BannerHieude

Tin trong nước

Người lưu giữ dấu xưa thuần Việt
16/06/2014 06:43| 1415 Lượt xem| 1 Lượt yêu thích
Trong những ngày tháng sáu oi ả này, khi bóng dáng quân xâm lăng đã tiến vào bờ cõi, lòng yêu nước và ý chí quật cường của một dân tộc bao ngàn năm không chịu khuất phục lại bùng lên sẵn sàng đương đầu với ngoại xâm. Truyền thống ấy không phải ngẫu nhiên mà có. Nó đã được hun đúc hàng nghìn năm và để lại những dấu ấn vĩnh cửu.

[Cổ vật tinh hoa: http://covattinhhoa.vn/] Một số hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội.

Một số hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội.

Ở một góc nhỏ Hà Nội, công việc âm thầm bền bỉ của một nhóm các nhà mỹ thuật với người đứng đầu là nhà sưu tập Nguyễn Đình Sử vẫn diễn ra đều đặn thường ngày. Họ đang phân loại những cổ vật thuần Việt trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Đình Sử để trưng bày trong “Bảo tàng lịch sử văn hóa Hà Nội” tại số nhà 55 Bà Triệu. Bảo tàng dự kiến sẽ khai trương vào dịp 10.10 Giải phóng Thủ đô sắp tới.
 

Ông Nguyễn Đình Sử sinh năm 1947 trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Ông có bằng kỹ sư Chế tạo máy ở Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1970, làm việc tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo từ 1970 đến 1985. Ông thành lập công ty tư nhân BS năm 1985 làm về du lịch, siêu thị bán lẻ, đầu tư tài chính và bất động sản. Ông là một trong những doanh nhân tiêu biểu có những đóng góp đáng kể cho thành phố.

Ông Nguyễn Đình Sử là một nhà sưu tập độc lập không có chân trong bất kỳ một tổ chức, hội đoàn cổ vật nào cả. Ông có riêng niềm say mê sưu tập từ những năm 1970 khi còn trẻ tuổi. Một phần nhỏ trong bộ sưu tập khổng lồ của ông đã được chính ông và các cộng sự cho xuất bản thành hai cuốn sách. “Kho báu tiền cổ Đại Việt” (Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam 2006) và “Kho báu trống đồng cổ Đại Việt” (2 tập) (Nhà xuất bản Mỹ thuật 2010). Đó là những cuốn sách đầu tiên chứa đựng rất nhiều kiến thức trực tiếp quan trọng từ cổ vật Việt Nam ông tìm được cho đến lúc này. Để nắm trong tay những hiện vật quan trọng ấy, ông đã phải dành phần lớn tiền bạc mình có và rất nhiều thời gian học hỏi, nghiên cứu, tìm kiếm trong suốt hơn 40 năm qua.

Với Quyết định 1278/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép thành lập bảo tàng tư nhân đầu tiên của Hà Nội, ông Sử cùng các cộng sự gấp rút lập ra kế hoạch để Bảo tàng nhanh chóng được đưa vào hoạt động. Trải qua hơn ba năm làm việc cật lực với không ít khó khăn trong việc thiết kế và xây dựng nhà bảo tàng, không ít khó khăn trong việc đánh giá phân loại hiện vật và kỹ thuật bảo quản hiện vật bằng khoa học hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, khu trưng bày hiện vật đã dần hình thành với diện mạo mới mẻ chưa từng có ở nước ta.

Những cổ vật được trưng bày ở đây duy nhất chỉ có một xuất xứ chung trong cái nôi văn hóa của người Việt. Không có bất kỳ một hiện vật ngoại lai nào. Đó là điểm khác biệt đầu tiên mà kể cả những bảo tàng lớn của nhà nước cũng hình như chưa bao giờ đặt ra thành tiêu chí. Hiện vật được phân loại theo từng thời kỳ lịch sử, nhưng ở đây những người thực hiện không quá sa đà vào tính chất biên niên của sự kiện - một trong những lối mòn của công tác trưng bày từ trước đến nay. Nó làm người xem chẳng những không nắm được tiến trình lịch sử mà còn làm cho họ mất đi quyền lợi chính đáng là được thưởng thức vẻ đẹp của những món đồ quý giá.

Hiện vật được sưu tầm bắt đầu từ thời kỳ đồ đá với những chiếc rìu, con dao đá tạo tác sơ lược của người tiền sử. Được nhấn mạnh bằng khối lượng hiện vật gốm khổng lồ đầy thẩm mỹ của văn hóa Phùng Nguyên hậu kỳ đồ đá mới. Những chiếc bình, lọ gốm, bếp đun ra đời hoàn toàn bằng bàn tay trực tiếp của người Việt hơn 1.000 năm trước Công nguyên.

Sau đó là bộ sưu tập đồ đồng vào khoảng 1.000 năm trước và sau Công nguyên. Những bộ binh khí đúc bằng đồng có hình hoa văn trang trí tiêu biểu và lần đầu tiên trong lịch sử hình tượng con người được đưa vào vào đồ vật qua các nét đúc nổi và tượng tròn. Những thạp đồng và trống đồng Đông Sơn với hoa văn đúc nổi là một minh chứng hết sức sống động cho một nền văn minh lúa nước đã có mặt ở Việt Nam từ trước Công nguyên ít nhất năm trăm năm có lẻ. Các hình vẽ trang trí mô tả một xã hội bộ tộc có quy củ, tổ chức với sinh hoạt hội hè và chăn nuôi trồng trọt. Những chiến binh trong hàng ngũ hùng mạnh tay cầm binh khí trong một cuộc diễu binh phô trương sức mạnh bảo vệ chủ quyền cương thổ. Những chiến thuyền với đội quân giáp sĩ hiên ngang trên biển được mô tả như một mặc định về sức mạnh vươn ra biển xa của người Việt. Tất cả những hiện vật và hình vẽ có mặt trong bộ sưu tập này là duy nhất chỉ có ở Việt Nam mà chưa tìm được ở nơi nào khác.

Bảo tàng còn có hàng loạt hiện vật của các triều đại rực rỡ trong lịch sử Việt. Từ đồ gốm men ngọc đời Lý, đồ gốm men nâu đời Trần. Gốm vẽ lam đời Lê cho đến gốm xanh tím đặc sắc nhà Mạc và gốm Bát Tràng đời Nguyễn mộc mạc lắng đọng hồn quê.

Bộ sưu tập tiền tệ cũng được trưng bày trải dài theo tiến trình lịch sử từ khi nước Đại Việt hình thành như một nhà nước độc lập.

Khối lượng hiện vật trưng bày khổng lồ ấy đang đến giai đoạn chuẩn bị hoàn tất. Tiếc thay, ông Nguyễn Đình Sử đột ngột từ trần vào ngày 8.6.2014, bỏ lại hoài bão suốt một cuộc đời mê say tìm kiếm chỉ với mong muốn được trưng bày tất cả cho nhân dân thủ đô và bạn bè quốc tế chiêm ngưỡng. Mong muốn ấy của ông “là niềm tự hào và cũng như một trách nhiệm của công dân thủ đô”, ông thường tâm sự như vậy lúc sinh thời!

ĐỖ PHẤN

Cổ vật tinh hoa ( Nguồn: Báo điện tử Lao Động)

người thích

Bài viết mới cập nhật

Cố vật ở nước ngoài

Cặp đĩa thời Tây Sơn

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €4.508

Cái tiềm trang trí Long hý thủy

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €4.894

Đôi bình bát tràng

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €2.061

Vò gốm Gò Mun.

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €322

Cốc gốm Gò Mun

Ngày: 24/03/2017

Giá thành công: €283