Xem các hoành phi đối liễn, tranh, thư họa… ta phải công nhận rằng sự xuất hiện của ấn chương trên các bức thư pháp, trên văn bản… đã tương hỗ cho nhau tạo thành một chỉnh thể !, mà tôi vẫn thường hay ví von bức thư họa vắng thiếu khuôn dấu cũng tựa như người đẹp mà thiếu đồ trang sức vậy !
Và thật ra, các bức thư pháp không phải chỉ trên chất liệu gỗ, mà còn trên các chất liệu khác như giấy, vải, kim thạch(bi ký chuông vạc đỉnh)… Nếu chữ do chính tay vua viết thì gọi là “ngự đề(1), ngự bút”, còn văn thơ vua làm mà người khác ghi lại thì gọi là “ngự chế”. Ví dụ nếu như các bức thư, công văn do các chúa Nguyễn viết thì cũng có thể gọi là “ngự bút”(2), và trên ấy có dấu triện quyền lực của chúa. Hoặc trên đá thì có “Tứ công thần bi” khắc “Ngự sắc”của Minh Vương ban cho Trần Đình Ân năm 1703 (hiện còn tại chùa Bình Trung, Gio Linh, Quảng Trị)(3), cái khánh“Quốc chủ ngự thư”(4) được tìm thấy ở làng La Chữ; hoặc bi ký thì có bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự”(5) do Minh vương Nguyễn Phúc Chu làm năm 1715, và bia “Sắc tứ… Liễu Quán hòa thượng”(6) năm 1748 của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát… đều có nhiều ấn triện của chúa Nguyễn !
Tôi đã xem một số bi ký thời chúa Nguyễn, một hình thức bức thư pháp, đều có trang trí thêm ấn chương nên tổng thể tác phẩm mỹ thuật rất đẹp; trong khi các bi ký thời Nguyễn, dù chép “ngự chế thi”, nhưng lại không có ấn chương, không hiểu vì lý do gì ?!
Về chức năng, có ấn chỉ dùng để khẳng định tính chân thực, tức biểu thị quyền lực, nhưng có ấn lại để biểu hiện là một đề mục trang trí để biểu hiện sự khởi đầu và kết thúc của văn bản, và cũng có loại ấn dùng để khẳng định quyền sở hữu… nhưng dù mang chức năng gì, tất cả các loại ấn đều tôn thêm tính thẩm mỹ cho bức văn tự. Do đó rất cần phải tìm hiểu…
* TỪ BUỔI QUỐC SƠ…
Khi vào Thuận Hóa năm 1558, Nguyễn Hoàng với chức vụ trấn thủ, được vua Lê trao “trấn tiết”(7), và chắc đã có cấp ấn “Trấn thủ tướng quân”, nhưng ngày nay chúng ta chưa phát hiện được văn bản nào của Đoan Quận Công sử dụng ấn này. Tuy vậy, loại ấn “鎮 守 將 軍 之 印 (Trấn thủ Tướng quân chi ấn)” đã được phát hiện ở các thư ngoại giao của Thụy Quốc công Nguyễn Phúc Nguyên sử dụng từ năm 1601(8).
Đến năm 1570, do Nguyễn Bá Quýnh từ Quảng Nam được vua Lê triệu đến trấn thủ Nghệ An, Nguyễn Hoàng được kiêm lãnh hai xứ Thuận Hóa – Quảng Nam và được “đeo ấn tổng trấn tướng quân”(9).
Ngày nay, nhiều văn bản thời Nguyễn Hoàng được phát hiện có đóng dấu “總 鎮 將 軍 之 印 (Tổng trấn Tướng quân chi ấn)“, chẳng hạn như văn bản của chúa gởi cho Lương Văn Chánh ở Phú Yên năm 1597(10), văn bản gởi cho Nhật Bản năm 1606…
Ấn “Trấn thủ tướng quân”
Chiếc ấn “Tổng trấn Tướng quân” này là do vua Lê cấp, nên có giá trị như pháp lý công nhận chức vụ một cách chính danh, cho nên, dù các chúa Nguyễn sau này như Thụy Quốc công Nguyễn Phúc Nguyên, cho đến Hoằng Quốc công Nguyễn Phúc Thái khi viết thư ngoại giao với Nhật Bản dù có bạo gan tự xưng là “An Nam quốc quốc vương”, nhưng cũng chỉ đóng dấu “Tổng trấn Tướng quân chi ấn” chứ không có ấn nào khác !
Chính vậy, khi Lê Quý Đôn vào Thuận Hóa năm 1776, cũng cho biết: “Họ Nguyễn trước kia đời đời làm công thần, tuy các đời vẫn khiến thần dân gọi là chúa, nhưng… Ấn thì dùng ấn “Tổng trấn Tướng quân”.”(11).
Ngoài ra, các chúa Nguyễn còn dùng ấn kiềm “太 傅 國 公 (Thái phó Quốc công)” trên văn bản để biểu thị chức tước.
Bức thư chúa Nguyễn Phúc Thái viết gởi Nhật Bản năm 1688, tự xưng “An Nam quốc quốc vương” nhưng chỉ được đóng dấu “Tổng trấn Tướng quân chi ấn”
* GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH…
Cho đến đời Tộ Quốc công Nguyễn Phúc Chu nối ngôi, “có tài lược văn võ… tự xưng là Đại Việt quốc vương… có ý dòm ngó Trung triều”(12). Để nuôi mộng lớn, ông đã cho người sang cầu phong với Đại Thanh, rồi năm 1709 cho đúc ấn “大 越 國 阮 主 永 鎮 之 寶 (Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo)”. )”; và tiếp tục đúc nhiều ấn khác nữa…
Ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”
- 1. Cổ sử cho biết: “Mùa đông, tháng 12, ngày Nhâm Dần, đúc Quốc bảo. Sai Lại bộ Đồng Tri là Qua Tuệ Thư coi việc chế tạo. (Ấn khắc chữ Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo). Năm ấy đúc xong, về sau liệt thánh truyền nhau lấy làm quốc bảo. Đến khi Duệ tông Hiếu Định Hoàng đế (13) vào Nam, cũng đem ấn đấy đi theo. Duệ tông Hiếu Định Hoàng đế băng thì để lại cho Thế tổ Cao hoàng đế (14). Bấy giờ binh lửa hơn 20 năm, ấn ấy mất rồi lại tìm thấy nhiều lần. Mùa hạ năm Nhâm Dần, giặc đánh Sài Gòn, [Thế tổ] ra đảo Phú Quốc, điều khiển Ngô Công Quý mang ấn theo sau bị lạc. Đến khi Chu Văn Tiếp phá được giặc, rước vua hồi loan, Công Quý cũng từ Long Hồ đem ấn về hiến. Lại đến chiến dịch Ba Lai, quân giặc đuổi gấp, tòng thần(15) mang ấn lội sông chạy, ấn rơi xuống nước, rồi người lội sau vướng chân chạm phải, lại mò được, đem hiến ở hành tại. Lại khi vua lánh giặc, ra ngoài vụng đảo Thổ Châu, từ giá và cung quyến(16) đều đến lại ở đảo, vua Xiêm sai tướng là Thát Xỉ Đa đem binh thuyền đến đón vua mới vào nước họ. Trong lúc thảng thốt, tình trạng người Xiêm chưa lường được thế nào, vua mật sai tòng thần là Hựu đem ấn ấy vượt biển lên bờ giấu kín. Khi vua đến thành Vọng Các, thấy vua Xiêm đãi rất cung kính, không có ý gì khác, vua mới sai người về đảo Thổ Châu để đón từ giá và cung quyến, tên Hữu cũng mang ấn ấy đi theo. Khoảng năm Gia Long, vua từng dụ Hoàng thái tử, tức Thánh tổ Nhân Hoàng đế rằng: “Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn cứ giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. Ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ, thực là ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ, khiến cho ngọc bích của Triệu lại trở về(17) để truyền cho con cháu. Vả lại nước ta liệt thánh nối nhau, chồng chất sáng hòa, hơn 200 năm, nay nhờ yêu dấu thiêng liêng mà thống nhất cả nước, phúc chứa vốn đã lâu rồi. Kinh thi có câu “Nhà Chu nước dù cũ mà mệnh trời thì mới”, sự mở mang cơ nghiệp vốn bắt đầu tự Văn vương và Vũ vương, mà công gây dựng buổi đầu thực là tự Cổ Công và Vương Quý. Những vật cũ đời ấy để lại như cái đỉnh cái di, người Chu cũng đều xem là đồ báu. Huống là cái ấn Quốc bảo của tổ tiên ta để lại ư ? Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để lại cho nhau, đừng làm mất đi mà truyền đến ức muôn năm dài lâu mãi mãi”(18)…
Sử cho biết thêm: “Mậu Tuất, năm thứ nhất (1778)… tuy chưa lên ngôi vương, nhưng Duệ Tông đã mất vì việc nước, quyền lớn đã thuộc về ngài, cho nên chép là năm thứ nhất để nối chính thống… các tướng tôn vua làm Đại nguyên soái, quyền coi việc nước (17 tuổi)… cai đội Lê Chử đem kim sách và quốc bảo của tiên triều đến dâng… Đầu là… Duệ Tông sai Chử giữ 4 tờ kim sách, một quả ấn vàng, ba quả ấn đồng đi theo. Đến sông Tra Giang gặp giặc, Chử sợ chạy, quăng cả sách và ấn xuống sông. Đến dây lại về chổ cũ mò được, đem dâng… Năm Canh Tý, lại năm thứ nhất (1780)… vua lên ngôi vương ở Sài Gòn… dùng ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo (ấn này do Hiển tông Hiếu Minh hoàng đế chế, nay dùng làm của báu truyền ngôi), nhưng vẫn theo niên hiệu nhà Lê…”(19).
Có thể những đoạn sử trên chỉ là huyền thoại thêu dệt cho thấy báu vật thêm ly kỳ, nhưng dù sao, ta phải thấy rằng ấn truyền quốc chắc chắn là quý báu vô ngần…
Ấn hình vuông, chiều cao cả quai là 6,3cm, cạnh 10,84cm, dày 1,10cm; mặt trên của ấn khắc 2 dòng chữ Hán: “Kế bát thập kim, lục hốt, tứ lạng, tứ tiền, tam phân (nghĩa là: vàng 8 tuổi, nặng 6 thoi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân – tức 64,43 lạng)“, bên phải khắc 11 chữ: “Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo (nghĩa là: làm ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ 5, tức năm 1709)“.
Mặt ấn đúc nổi 9 chữ triện như đã nói trên. Một điều đáng bàn là, hai chữ triện số 1 (góc trên phải đã được đọc là “大 (đại)”) và chữ triện số 5 (ở chính giữa đã được đọc là “主 (chúa)”), thật sự phải đọc như thế nào ? Nếu theo tự dạng thông thường thì 2 chữ đã dẫn không thể được đọc là “đại” và “chúa” được ! Tra các loại Từ điển Thư pháp(20), ta không hề thấy hai chữ này được viết theo kiểu ở chiếc ấn nói trên. Thế nhưng Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết là“Ấn khắc chữ Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” !, nên ta cũng phải đọc như vậy !
Chính vì những trường hợ tương tự như thế, khi nghiên cứu về ấn chương, Lê Quý Đôn cũng đã cho biết: “Đời gần đây, chữ triện khắc ở mặt ấn không theo phép tắc gì hết. Như ấn của Tam Sảnh, nét chữ triện đều cong lệch trái ngược…”(21).
Trở lại đoạn sử trên, ta thấy vua Gia Long nói rằng, “chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này”, có thể thời Nguyễn vương Phúc Ánh đã dùng ấn này trên văn bản của mình, nhưng còn các thời chúa trước đó thì không dùng ấn này để “chiếu văn và bổ dụng quan lại”, vì thực tế văn bản làng xã ở Thừa Thiên Huế thời chúa Nguyễn Phúc Thụ năm 1728 (niên hiệu Bảo Thái cửu niên)(22) và tôi đã thấy đến cả thời chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1741 (Vĩnh Hựu thất niên) vẫn còn dùng ấn “Tổng trấn” ! Riêng chúng ta mới thấy chiếc ấn ly kỳ kể trên chỉ được khắc 2 bản duy nhất ở bia chùa Thiên Mụ dựng năm 1715: một dấu trên trán bia và một dấu cuối bài bi ký !
Ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” được khắc trên bia chùa Thiên Mụ năm 1715
- 2. Ấn “取 信 天 下 文 武 權 行 (Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành)”, là ấn long tỷ nhỏ được chúa Nguyễn Phúc Chu sử dụng từ tháng 9 năm 1710(23) đóng ở góc trên bên phải văn bản ban ra xã hội.
Ấn “Thủ tín thiên hạ văn võ quyền hành”
- 3. Ấn “與 天 同 壽 (Dữ thiên đồng thọ)”, là ấn chính trên dòng ghi niên đại của “Tứ công thần bi” của Trần Đình Ân năm 1703. Vì chỉ xuất hiện một lần duy nhất trên tấm bia này, còn các bức khác đều không có, nên có thể đây là một trong những chiếc ấn đầu tiên dùng trên ngự bút văn thơ của Minh Vương.
- 4. Ấn “天 縱 道 人 (Thiên Túng đạo nhân)”(24), là ấn tên cá nhân, xuất hiện trên “Tứ công thần bi” của Trần Đình Ân.
Ấn vuông ghi 4 chữ “Thiên Túng đạo nhân” dưới hàng chữ “Quốc chủ Thiên Túng đạo nhân ngự sắc tứ” trên tấm bia ghi công đức của Trần Đình Ân
- 5. Ấn “南 天一 柱 (Nam thiên nhất trụ)”: chỉ xuất hiện 01 lần trên 2 câu đối ở chùa Quốc Ân.
- 6. Ấn “業 廣 維 勤 (Nghiệp quảng duy cần)” (chữ Kinh thư, nghĩa là muốn mở rộng cơ nghiệp thì phải siêng năng): là ấn kiềm hình bầu dục, được Minh Vương sử dụng từ năm 1714 bên phải (so với người xem) bức “靈 鷲 高 峰 (Linh Thứu cao phong)” (ở chùa Thiên Mụ) hoặc bức “忠 義 之 則 (Trung nghĩa chi tắc)” (ở Quan Công từ).
Ấn “Nghiệp quảng duy cần”
- 7. Ấn “協 一 主 人 (Hiệp nhất chủ nhân)”, ấn kiềm tròn được đóng vào những bức “Linh Thứu cao phong, Trung nghĩa chi tắc” năm 1714, ở bia chùa Thiên Mụ năm 1715, câu đối ở chùa Quốc Ân, trên khánh đá năm 1724,“Sắc tứ Quang Đức tự”, “Thế Tôn bảo điện”, ngự đề tại chùa Khánh Long năm 1753, và cả trên văn bản bằng giấy.
Ấn “Hiệp nhất chủ nhân” (trên), và “Đại khối giả ngã dĩ văn chương” (dưới).
- 8. Ấn “大 塊 假 我 已 文 章 (Đại khối giả ngã dĩ văn chương)” (câu trong bài “Xuân dạ yến đào viên”, nghĩa là trời giúp cho ta về văn chương): ấn vuông được đóng vào những bức “Linh Thứu cao phong, Trung nghĩa chi tắc”năm 1714, và bia chùa Thiên Mụ năm 1715, “Sắc tứ Quang Đức tự”, “Thế Tôn bảo điện”, bức ngự đề tại chùa Khánh Long, và cả trên văn bản bằng giấy.
- 9. Ấn “福 週 阮 王 之 印 (Phúc Chu Nguyễn vương chi ấn)“: chỉ xuất hiện 01 lần ở bức “Lai Viễn kiều” năm 1719.
Ấn “Phúc Chu Nguyễn vương chi ấn” (trên) và “Kỳ mệnh duy thiên” (dưới), ngay dưới ký tên “Quốc chủ Thiên Túng đạo nhân đề” ở bức “Lai Viễn kiều”
- 10.Ấn “其 命 惟 天 (Kỳ mệnh duy thiên)”: chỉ xuất hiện 01 lần ở bức “Lai Viễn kiều”.
- 11. Ấn “國 主 御 筆 之 寶 (Quốc chủ ngự bút chi bảo)“:
Trên bước đường tìm hiểu các bức ngự đề, tôi đã thấy ấn này xuất hiện 5 lần, 3 lần trên gỗ và 2 lần trên đá, theo thứ tự thời gian:
- Năm 1724: xuất hiện trên cái khánh thời Minh Vương có niên đại “Bảo Thái ngũ niên” được tìm thấy ở làng La Chữ. Và cái khánh này đã được R. Orband công bố năm 1915, trong đó ấn triện được vị “Son Exellence le Ministre de l’Instruction Publique” tức Thượng thư Bộ Học thời đó là ông Cao Xuân Dục đã đọc là “Quốc chủ ngự bút chi bửu“(25).
- Năm 1747: xuất hiện 3 lần trên 3 bức ngự đề bằng gỗ của Võ Vương là các bức “Sắc tứ Quang Đức tự”, “Thế tôn bảo điện” và “Sắc tứ Báo Quốc tự”.
- Năm 1748: xuất hiện bia “Sắc tứ… Liễu Quán hòa thượng” thời Võ Vương, niên đại “Cảnh Hưng cửu niên”. Nhiều độc giả thắc mắc tại sao ấn lại xuất hiện trên tấm bia do hòa thượng Thiện Kế viết (?), theo tôi là do Võ Vương sắc tứ hiệu của Tổ sư Liễu Quán và chỉ thị cho Hòa thượng Thiện Kế soạn văn bia nên cũng có thể xem là ngự thư của Võ Vương và được đóng dấu.
Ở bức hoành “Lai Viễn kiều” năm 1719 chưa xuất hiện ấn này, mà mãi đến bức khánh đá năm 1724 mới có, như vậy ấn “Quốc chủ ngự bút chi bảo” đã được làm trong khoảng từ năm 1720 đến 1724.
Ấn “Quốc chủ ngự bút chi bảo” trên các bức ngự đề bằng gỗ và trên bia Liễu Quán.
* ƯU ĐÀM KHAI HOA…
- 1. Năm 1744, ở Thuận Hóa có cây sung nở hoa, quần thần cho rằng đó là điềm lành trong phủ chúa, lại thêm có sấm truyền “Bát thế hoàn Trung đô”, nên khuyên chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương…
Sử ghi: “Giáp Tý, năm thứ 6 (1744)… Ngày Canh Tuất, đúc ấn quốc vương (Trước thì khi bổ dùng quan lại, chỉ dùng chữ “Thị phó”, dưới kiềm dấu “Thái phó Quốc công”, và dùng ấn “Tổng trấn Tướng quân”). Ngày Kỷ Mùi, chúa lên ngôi vua ở phủ chính Phú Xuân…”(26).
Theo sưu tập ảnh văn bản làng xã ở Thừa Thiên Huế thì hiện tại chỉ có tìm thấy duy nhất một văn bản có đóng dấu “國 王 之 印 (Quốc vương chi ấn)“(27).
Ấn “Quốc vương chi ấn”, sau khi chúa Nguyễn xưng vương năm 1744
- 2. Ấn “雲 漢 章 天 之 印 (Vân Hán chương thiên chi ấn)” (sao Vân Hán sáng rực trên trời), là ấn chính, hình vuông xuất hiện trên những bức ngự đề bằng gỗ thời Võ Vương, ví dụ như bức “Sắc tứ Khánh Long thiền tự”, và cả trên văn bản bằng giấy.
- 3. Ấn “天 至 尊 (Thiên chí tôn)” (Trời là bậc chí tôn), ấn kiềm được đóng vào những bức ngự đề thời Võ Vương, như bức “Sắc tứ Quang Đức tự”, “Thế Tôn bảo điện”, “Sắc tứ Báo Quốc tự”… và cả trên văn bản bằng giấy.
Ấn “Thiên chí tôn”.
- 4. Ấn “禧 去 協 文 之 章 (Hi khứ hiệp văn chi chương)” (Ấn về việc học những chuyện quá khứ và văn học): xuất hiện trên bức hoành của chùa Báo Quốc năm 1747.
Ấn dưới: “Hi khứ hiệp văn chi chương”, ấn trên chưa đọc được
- 5. Ấn có nghĩa “Chúa phương Nam”(28): xuất hiện trên bức hoành của chùa Báo Quốc năm 1747.
* CHO MUÔN ĐỜI SAU…
Tất cả các ấn triện kể trên, ngày nay hiện vật đều không còn, có lẽ đã bị thành chiến lợi phẩm của quân Trịnh khi chiếm được Thuận Hóa năm 1774…
Ngoại trừ chiếc ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”, là báu vật truyền quốc như đã kể… Đến “Năm Canh Thìn, Minh Mệnh năm thứ nhất, tháng 2, ngày tốt, Thánh tổ Nhân hoàng đế tự tay phong kín cất đi. Đến năm Đinh Dậu thứ 18, ngày 22 tháng chạp, lại mở xem một lần rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền cho ức muôn đời”(29). Cho đến hiện nay, ấn này được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam như một bảo vật quốc gia(30)…
Và qua việc tìm hiểu những chiếc ấn thời chúa Nguyễn, từ 2 chiếc ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”và “Quốc chủ ngự bút chi bảo”, ta thấy: Minh vương Nguyễn Phúc Chu, là “là người hiếu học, chữ tốt”(31), nên đã sáng tạo ra thêm mẫu chữ triện mới trên chiếc ấn truyền quốc của mình. Và những chiếc ấn của tiên vương để lại, Võ Vương vẫn tiếp tục dùng, đồng thời cũng chế tạo ra thêm nhiều ấn mới rất phong phú…
Huế, Phật đản 2014.
NAH
Ấn “Tào Động chính tông tam thập thế” (trên) và “Nguyễn Phúc Chu ấn”
*CHÚ THÍCH:
(1) Xem: Nguyễn Anh Huy. “Theo dấu các chúa Nguyễn qua những bức ngự đề”. Liễu Quán. Số 2. 2014.
(2) Xem: Võ Vinh Quang. “Lược khảo văn bản “An Nam quốc thư””. Nghiên cứu và Phát triển. Số 9. 2013.
(3) Nội dung chi tiết “Ngự sắc” này, có thể xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (Tổ phiên dịch Viện Sử học dịch). Đại Nam Thực Lục. Tập 1. Nhà xuất bản Giáo dục. 2004. Trang 116-117. Hoặc trong Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, mục “Trần Đình Ân”.
(4) Xem: R.Orband. “Le khanh de La-Chu”. Bulletin Des Amis du Vieux Hué. No 4, 1915. Và xem thêm: Trần Đình Sơn. “Khánh quý quốc tự Linh Mụ”. Liễu Quán. Số 2. 2014. Bài viết của Orband cho biết cái khánh được tìm thấy gần chùa La Chử, nhưng nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lại gán ghép cho cái khánh này là của chùa Thiên Mụ, và cách giải thích còn nhiều khiên cưỡng, chúng tôi sẽ góp ý vào một dịp khác.
(5) Xem: Liễu Quán. Số 2 (Chuyên đề Quốc tự Thiên Mụ). 2014.
(6) Xem: Liễu Quán. Số 1 (Chuyên đề Tổ sư Liễu Quán). 2014. Hòa thượng Thiện Kế, người soạn văn bia Tháp tổ Liễu Quán năm 1748 cũng chính là Đạo nhân Tử Vân Giai đã viết tấm bia ở “Sắc tứ Sơn Tùng tự” tại Quảng Điền năm 1755, vì trên cả 2 tấm bia này đều có đóng khuôn dấu có 4 chữ triện: “善 繼 之 印 (Thiện Kế chi ấn)“; ngoài ra, còn có một ấn kiềm khác có 2 chữ “道 階 (Đạo giai)” cũng đều xuất hiện trên cả 2 tấm bia này; và cả 2 đều ký là người Ôn Lăng, Trung Quốc.
(7) Tức cờ tiết của vua giao cho làm huy hiệu của quyền trấn thủ. Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Tập 1. Nhà xuất bản Giáo dục. 2002. Trang 28.
(8) Xem: Võ Vinh Quang. Bài đã dẫn.
(9) Quốc sử quán triều Nguyễn. Sách đã dẫn. Trang 29.
(10) Xem: Trần Viết Ngạc. “Về một công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng năm 1597″. Nghiên Cứu Huế. Tập 1. 1999. Hoặc xem thêm: Nguyễn Anh Huy. “Về tác giả bức thư gởi Nhật Bản năm 1601”. Xưa Và Nay. Số 445. Tháng 3 năm 2014.
(11) Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1977. Trang 67.
(12) Chữ của Lê Quý Đôn nói về Minh vương Nguyễn Phúc Chu.
(13) Tức Định vương Nguyễn Phúc Thuần: 1765 – 1775.
(14) Tức là Nguyễn vương Phúc Ánh, hoàng đế Gia Long: 1780 – 1819.
(15) Người đi theo vua.
(16) Mẹ và vợ con vua.
(17) Triệu bích: tích Lạn Tương Như nước Triệu đem ngọc bích sang Tần để đổi lấy 5 thành. Tần không đổi thành, Tương Như mà đem ngọc bích về.
(18) Quốc sử quán triều Nguyễn. Sách đã dẫn. Trang 124-125.
(19) Quốc sử quán triều Nguyễn. Sách đã dẫn. Trang 205-208.
(20) Chẳng hạn các trang web: http://www.shufazidian.com ; http://images.gg-art.com ; http://www.gg-art.com ;…
(21) Lê Quý Đôn. Vân Đài Loại Ngữ. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. 1995. Tập 2. Trang 34.
(22) Lê Nguyễn Lưu, Huỳnh Đình Kết. Ấn chương Việt Nam (Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX trong dân gian vùng Huế. Nhà xuất bản Thuận Hóa. 2011. Xem phụ bản ảnh màu giữa các trang 108-109.
(23) Quốc sử quán triều Nguyễn. Sách đã dẫn. Trang 124. Hình ảnh xem sách của Lê Nguyễn Lưu, Huỳnh Đình Kết, phụ bản giữa hai trang 108-109; sách này và sách Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX của tác giả Nguyễn Công Việt (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005) viết sai chữ “Thủ” trên khuôn dấu là “守”.
(24) Theo nhà nghiên cứu Lê Quốc Việt (Hà Nội) cho biết trên Facebook, thì trong nguyên bản “Hải ngoại kỷ sự”bằng chữ Hán của Thích Đại Sán, có bài tựa của Đại Việt quốc vương Nguyễn Phúc Chu, trên đó có đóng 3 dấu, ngoại trừ ấn “天 縱 道 人 (Thiên Túng đạo nhân)”, thì còn có thêm 2 ấn: “曹 洞 正 宗 三 十 世 (Tào Động chính tông tam thập thế)“, “阮 福 週 印 (Nguyễn Phúc Chu ấn)“, tôi chưa có duyên tiếp cận văn bản này, và xin đưa thêm hình ảnh để tham khảo.
(25) Ấn này, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, trong bài “Các văn bản chữ Hán tại khu tháp Tổ sư Liễu Quán”,Liễu Quán, Số 1, 2014, Trang 61, ở chú thích số 6, đã đọc nhầm thành “國 宗 御 筆 之 寶 (Quốc tông ngự bút chi bảo)”, nhưng cụm từ “quốc tông”, các sách Từ Nguyên đều không có !, và không rõ nghĩa ! Tra các loại Từ điển Thư pháp như đã kể, chữ “tông” thì chỉ gần giống chứ cũng không giống hoàn toàn, như vậy cũng không hẳn là chữ “tông” ! Do vậy, cách đọc “Quốc chủ ngự bút chi bảo” như vị Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục là hợp lý !
(26) Quốc sử quán triều Nguyễn. Sách đã dẫn. Trang 150.
(27) Xem phụ bản ảnh màu trong sách của Lê Nguyễn Lưu, Huỳnh Đình Kết đã dẫn, giữa các trang 108-109. Mặc dù niên đại văn bản này ghi là Cảnh Hưng, nhưng nội dung là tờ “Thị Phú Vang huyện…”, tức là văn bản ban hành của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Mặt khác, theo sách của tác giả Nguyễn Công Việt (đã dẫn) thì ở Đàng Ngoài, vua Lê thì dùng ấn “敕 命 之 寶 (Sắc mệnh chi bảo)“, còn các chúa Trịnh thì dùng ấn mang tước hiệu của mình như“Bình An vương tỷ, Thanh Đô vương tỷ, An Đô vương tỷ, Uy Nam vương tỷ, Tĩnh Đô vương tỷ…”, do vậy ấn “Quốc vương chi ấn” là của Chúa Nguyễn là điều chắc chắn, do vậy ấn “Quốc vương chi ấn” là của Chúa Nguyễn là điều chắc chắn, hơn nữa, trên văn bản này còn hiện diện cả các ấn kiềm khác của chúa Nguyễn như đã kể !
(28) J.-A. Laborde. “La pagode Bao-Quoc”. Bulletin Des Amis du Vieux Hué. No 3, 1917. Laborde dịch nghĩa các chữ trong cái ấn là “Le Seigner de la région du Sud”. Những chữ Hán này lờ mờ, tôi chưa đọc được, nhưng thấy có vẻ như là “天 南 尚 主 (Thiên Nam thượng chủ)” ? Rất mong các nhà nghiên cứu giúp đỡ !
(29) Quốc sử quán triều Nguyễn. Sách đã dẫn. Trang 125.
(30) Xem: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Kim ngọc bảo tỷ. Hà Nội. 2009.
(31) Chữ của Lê Quý Đôn viết về Nguyễn Phúc Chu.
BS NGUYỄN ANH HUY