hợp mang tính biểu tượng thể hiện mơ ước, hoài bão, khát vọng cũng không ngoài lý ngư vượt long môn, bảo bình, tùng lộc, mai điểu, lan điểu, lựu, đào, mẫu đơn

Việc duy trì khuôn mẫu trật tự phong kiến mang đậm dấu ấn Trung Hoa, vẫn là những gì nhà Nguyễn muốn thực hiện để bảo vệ thành quả thắng lợi của mình trước mối đe dọa của những thế lực trong nước, lẫn những mầm mống xâm lược từ nước ngoài. Tâm trạng nhà Chúa với những khát vọng bình ổn đất nước và dân tình trong bối cảnh lịch sử đương thời, ít nhiều vẫn hiện hữu kịch bản ấy dưới thời các vua Nguyễn. Vì vậy, ngoài sự gần gủi trong tình cảm huyết thống, nhà Nguyễn vẫn có sự đồng cảm với những khó khăn về mặt tình huống trong tư thế là kẻ nắm giũ vận mênh đất nước, cho nên, những ứng xử về mặt văn hóa vẫn hội đủ những duyên cớ để họ tiếp thu và duy trì từ quan niệm, phương thức bày tỏ, cho đến những cảm quan nghệ thuật.

Trong một cách hiểu nào đó, nghệ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn như là giai đoạn thiết lập những nền móng cơ bản cho việc thể hiện một cách đầy đủ và mực thước những nét đặc trưng dưới thời các vua Nguyễn, giai đoạn cuối cùng của nghệ thuật thời phong kiến Việt Nam.

Chủ biên cuốn sách giới thiệu

MỤC LỤC

1. Dẫn luận

2. Khái quát mỹ thuật tạo hình xứ Đàng Trong

3. Đặc trưng mỹ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn

4. Lời kết

5. Phụ lục ảnh: Lăng mô, motif trang trí, bia mộ, thác bản văn bia, phiên âm dịch nghĩa văn bia,…

Bia trong

 Thông tin thêm

– Sách dày 345 trang, gồm: 150 trang viết, 45 trang ảnh đen trắng và 150 trang ảnh màu.

– Giá: 300.000 đồng.

– Sách có bán tại: Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế.

– Địa chỉ: 06 Nguyễn Lương Bằng, Thành phố Huế.

– Liên hệ: Ông Lê Anh Tuấn (Mobile: 0906 595 155; latuanvhnt@yahoo.com)

 

 

người thích

Bài viết mới cập nhật

Cố vật ở nước ngoài

Cặp đĩa thời Tây Sơn

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €4.508

Cái tiềm trang trí Long hý thủy

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €4.894

Đôi bình bát tràng

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €2.061

Vò gốm Gò Mun.

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €322

Cốc gốm Gò Mun

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €283