Hiện tại, ở Huế có lưu giữ hai cái khánh cổ:
- Cái thứ nhất là "Bình Trung quán khánh", bằng đồng, đúc năm 1677, có niên đại ghi là "永 治 二 年 歲 次 丁 巳 仲 秋 造 (Vĩnh Trị nhị niên tuế thứ Đinh Tị Trọng Thu tạo)", và các dòng chữ: "Hội chủ Trần Đình Ân, đạo hiệu Minh Hồng, pháp danh Tịnh Tín...". Khánh này nguyên gốc ở chùa Bình Trung (Hà Trung, Quảng Trị); không rõ vì lý do gì (?), hiện tại nằm tại chùa Thiên Mụ !
![[Cổ vật tinh hoa: http://covattinhhoa.vn/]](/Images/Baiviet/2014/08/cvth201408226c6415e3-b65a-4395-8449-66c1c546c04d.JPG)
"Bình Trung quán khánh" đúc năm 1677 bằng đồng.
- Cái thứ hai là "Quốc chủ ngự thư", bằng đá, làm năm 1724, ghi bài văn của Minh vương Nguyễn Phúc Chu, niên đại là "保 泰 五 年 (Bảo Thái ngũ niên)". Khánh này, năm 1915, được tìm thấy tại làng La Chử(1), huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế; và nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.
![[Cổ vật tinh hoa: http://covattinhhoa.vn/] Khánh đá](/Images/Baiviet/2014/08/cvth20140822af05ba90-9556-469b-94f2-85af9f49a164.JPG)
Khánh đá "Quốc chủ ngự thư" làm năm 1724. Ảnh của Trần Đình Sơn
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, qua nhiều tài liệu viện dẫn, đã khẳng định chiếc khánh đá "Quốc chủ ngự thư" nguyên gốc là của chùa Thiên Mụ(2), và bị thất lạc đến La Chử. Tuy nhiên, đọc cách biện giải cho khẳng định ấy, cũng như xem lại các tài liệu tham khảo do tác giả đưa ra, vẫn còn quá nhiều khiên cưỡng.
Tác giả Trần Đình Sơn viết: "Nhiều văn gia, thi sĩ xưa có đề cập đến chiếc khánh quý báu nổi tiếng của chùa Thiên Mụ3 (chú thích số 3 này là nguyên văn của Trần Đình Sơn , sẽ được bàn thêm ở phần sau). Tiến sĩ Phan Huy Ích... ghi rõ ràng nhất: "Chùa Thiên Mụ... có chiếc khánh đá quý từ hướng tây đưa về... Mùa đông năm Bính Thìn (1796), Huy Ích tôi vâng mệnh đi công cán ở Phú Xuân. Từng qua vãn cảnh thăm chùa. Trước năm này, quan quân đã triệt bỏ các điện chùa cũ. Mùa xuân đã đem chiếc khánh quý để vào trong điện(3) (chú thích (3) này xem ở phần chú thích); nền chùa còn lại thì san đi để đắp thành đàn cúng tế".
1. Điều thứ nhất, sự giải thích của Phan Huy Ích khá "rõ ràng nhất" là cái khánh "từ hướng tây đưa về" !
Nhưng về nguồn gốc của cái khánh La Chử thì trên cái khánh có ghi rõ là đá tìm thấy ở "Trừng Giang tự", mà nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã giải thích chùa này ở Điện Bàn, Quảng Nam, tức là hướng nam chứ không phải "từ hướng tây đưa về" !
Vả lại, giả sử chùa Thiên Mụ có cái khánh của Minh Vương thật, thì vào năm 1796, liệu quân Tây Sơn, đang đánh nhau ác liệt với Nguyễn vương Phúc Ánh, có thật sự quý đồ đạc có ký dấu của kẻ thù, mà chịu khó "đem chiếc khánh quý để vào trong điện" Đại Hùng không ?, hay là thấy thì đập bể ngay tức khắc ?
Do vậy, cho dù chùa Thiên Mụ có cái khánh bằng đá quý thật, thì có thể là một cái khánh khác chứ không phải là cái khánh ở làng La Chử.
2. Về chú thích số 3 của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, tác giả cho biết: "Xem: Bài thơ "Thiên Mụ tự" trong Tang Thương Ngẫu Lục của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ...".
Tìm đọc bài văn "Chùa Thiên Mụ" (của Kính Phủ, tức Nguyễn Án), nguyên văn như sau: "chùa có một cái khánh đá, tiếng lớn vào trong, ghi là "Chính Lịch nhị niên tạo", hội chủ là Thế tổ Minh Khang thái vương"(4).
Điều vừa dẫn, cho thấy nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, khi đọc câu "chùa có một cái khánh đá", đã vội vàng khẳng định rằng chùa Thiên Mụ có một cái khánh "BẰNG ĐÁ", nên liên tưởng ngay đến cái khánh bằng đá được tìm thấy ở La Chử; và quên đọc đoạn diễn giải về cái khánh đá ấy có "ghi là "Chính Lịch nhị niên tạo", hội chủ là Thế tổ Minh Khang thái vương" !
Tuy nhiên, rõ ràng trên cái khánh bằng đá tại La Chử, mà cũng chính nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã dịch ngự thư của Minh Vương, trong bài viết đã giới thiệu, không hề có câu: ""Chính Lịch nhị niên tạo", hội chủ là Thế tổ Minh Khang thái vương" !
Thật trái khoáy, cũng trong bài viết của tác giả Trần Đình Sơn cho biết "Bình Trung quán khánh" bằng đồng trong chùa Thiên Mụ có ghi: "đúc vào giữa mùa thu năm Đinh Tỵ (1677) niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2... Mặt sau ghi "Hội chủ Trần Đình Ân, đạo hiệu Minh Hồng, pháp danh Tịnh Tín, mười phương công đức".
Niên đại trên cái khánh bằng đá là "保 泰 五 年 (Bảo Thái ngũ niên)", về mặt những chữ này, không có những nét tương đồng để có thể đọc nhầm thành "正 曆 二 年 (Chính Lịch nhị niên)" được !
Ngược lại, xét ra thì trên cái khánh mà Nguyễn Án mô tả, có những chữ giống với chữ trên "Bình Trung quán khánh" bằng đồng:
- Những chữ hoàn toàn giống: "... nhị niên... tạo. Hội chủ... Minh...".
- Những chữ gần giống: hai chữ "永 治 (Vĩnh Trị)", viết theo lối lệ thư, về mặt chữ, có những nét tương đồng gây dễ nhầm với hai chữ "正 曆 (Chính Lịch)".
Điều này cũng dễ hiểu. Nguyễn Án đi tiêu dao chứ không phải khảo cứu, về nhớ nhớ quên quên, viết tùy bút thì rất dễ nhầm lẫn từ này qua chữ kia..., nhưng đại ý thì tựa tựa như thế !, cho nên về chất liệu, bằng đá hay bằng đồng (?), cả Nguyễn Án cũng như Phan Huy Ích, chỉ là mang máng thôi, không thể chính xác được !
Tóm lại, các chữ trên cái khánh ở chùa Thiên Mụ mà Nguyễn Án mô tả, chính là "Bình Trung quán khánh" bằng đồng, chứ không phải cái khánh "Quốc chủ ngự thư" bằng đá.
3, Giải thích vì sao chiếc khánh đá ở chùa Thiên Mụ, đã được đưa vào cung điện của vua Tây Sơn, lại được phát hiện ở La Chử ?, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng: "Mùa hè năm Tân Dậu (1801), chúa Nguyễn Phúc Ánh thu phục Kinh thành Phú Xuân, triều đình Tây Sơn tan rã tháo chạy ra Bắc. Có thể trong biến cố này, chiếc khánh đá trong cung vua đã thất lạc về La Chử... Sau quân đội Tây Sơn rút đi, dân làng sợ liên lụy nên đem chôn giấu trước sân đình".
Cách giải thích này thật lạ vì trái ngược với lẽ thông thường:
- Đối với một vị vua, có cả kho tàng ngọc ngà châu báu, một cái khánh bằng đá của kẻ thù, có gì đáng quý báu lắm mà phải đem vào cung điện; đến khi bị kẻ thù đuổi đánh phải thua tháo chạy, mà vẫn đem cái khánh nặng nề đó theo từ kinh thành Phú Xuân cho đến La Chử ?
- Nếu dân La Chử lưu giữ cái khánh của chúa Nguyễn từ tay kẻ thù của chúa, mà quân chúa Nguyễn đang đến, thì dân làng sẽ càng được chúa Nguyễn trọng thưởng, có gì mà phải sợ liên lụy ?
Do vậy, việc nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn gán ghép cái khánh đá ở La Chử thành là của chùa Thiên Mụ, hoàn toàn không có cơ sở !
Riêng tôi, tôi cho rằng cái khánh đá có thể là của chùa La Chử, vì chùa này được dựng vào năm 1680, và có một liên hệ nào đó với chúa Nguyễn mà chúng ta chưa biết được, nên đã được "Sắc tứ Chúc Thánh Đạo Tràng"(5). Và có thể Minh Vương đã ban chùa La Chữ chiếc khánh này. Đến thời Tây Sơn, khi tướng Võ Văn Dũng đặt hành dinh ở chùa La Chử, thấy khánh có ký hiệu kẻ thù của bản triều, đã đập bể, vứt ra ngay khỏi "chùa" !
Trở lại chuyện "Bình Trung quán khánh" do Trần Đình Ân đúc, đặt tại chùa Bình Trung (Quảng Trị), tại sao bây giờ lại nằm ở chùa Thiên Mụ ?
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn giải thích: "Theo chúng tôi được biết, chiếc khánh đồng của quán Bình Trung bị triều Tây Sơn thu dụng và để lại tại Phú Xuân sau khi tan rã. Đến triều Gia Long, vua cho đem chiếc khánh đồng này vào tôn trí tại Quốc tự Thiên Mụ thay cho chiếc khánh đá quý đã bị mất"(6).
Với tinh thần khoa học, tôi rất mong nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết rõ cách giải thích trên theo nguồn sử liệu nào ? Và cách giải thích này cũng rất lạ đời: vua Gia Long, có trong tay cả nước Việt Nam, có biết bao ngọc quý trong kho tàng, có đủ quyền hành để ban tặng chùa Thiên Mụ một cái khánh khác quý báu hơn rất nhiều !; lẽ nào lại đi lấy cái khánh đã có ghi tên "Bình Trung quán khánh" chẳng có ý nghĩa gì với chùa Thiên Mụ (!?), mà đi gượng tặng lại cho chùa này, há không mang tiếng là kẻ "bá đạo", cưỡng bức lấy tài sản của người này mà đi ép cho người khác ư ?!
Mặc dù không có nguồn sử liệu ghi rõ về chiếc khánh đồng này, nhưng ta được biết: “Mùa xuân năm Bính Thân [tức là năm 1776], vâng truyền rằng phàm bắt được súng đồng ở Thuận Hóa, nòng súng đã rộng không dùng được, cùng là đồ đồng, tấm đồng nặng lớn không dùng được và không chở đi được thì nên đem phá hủy gấp mà đúc tiền cất chứa...”(7).
Như vậy, rất có thể khi quân Trịnh vào Phú Xuân, đi ngang qua quán Bình Trung, đã lấy cái khánh bằng đồng như một chiến lợi phẩm. Và trong quá trình chọn phế phẩm để đúc tiền, thấy cái khánh này có niên hiệu vua Lê "Vĩnh Trị nhị niên" nên quân Trịnh, trong đó có cả Lê Quý Đôn, đã để lại dùng với mục đích khác như để đánh hiệu lệnh chẳng hạn, không cho phá đi.
Rồi vào năm 1786, tướng Phạm Ngô Cầu đã lập đàn cầu an 7 ngày đêm liền, mà hầu hết các tướng lãnh và quân lính họ Trịnh đóng ở thành Phú Xuân đều phải tới đàn chay chầu hầu, phục dịch suốt ngày đêm rất vất vả mệt mỏi ở chùa Thiên Mụ(8), có thể chiếc khánh đồng, một loại nhạc khí, được trưng dụng trong dịp hành lễ đàn chay này, nên được quân Trịnh mang từ dinh Phú Xuân đến chùa Thiên Mụ, và để tồn tại cho đến ngày nay.
Với cách giải thích này, tức "Bình Trung quán khánh" xuất hiện tại chùa Thiên Mụ trong cuộc đàn chay năm 1786, thì 10 năm sau (tức 1796), Phan Huy Ích đến chùa Thiên Mụ đã có cái khánh này rồi, và cũng như Nguyễn Án, đều nhầm lẫn chất liệu từ đồng thành đá. Và việc quân Tây Sơn đem cái khánh vừa bằng chất liệu đồng không thể đập bể, vừa mang hiệu vua Lê này ngoài sân chùa Thiên Mụ vào trong điện Đại Hùng cũng có thể chấp nhận được; chứ nếu là cái khánh bằng đá của chúa Nguyễn thì liệu quân Tây Sơn có tôn trọng mà đưa vào điện không ?!
Còn vì sao cả Phan Huy Ích và Nguyễn Án đều nhầm từ khánh đồng sang khánh đá ? Ngày xưa phần lớn khánh thường được làm bằng những phiến đá bằng phẳng, chế tác đơn giản hơn là được đúc bằng đồng. Trong bối cảnh chung của xã hội về chất liệu của các loại khánh thường được làm bằng đá như vậy, thì cả hai văn sĩ trên không phải là nghiên cứu kỹ, chỉ thấy qua rồi kể lại nên có thể nhầm lẫn !
Những giả thuyết tôi đưa ra, chỉ là tư biện, không có cơ sở vững chắc, nên có thể sai nhiều hơn đúng, nhưng sự liên tưởng gần với các dấu vết còn sót lại hơn. Còn các cách giải thích của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì đã rõ ràng là không có cơ sở !
Chú thích:
(1) Xem: R.Orband. "Le khanh de La-Chu". Bulletin Des Amis du Vieux Hué. No 4, 1915.
(2) Xem: Trần Đình Sơn. "Khánh quý quốc tự Thiên Mụ". Liễu Quán. Số 2. 2014.
(3) Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn khi trích dẫn, đã thêm chữ thành "để vào trong điện VUA", và từ chữ "vua" mới thêm ấy, đã suy diễn ra một cách giải thích rất lạ ! Thật ra chữ "điện" ở đây chính là "Đại Hùng bảo điện" là ngôi điện chính thờ Phật mà chùa nào cũng có. Tuy Phan Huy Ích ghi là "quan quân đã triệt bỏ các điện chùa cũ", nhưng chỉ là triệt bỏ các điện khác của chùa; vì chúng ta biết tuy triều Tây Sơn triệt bỏ chùa chiền nhưng các chùa lớn thì vẫn để lại, và thực tế thì điện Đại Hùng của chùa Thiên Mụ không bị triệt hạ, nên bức thủ bút "Linh Thứu cao phong" của Minh Vương viết năm 1714 nay mới còn !, chứ nếu điện Đại Hùng của chùa Thiên Mụ cũng bị triệt hạ thì chắc chắn thủ bút của Minh Vương ngày nay không còn !
(4) Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án. Tang thương ngẫu lục. Nhà xuất bản Hồng Bàng. 2012. Trang 179.
(5) Hà Xuân Liêm. Những chùa tháp Phật giáo ở Huế. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. 2007. Trang 495-496.
(6) Trần Đình Sơn. Bài đã dẫn. Chú thích số (5). Trang 65.
(7) Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1977. Trang 223.
(8) Xem: Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng. Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. 2003. Trang 131-132.
Huế, 2014: Bác sĩ NGUYỄN ANH HUY