Hầu hết những cổ vật, đồ thờ quý được cho là cả trăm năm tuổi, có giá trị lịch sử ở đây đã bị kẻ gian khoắng sạch. Hiện, người dân địa phương đang rất hoang mang và bức xúc trước hiện trạng này.
|
Nơi chiếc đỉnh và bốn bát hương cổ bị kẻ trộm nẫng mất. |
Cổ vật lần lượt... "bay" khỏi miếu
Trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra 4 vụ trộm tại chùa và miếu Đa Sỹ khiến nhiều người phải giật mình và đặt câu hỏi. Những đồ thờ có giá trị như lư hương, đỉnh thờ, sập gụ... nặng vô cùng, sao không cánh mà "bay" khỏi miếu, chùa.
Cụ từ đã trông miếu Đa Sỹ hơn 10 năm kể lại: "Vào ngày 30/11/2013, thường lệ thì cứ khoảng 2h30 tôi dậy đi vệ sinh rồi kiểm tra miếu một vòng, nhưng không hiểu sao đêm đó mãi lúc gần sáng, khoảng 5h tôi mới dậy. Sau khi đi vệ sinh vào, tôi mới tá hỏa vì thấy cửa phòng nhà khách của miếu bị mở toang. Kiểm tra thì phát hiện chiếc đỉnh thờ và bốn bát hương cổ đã bị đánh cắp. Đến ngày 27/1/2014, miếu bị mất tiếp sập gụ được đặt tại nhà lưu niệm. Khoảng 2-3h sáng hôm đó, người dân quanh miếu có nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng ô tô đi vào làng rồi đỗ cạnh miếu nhưng vì đã khuya và nghĩ đó là công việc của miếu nên cũng không ai để ý. "Gần sáng, tôi lại phát hiện sập gụ bị mất. Mới đây, hôm 2/2 (tức mồng 3 tết âm lịch), miếu lại mất tiếp một chiếc đỉnh thờ cổ nữa tại nhà vuông".
Đó là 3 vụ trộm liên tiếp tại miếu Đa Sỹ, còn tại chùa Đa Sỹ, rạng sáng ngày 6/2 vừa qua, ngôi chùa này bị mất lư hương. Được biết, trước đó nhiều năm, các đồ thờ cúng tại miếu, chùa tại địa phương này cũng thường xuyên xảy ra tình trạng không cánh mà bay. Mặc dù người dân có trình báo lên các cơ quan chức năng, nhưng đã nhiều năm trôi qua những cổ vật đó vẫn bặt vô âm tín. Hiện người dân làng Đa Sỹ đang rất bức xúc trước tình trạng này. Nhiều người gay gắt nói rằng, để xảy ra sự việc ngày hôm nay, nguyên nhân là do chính quyền và cơ quan chức năng quá lơ là trong việc bảo vệ di tích và tìm ra thủ phạm trộm cắp đồ.
Một người dân làng Đa Sỹ (xin được giấu tên) bức xúc nói: "Mất trộm đồ tại miếu, chùa ở đây xảy ra như cơm bữa. Chính quyền và cơ quan chức năng biết cả nhưng chẳng hiểu sao các đối tượng trộm cắp vẫn ngang nhiên hoạt động liên tục và cho đến nay, mặc dù có nhiều vụ trộm xảy ra nhưng vẫn chưa tìm ra thủ phạm của bất kỳ một vụ trộm nào. Có lẽ do tâm lý "cha chung không ai khóc" nên người dân chúng tôi đành phải chịu thiệt thòi.
Các cụ khẳng định cổ vật, chính quyền nói đồ mới (?!)
Chúng tôi tìm về làng Đa Sỹ - ngôi làng không chỉ nổi tiếng bởi có nhiều người học giỏi, đỗ cao, mà còn là nơi có nghề rèn truyền thống. Dù đã nhiều đổi thay nhưng Đa Sỹ vẫn giữ được đầy đủ thiết chế của một làng Việt cổ gồm đình, chùa, đền, miếu với đủ các nghi thức của lễ hội văn hóa dân gian. Theo lời người dân trong vùng, đất Đa Sỹ là đất tứ linh, có hình dáng một con rồng ngậm ngọc nên quanh năm mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn rất thịnh đạt.
Nằm ven sông Nhuệ, miếu và chùa Đa Sỹ là quần thể di tích lịch sử đã được sếp hạng. Đây là nơi thờ tự, sinh hoạt tâm linh của bao thế hệ người dân trong vùng. Chính vì là vùng đất linh thiêng nên việc thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp cổ vật, đồ thờ, khiến người dân bức xúc, khó hiểu.
Khi được hỏi về giá trị những đồ vật bị mất, cụ từ trông nom miếu Đa Sỹ nói: "Chỉ có sập gụ người dân công đức là đồ mới nhưng giá trị cũng hàng tỷ bạc, còn đỉnh thờ và lư hương đã bị mất đều là đồ cổ, có lẽ niên đại phải hàng trăm năm. Từ nhỏ tôi đã thấy những cổ vật này được bày thờ trang trọng ở miếu. Chúng tôi không định giá được những cổ vật này, bởi nó mang giá trị tâm linh, nó là vô giá".
Cụ Nâu (75 tuổi, người làng Đa Sỹ) cho biết: "Lư hương và đỉnh thờ tại miếu, chùa có từ bao giờ tôi không rõ. Chỉ biết, khi tôi lớn lên đã thấy có rồi. Cha mẹ tôi kể lại rằng, cổ vật đó được cha mẹ nhìn thấy từ ngày còn rất nhỏ. Và, người dân trong làng ai cũng coi đây là những báu vật linh thiêng. Những cổ vật này không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn là những hiện vật quen thuộc gắn bó lâu đời, mang giá trị tâm linh với người dân làng chúng tôi".
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Trịnh Văn Bình, Trưởng ban di tích phường Kiến Hưng cho biết: "Lư hương bị mất là đồ cổ, bát hương lớn nhất có kích thước rộng 30cm, dài khoảng 35cm, còn những bát hương còn lại kích thước khoảng 20x20cm. Riêng chiếc đỉnh thờ mất ngày 30/11 thì chưa xác định được có phải cổ vật hay không, nhưng theo lời các cụ trong làng thì đây là vật có từ thời nhà Nguyễn".
Tuy nhiên, khẳng định với chúng tôi về giá trị những đồ cổ bị trộm cắp tại miếu, chùa Đa Sỹ, ông Đặng Trần Đức, Phó chủ tịch phường Kiến Hưng lại cho rằng, tất cả các đồ bị đánh cắp chỉ là đồ mới, không phải là đồ cổ(?). "Đồ bị đánh cắp tại chùa, miếu, đình đó không phải là cổ vật, tất cả đều là đồ mới, giá trị của nó cũng không cao. Đây chỉ là những đồ bình thường, xảy ra ở nhà khách của miếu chứ không phải trong hậu cung của miếu. Trước tết nguyên đán, chúng tôi đã họp và đưa ra thông báo gửi tới tất cả người dân trên địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự trong phường. Chúng tôi cũng cắt cử người trông nom, bảo vệ các khu di tích lịch sử. Nhưng, bảo vệ có lẽ chỉ bảo vệ được kẻ ngay chứ không bảo vệ được kẻ gian", ông Đức nói.
Thái độ khó hiểu của đại diện công an sở tại
Sáng ngày 6/2, sau khi nhận được tin báo của người dân gọi đến đường dây nóng của báo, PV báo Đời sống và pháp luật có mặt tại đình Đa Sỹ để tìm hiểu thông tin về những cổ vật bị mất đêm hôm trước. Khi đến đình, chúng tôi được cụ từ tại đây mời vào phòng khách trò chuyện, khi đó bên trong đã có 2 người đàn ông đang ngồi.
Cụ từ giới thiệu với chúng tôi đây là các đồng chí công an bên phường Kiến Hưng và quận Hà Đông đến lấy thông tin để điều tra. Khi chúng tôi đang đặt câu hỏi với cụ từ và giơ máy ảnh lên chụp vị trí đặt lư hương đã bị mất, thì bị người đàn ông được giới thiệu là công an phường Kiến Hưng ngăn cản không cho chúng tôi chụp ảnh và yêu cầu cụ từ khóa ngay cửa phòng đồ vật bị mất. Sau đó, người đàn ông này đề nghị chúng tôi xuất trình giấy tờ rồi mời chúng tôi lên UBND phường làm việc, không làm việc theo kiểu quy trình ngược (?!). Khi PV xin tên và số điện thoại liên lạc thì người đàn ông này từ chối và nói: "Các chị cứ lên làm việc đúng trình tự...".
Nhiều người dân làng Đa Sỹ khẳng định rằng, miếu Đa Sỹ trước đây còn có cả hệ thống tượng Phật và tượng Thánh cổ. Nhưng cách đây vài năm, kẻ trộm đã cả gan vào nẫng đi hơn 10 pho tượng quý này. Điều đáng nói là cơ quan chức năng của phường Kiến Hưng và công an quận Hà Đông vào cuộc đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa điều tra được chút manh mối nào. Sau khi xảy ra nhiều vụ mất cắp, công tác đảm bảo an ninh, bảo vệ những cổ vật còn lại trong đền, chùa vẫn không có gì thay đổi. Cụ từ hơn 80 tuổi này vẫn một mình trông coi đình hằng đêm. "Chỉ một mình tôi trông coi đình, nếu chúng có vào đánh chết tôi để lấy cắp cổ vật thì cũng phải chịu chứ chẳng biết làm thế nào", cụ từ phân trần với PV.
Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã tìm đến công an phường Kiến Hưng. Tiếp PV trong hơi men rượu vào lúc 14h30 ngày 6/2, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng công an phường Kiến Hưng cho biết: "Hiện vụ việc đã được công an phường trình báo với cấp trên và đang trong quá trình điều tra, chưa thể cung cấp thêm thông tin gì".
Trách nhiệm của chúng tôi, nhưng ý thức là của người dân
"Theo kế hoạch của công an quận, công an phường đã cho kiểm tra và thắt chặt an ninh, trật tự tại địa phương. Chúng tôi đã tổ chức nhiều đội tuần tra, mật phục thường xuyên kiểm tra các di tích. Sau khi nhận được tin mất trộm đồ, chúng tôi đã báo cáo ngay lên cơ quan cấp trên để điều tra. Tuy nhiên, các vụ mất trộm xảy ra vào những ngày giáp tết và trong Tết Nguyên đán nên chúng tôi rất khó gặp nhân chứng. Hiện chúng tôi đang rất đau đầu vì phải giải quyết hàng ngàn đơn khiếu kiện. Có quá nhiều việc, thậm chí ngay bản thân tôi phải hơn 3 tháng trời không về nhà. Chúng tôi không đổ lỗi cho ai, trách nhiệm của chúng tôi nhưng ý thức là của người dân", ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng công an phường Kiến Hưng nói.
Ong Lý - Mai Hằng