Trong thư, anh bạn báo một tin sốt dẻo: Trong lúc san đất làm đường ở ngoài đồng, người dân đã đào được một bức tượng thần Visnu bằng đá cát. Xem mấy bức ảnh gửi kèm, anh Tuấn mừng rơn nhận định ngay bức tượng có niên đại từ thế kỷ III và lập tức lên đường. Trưa hôm sau, khi anh Tuấn cùng đoàn cán bộ của Bảo tàng tỉnh Trà Vinh xuống đến nơi thì bức tượng đã được người dân chuyển vào cung tiến cho một ngôi chùa ở gần đó. Vị sư cả trụ trì chùa ngay lập tức làm bệ, đặt bát nhang để các vị sư sãi và bà con địa phương vào chiêm bái. Khi đoàn cán bộ bảo tàng vào gặp vị sư cả đề nghị được đo đạc, khảo sát bức tượng, ngay lập tức... va đầu vào đá.
Vị này mặt hằm hằm trò chuyện nhát gừng và phải khó khăn lắm ông mới cho các cán bộ bảo tàng chụp ảnh, đo kích thước bức tượng với điều kiện để nguyên trên bệ. Tất nhiên, khi đoàn cán bộ ngỏ lời muốn đưa bức tượng về bảo tàng tỉnh để tiếp tục nghiên cứu, phục vụ công tác công bố và trưng bày thì lập tức bị xua đuổi… Gần một năm từ ngày được phát lộ, bức tượng thần Visnu vẫn đứng yên trên bệ trong ngôi chùa nhỏ đó, ngày càng tăng thêm vẻ huyền bí bởi khói hương u tịch, nhưng ngày càng mờ mịt tư cách của một tác phẩm nghệ thuật, một di sản văn hóa. Không thể trách được các vị sư sãi trong ngôi chùa nọ và đông đảo người dân mộ đạo. Chỉ biết buồn vì nghệ thuật, khảo cổ và đồ thờ tự không hòa hợp được với nhau!
***
Chị Loan de Fontbrune, nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật người Pháp gốc Việt, vừa từ Paris về TPHCM. Gặp nhau, chị tặng tôi một cuốn kỷ yếu triển lãm các di sản văn hóa Việt Nam đang được lưu giữ ở Pháp. Lạ một điều là tôi thấy trong đó in gần hai mươi bức tranh của các danh họa thời Mỹ thuật Đông Dương, ở phần tên người sở hữu đều ghi là chưa định danh. Ngồi cà kê chuyện nghề chuyện nghiệp với nhau nửa ngày trời, chị mới thú thật những bức tranh đó đều do chị sở hữu, nhưng để tránh những chuyện rầy rà không đáng có, chị đành dùng chiêu nhà sưu tầm chưa định danh.
Những chuyện trời ơi đất hỡi có thể gây phiền toái cho người sở hữu vật phẩm văn hóa, theo chị Loan là rất… Việt Nam. Tỷ như khi công bố mình đang sở hữu bức Thầy trò của Phan Thọ thì sau đó, ngoài việc gặp được những người tốt mách cho ở đây có thêm bức này, bức nọ của ông ấy, thêm những thông tin về cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ đó; thì sẽ phải nhận những chiêu trò như làm giá, giăng bẫy lừa, thậm chí là trộm cắp… của những nhà buôn thiếu thiện lương trong làng nghệ thuật.
La cà trong làng cổ ngoạn chục năm nay, tôi nhận thấy tâm lý phòng xa được rất nhiều người dân trong làng sử dụng. Hỏi thì ai cũng cười bảo “dân mình nó thế, cứ tránh đi cho lành”.
Làng cổ ngoạn TPHCM vừa có một chuyện xôn xao. Đó là một chiếc chóe 6 tấc xanh trắng đời Minh khi “chảy máu” ra nước ngoài hai năm trước chỉ có giá là 25.000 USD. Vừa rồi, một nhà buôn lặn lội sang tận Pháp để mua về lại Việt Nam với mức giá 125.000 USD và khi yên vị trong gia thất của một đại gia bất động sản ở TPHCM, giá tròn trịa là 250.000 USD.
Một thương lái cổ vật tiết lộ: “Nhiều dòng đồ cổ từ thị trường Việt Nam bán ra nước ngoài những năm trước, chẳng hạn đồ gốm sứ, một số dòng có thể mua lại đưa về bán cho người chơi trong nước với giá tốt hơn ở thị trường châu Âu…”. Thế nên đối với dân trong nghề, những chuyến đi Á, đi Âu săn lùng để mua lại chính những món mà thị trường cổ vật Việt Nam đã xuất đi từ vài năm trước, đang là một hướng làm ăn tốt.
Trao đổi với chúng tôi, các nhà buôn cổ vật đều thống nhất rằng, số cổ vật đang nằm trong các sưu tập tư nhân trên thực tế là một vốn khổng lồ và rất quý, cần phải biến đó là một tiềm năng văn hóa phục vụ lại xã hội, cần phải được giao lưu, mua bán công khai còn hơn là để thị trường cổ vật ngầm chi phối. Chợ đấu giá cổ vật có thể giúp nhà nước có điều kiện giám sát tốt hơn. Mặt khác, cũng giúp cho người sưu tầm tránh được rủi ro khi mua phải đồ giả cổ, tránh được những vụ lừa đảo. Chính phủ phải coi đây là kênh kêu gọi đầu tư, quảng bá văn hóa, thu hút khách du lịch nên hỗ trợ phát triển, giảm thuế… để người có tiền nhảy vào chơi cổ ngoạn.
Theo khảo sát năm 2013 của các chuyên gia tư vấn tài chính của hãng tư vấn Knight Frank, thị trường đầu tư say mê, thuật ngữ tiếng Anh là passion investment (trong đó có cổ vật) đã tăng trưởng 7% trong năm 2012. Nhưng anh Lý Bác Quang, một nhà đầu tư ở TPHCM, thì quả quyết, giá trị của những món đồ cổ tăng trung bình 15% mỗi năm.
![[Cổ vật tinh hoa: http://covattinhhoa.vn/]](/Images/Baiviet/2014/08/cvth2014080418580689-5c58-49cd-aae5-a8abee94ff48.JPG) |
Một góc không gian trưng bày cổ ngoạn tại City Star (số 13, đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM). Ảnh: Dũng Phương
|
![[Cổ vật tinh hoa: http://covattinhhoa.vn/]](/Images/Baiviet/2014/08/cvth2014080400caab92-62a5-4a19-bbd6-28ebdfffccea.JPG) |
*** |
Nhưng trái ngược với tâm lý phòng xa, làng cổ ngoạn lại có rất nhiều dân chơi “nổ văng miểng” vì “buôn bom”. Hôm trước tôi đang ngồi cà kê với anh Nguyễn Văn Sĩ, nhà sưu tầm và nghiên cứu đồ cổ, ở không gian trưng bày cổ ngoạn City Star (số 13, đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) thì có một ông già đến tìm gặp. Ông mang theo mấy tấm ảnh chụp mấy thanh kiếm đồng. Chưa để chúng tôi xem hết xấp ảnh, ông đã khoe ngay “toàn đồ Thương, Chu đấy. Hãng đấu giá Sotheby sắp mở văn phòng ở Việt Nam rồi. Lúc đấy mỗi thanh kiếm này chắc chắn phải 1 tỷ USD”. Chưa cầm tận tay cổ vật nhưng chỉ qua mấy bức ảnh, chúng tôi thấy rõ vết tiện gỗ ở đốc kiếm, cộng thêm với kiểu ăn nói một tấc lên trời của ông khách, anh Sĩ phì cười bảo: “Thế thì chú phải về một là xây hầm kiên cố mà cất mấy thanh kiếm, hai là gửi ngay vào két sắt của ngân hàng đi chứ không kẻ cắp nó lấy mất thì chết”.
Còn cách đây dăm bữa, đến nhà một ông buôn đá quý ở thành phố Hà Nội, tôi đóng vai con nai vàng ngơ ngác vì hâm mộ danh tiếng của ông mà lặn lội tìm đến học nghề. Nghe nở từng khúc ruột, ông mang cho tôi xem mấy cục đá rubi, saphire rồi vỗ ngực khoe “chỉ một viên độ một cân của tôi cũng xây được một cái nhà máy hạt nhân. Mà tôi thì có hàng tấn”. Mấy thứ đá mà ông cho tôi xem, đẹp thì làm được đồ trang sức, không thì xay thành bột mà rắc thành tranh, thế mà ông nổ tanh bành. Hãi thật!
Những chuyện cười ra nước mắt kể trên, suy cho cùng là do ở Việt Nam chưa có một thị trường cổ ngoạn thực sự. Chỉ nói ví dụ, nếu có một sàn đấu giá, người bán, người tổ chức bán đều phải đường đường chính chính công bố rõ ràng thông tin món đồ mà mình bán.
Anh Nguyễn Minh, nhà sưu tầm nghệ thuật - Giám đốc Công ty TNHH Minh Kim, người đã mua rất nhiều tranh từ các phiên bán đấu giá của các nhà đấu giá trên thế giới, cho biết: “Ngoài giá tranh, người mua còn phải trả tiền thuế cho chính quyền sở tại, nơi diễn ra đấu giá; trả thêm 15% - 30% giá bức tranh cho nhà đấu giá, 15% - 20% giá trị bức tranh phí bảo hiểm vận chuyển... Tốn kém hơn rất nhiều so với mình đi mua ở chợ trời, mua của những nhà sưu tầm tư nhân. Nhưng đắt xắt ra miếng, mình hoàn toàn yên tâm khi giao dịch ở sàn đấu giá danh tiếng”.
Người mua có giấy chứng nhận với tất cả uy tín, chất lượng của sàn đấu giá nên khi mang món đồ đi trưng bày, chuyển nhượng… đều rất dễ dàng. Khi ấy thì những người dùng chiêu trò u u minh minh để phủ màn sương huyễn hoặc lên cổ vật hòng trục lợi sẽ khó lòng tác oai tác quái. Và cuối cùng, khi thông tin cổ vật được minh bạch, được điều tiết theo đúng quy luật lành mạnh của thị trường sẽ góp phần thu hút được nhiều người dân tham gia sưu tầm, nghiên cứu, buôn bán đồ cổ. Lúc đó chắc chắn ý thức trân trọng và giữ gìn cổ vật, di sản văn hóa của người dân cũng dần nâng lên.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG