Chữ Nôm ra đời bắt nguồn từ tư tưởng chống Hán hóa, là ý thức phản vệ của dân tộc trước những gì có tính ngoại lai. Từ thế kỷ X cho đến đầu thế kỷ XX, những tác phẩm Nôm đã xuất hiện khá phong phúvà trên nhiều lĩnh vực như: văn học, triết học, sử học, y khoa, tôn giáo, pháp luật… Điều đó, đã chứng tỏ được tính hữu dụng của hệ ngữ này so với chữ Hán. Sự thịnh đạt của chữ Nôm được ghi dấu lần đầu tiên vào thời Hồ (1400 - 1407). Sau này, dưới triều đại Tây Sơn, do sự hậu thuẫn của chính quyền vua Quang Trung chữ Nôm lại một lần nữa khẳng định được vị thế của mình, toàn bộ các văn bản hành chính buộc phải viết bằng chữ Nôm trong suốt 24 năm (từ 1788 đến1802). Hơn nữa, triều đình còn ra lệnh cho các chánh chủ khảo các kỳ thi phải ra đề bằng chữ Nôm.
Nhờ chính sách ấy mà hàng loạt tác phẩm nghệ thuật như tranh, câu đối, châm thư, đồ gốm sứ có thơ, văn dưới triều Tây Sơn đã dùng chữ Nôm đề vịnh. Sau này, triều Nguyễn cũng bị ảnh hưởng nhiều trong việc sử dụng chữ Nôm trên các sản phẩm dành cho vua chúa, quan lại. Điển hình nhất có thể kể đến đồ sứ kí kiểu đặt làm tại Trung Hoa trong khoảng thời gian từ nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX mà bây giờ người ta vẫn quen gọi với hai danh từ bleus de Hué (tiếng Pháp) và đồ sứ men lam Huế (tiếng Việt). Theo thống kê của các nhà nghiên cứu đi trước thì có gần 200 tác phẩm thơ văn chữ Hán và chữ Nôm xuất hiện trên những đồ sứ do người Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn. Riêng người viết tìm hiểu thì thấy trong gần 200 tác phẩm đó có 11 tác phẩm viết bằng chữ Nôm và người viết cũng xin được giới thiệu các tác phẩm này.
Tác phẩm 1: là bài thơ “思容勝景” (Tư Dung thắng cảnh) được đề dưới đáy chiếc đĩa trà men trắng vẽ lam; lòng đĩa vẽ cảnh cửa biển Tư Dung. Tư Dung là cửa biển, cách Huế khoảng 40 km về phía nam, thời Lý gọi là Ô Long, thời Trần đổi thành Tư Dung, thời Mạc đổi thành Tư Khách do kiêng tên của Mạc Đăng Dung. Đến đời Lê Trung hưng lại gọi theo tên cũ là Tư Dung. Dưới triều Thiệu Trị, do kiêng húy tên vua nên đổi thành Tư Hiền. Dân gian thường gọi là cửa Ông hay cửa Biện. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì đĩa trà này được ký kiểu dưới triều chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), nay nằm trong bộ sưu tập của ông. Nội dung bài thơ này như sau:
Một bầu riêng rẽ thú yên hà
Nghi ngút hương bay cửa Ðại La
Ngày vắng rảnh rang chuông Bát Nhã
Đêm khuya dắng dỏi kệ Di Ðà
Nhặt khoan đàn suối ban mưa tạnh
Eo óc cầm ve thuở ác tà
Mựa rằng đạo xa hòa nhọc kiếm
Bồ Đề kết quả ở lòng ta
Tư Dung thắng cảnh. Chính ngoạn
Đây là một đoạn trích trong Tư Dung vãn của Đào Duy Từ (1572 - 1634), Tư Dung vãn gồm 332 câu thơ Nôm, mô tả quang cảnh, trình bày quan điểm của ông đối với xã hội qua hình ảnh bốn hạng người là ngư, tiều, canh, mục. Tuy nhiên, so với bản Tư Dung thắng cảnh đề dưới đáy chiếc đĩa trà trên thì Tư Dung vãncủa Đào Duy Từ có một vài điểm khác biệt. Trong sách Lịch sử Đào Duy Từ (của Bùi Văn Lang và Tô Văn Cần, in năm 1937) và trong sách Đào Duy Từ khảo biện (của Lộc Xuyên Đặng Quý Dịch, in năm 1998), đoạn trích trên như sau:
Một bầu chi cũng thú yên hà,
Nghi ngút hương bay cửa Thái La
Ngày vắng vang reo chuông Bát Nhã,
Đêm thanh dóng dỏi kệ Di Đà.
Nhặt khoan đàn suối ban mưa tạnh,
Réo rắt ca chim thuở bóng tà
Há đạo đâu xa mà nhọc kiếm,
Bồ Đề kết quả ở lòng ta”
Tác phẩm 2: là bài thơ viết dưới đáy chiếc đĩa trà men trắng vẽ lam; lòng đĩa vẽ cảnh chùa Thái Bình trên núi Tam Thai. Tam Thai còn có tên Thủy Sơn, là một trong năm hòn núi thuộc Ngũ Hành Sơn ở trấn Quảng Nam xưa (nay thuộc Đà Nẵng), dân địa phương thường gọi là núi Non Nước. Chiếc đĩa này cũng do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu, nay thuộc sưu tập của ông Trần Đình Sơn (TP HCM). Toàn văn bài thơ gồm 20 chữ, viết thành 4 dòng. Nội dung như sau
Về cách đọc bài thơ này, hiện tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Ông Trần Đình Sơn, chủ nhân chiếc đĩa trên, đọc bài thơ theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt: “Tạo hóa khéo đúc hình. Non nước song thanh ai. Đượm đỉnh ngao dữ đáy. Ngạc một thức xanh xanh”.
Tuy đọc như vậy nhưng ông Trần Đình Sơn vẫn không hài lòng, nên đã gửi bài thơ này đến một vài nhà nghiên cứu Hán Nôm khác để tham khảo cách đọc. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, một trong những người được tham khảo ý kiến, đã đưa ra hai cách đọc sau:
- Đọc theo lối ngũ ngôn: “Tạo hóa khéo đúc hình. Hình non nước song thanh. Ai đạm đỉnh ngao dữ. Đáy ngạc một thức xanh”.
- Đọc theo lối thất ngôn: “Xanh xanh tạo hóa khéo đúc hình. Khéo đúc hình non nước song thanh. Non nước song thanh ai đạm đỉnh. Ngao cùng đáy ngạc một thức xanh”.
Sau khi ông Trần Đình Sơn công bố hai cách đọc của GS Nguyễn Tài Cẩn trên Tạp chí Xưa & nay (Số 214, tháng 6/2004), nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm đã đưa ra nhiều cách đọc khác nhau:
- Tác giả An Chi, người giữ mục Chuyện Đông chuyện Tây trên Tạp chí Kiến thức ngày nay, đọc là: “Tạo hóa khéo đúc hình. Non Nước sông thanh ấy. Dằm đính nhào giữa đáy. Ngát một thức xanh xanh”.
- Tác giả Chú Nhỏ (Lái Thiêu) trong bài Thêm cách đọc bài văn chiếc đĩa sứ cổ - văn vật Phú Xuân, in trên tạp chí Xưa & nay (Số 218, tháng 8/2004), cho rằng đây là một bài văn, không phải là bài thơ tứ tuyệt, nên đọc là: “Tạo hóa khéo đúc hình. Non Nước song thanh. Ai đạm đỉnh ngao dữ đáy ngạc. Một thức xanh xanh”.
- Tác giả Ngô Đăng Lợi trong bài Góp thêm cách đọc lời đề từ bức họa Tam Thai đồ, cũng in trên Tạp chí Xưa & nay (Số 222, tháng 10/2004), cho rằng mấy chục chữ Nôm ở đáy đĩa kia chỉ là lời đề từ cho bức tranh vẽ trong lòng đĩa, không phải là một bài thơ ngũ ngôn như nhiều người từng nghĩ, nên đọc là: “Tạo hóa khéo đúc hình Non Nước. Song thanh ai dạm? Đỉnh ngao dữ (cùng) đáy ngạc. Một thức xanh xanh”.
- Tác giả Cao Tự Thanh, trong bài Về bài thơ trên đĩa Tam Thai đồ, cho rằng có vài chữ trong bài thơ này đã bị viết nhầm, như: chữ cộng (共) viết nhầm thành chữ dữ (與); chữ thỉnh (請) viết nhầm thành chữ thanh (清) và xuất phát từ lối phát âm của phương ngữ Nam, nên đã đề nghị một cách đọc khác cho bài thơ trên theo lối ‘thủ vĩ liên châu’: “Tạo hóa khéo đúc hình. Đúc hình Non Nước xong. Xong thỉnh ai dặm đỉnh. Ai dặm đỉnh ngao cùng. Đỉnh ngao cùng đáy ngạc. Ngạc một thức xanh xanh”.
Tuy nhiên, theo ý kiến riêng của người viết thì bức họa trên chiếc đĩa có hai cảnh chính: núi non sóng đôi hai bên và sông nước có sự phản chiếu trên dưới. Vì thế, bài này người viết xin được đọc là:
Cách 1:
Tạo hóa khéo đúc hình
Ai thanh rong nước non
Để cùng ngao đỉnh dặm
Ngạc một thức xanh xanh
Tam Thai đồ. Thanh ngoạn
Cách 2:
Tạo hóa khéo đúc hình
Non nước rong thanh ai
Dặm đỉnh ngao giữ để
Ngạc một thức xanh xanh
Tam Thai đồ. Thanh ngoạn
Tác phẩm 3: Được viết trên những chiếc đĩa trà vẽ phong cảnh - nhân vật, hiệu đề của những chiếc này phong phú như: Thành Hóa niên chế (成化年制), Như tùng chi mậu (如松之茂). Hiện nay người viết cũng có một chiếc hiệu đề Gia Lạc 嘉樂. Chiếc đĩa này được xác định là đồ sứ kí kiểu của các chúa Nguyễn ở Đàng Ngoài vào khoảng thế kỷ XVIII. Toàn văn bài thơ gồm 28 chữ, viết thành 4 dòng. Nội dung như sau:
Một cụm lâu đài tốt mẽ tiên
Khác con mắt tục vưỡn ưa nhìn
No nao tay phím dây cầm sắt
Kẻo nhọc thung thăng sứ điệp truyền.
Tác phẩm 4: Viết trên chiếc tô vẽ phong cảnh sơn thủy, chủ đề Vịnh tiều phu, hiệu đề Canh Ngọ niên chế (庚午年製), ký kiểu năm 1810, dưới triều vua Gia Long. Chiếc tô có bài thơ này do ông Trần Đình Sơn sưu tầm. Bài thơ gồm 56 chữ, viết thành 8 dòng và lạc khoản gồm 9 chữ, viết thành 2 dòng. Nội dung như sau:
Nguồn thẳm đò giục suốt chẳng sang
Bao nả đem mình ẩn núi Thang (Thương)
Lưng vận búa trăng chơi đủng đỉnh
Chân chà ngàn tuyết bước xênh xang
Tấc tài dài vắn, tay thu thập
Một gánh giang sơn, sức đảm đang
Dù những mai ngơi vào thạch thất
Dành dành bắt chước thói chàng Vương.
Quý hạ vọng hậu đề ở Thúy Liên đường
Tác phẩm 5: bài thơ ghi trên những chiếc tô vẽ phong cảnh sơn thủy nhân vật, hiệu đề chữ Nhật (日) và Ngoạn ngọc (玩玉), ký kiểu dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1841). Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế hiện lưu giữ 288 chiếc tô có ghi bài thơ này. Toàn bài gồm 42 chữ, viết thành 6 dòng. Nội dung như sau:
Một thức nước in trời
Ðò ai chiếc lá khơi
Non xanh xem vòi vọi
Dòng biếc thấy vơi vơi
Vẳng khúc Thương Lang gẩy
Ưa tình lữ khách chơi.
Mong trừ yên sóng gió
Qua lại mặc người đời.
Cẩn bái !
Ông Trần Đình Sơn còn có chiếc đĩa trà vẽ phong cảnh sơn thủy, hiệu đề Thư đới lưu hương (書帶留香), cũng ghi bài thơ này nhưng chỉ gồm 14 chữ viết thành 3 dòng theo thể thức: 5 chữ - 5 chữ - 4 chữ.
Một thức nước in trời.
Đò ai chiếc lá khơi. Non xanh xem vòi.
Đại phủ
Tác phẩm 6: là bài thơ viết trên những chiếc tô vẽ tích Bá Nha - Tử Kỳ, ký kiểu nửa đầu thế kỷ XIX, hiệu chữ Nhật (日) và Ngoạn ngọc (玩玉). Hiện người viết cũng đang lưu giữ một tô hiệu chữ Nhật. Toàn bài thơ gồm 20 chữ, ghi thành 4 dòng. Nội dung bài thơ như sau:
Hai gã bạn tri âm
Vui thay một khúc cầm
Non cao cùng nước biếc
Rằng để ít ai ngâm
Đại phủ
Tác phẩm 7: là hai câu thơ xuất hiện trên những chiếc tô hay đĩa trà vẽ tích mai hạc, hiệu đề Ngoạn ngọc (玩玉) hay Kim tiên kỳ ngoạn (金仙期玩), ký kiểu vào đầu thế kỷ XIX. Hiện nay người viết cũng lưu giữ được hai đĩa trà hiệu Ngoạn ngọc đề hai cầu thơ trên.
Nghêu ngao vui thú yên hà.
Mai là bạn cũ hạc là người quen
Hai câu thơ này tương truyền do đại thi hào Nguyễn Du sáng tác và đặt kí kiểu trên những sản phẩm gốm sứ khi ông đi sứ Trung Quốc.
Tác phẩm 8: là hai câu thơ viết trên những chiếc đĩa trà men rạn, vẽ phong cảnh - nhân vật, hiệu đềTrân ngoạn (珍玩), ký kiểu vào thời Tây Sơn. Những chiếc đĩa có các câu thơ này hiện có trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh (do học giả Vương Hồng Sển hiến tặng). Toàn văn gồm 12 chữ, viết thành 4 dòng. Nội dung như sau:
Mó rận luận chơi thời sự
Ngã lừa mừng thuở thái bình .
Hai câu thơ trên đề cập hai điển tích trong lịch sử Trung Hoa. Câu đầu nhắc tích Vương Mãnh, người đời Tấn, là người học rộng hiểu nhiều nhưng chán cảnh đời loạn lạc nên bỏ vào núi Hoa Âm ở ẩn. Hoàn Ôn nghe danh, tìm gặp Vương Mãnh để bàn luận mưu sách đánh Tần. Trong khi bàn chuyện đại sự, Vương Mãnh vẫn không dừng tay mò bắt rận. Câu thứ hai nhắc tích Trần Đoàn, hiệu là Hi Di, tu tiên ở Hoa Sơn đã đắc đạo nên biết được chuyện quá khứ, tương lai. Một hôm, Trần Đoàn cưỡi lừa đi trên đường, thấy một người đàn bà gánh hai đứa con chạy loạn. Trần Đoàn nhìn tướng mạo hai đứa bé rồi xuống lừa kính cẩn vái chào chúng và hô lớn: “Thái bình thiên tứ! Thái bình thiên tử!”. Hai đứa bé đó là Triệu Khuông Dẫn và Triệu Quang Nghĩa, về sau chính là hai vua Thái Tổ và Thái Tông nhà Đại Tống (960 - 1278).
Tác phẩm 9: là hai câu thơ viết trên những chiếc đĩa trà men rạn và một chiếc nai đựng rượu, vẽ phong cảnh - nhân vật, hiệu đề Trân ngoạn (珍玩 ), ký kiểu vào thời Tây Sơn. Những chiếc đĩa này hiện có trong sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (do học giả Vương Hồng Sển hiến tặng). Toàn văngồm 15 chữ, viết thành 4 dòng. Nội dung như sau:
Vắt chân nằm ệch ngáy o o.
Ngẫm xem chẳng khác Đường Ngu thói thuần.
Hai câu thơ này nhắc tích Đào Tiềm, người nước Tấn, do chán cảnh quan trường nên lui về ở ẩn, làm nhà ở dưới tán của năm cây liễu, nên còn có biệt danh là Ngũ liễu tiên sinh. Đào Tiềm thường kê giường nằm ngủ cạnh cửa sổ để hóng gió mát và tự cho mình là người của thời Đường Nghiêu - Ngu Thuấn, là thời kỳ thái bình thịnh trị trong huyền sử Trung Hoa thời cổ đại.
Tác phẩm 10: là bài thơ viết trên chiếc tô vẽ phong cảnh sơn thủy, chủ đề Vịnh ngư phủ, hiệu đề Canh Ngọ niên chế (庚午年製), ký kiểu năm 1810, dưới triều vua Gia Long. Chiếc tô có bài thơ này do ông Trần Đình Sơn sưu tầm. Toàn bài gồm 56 chữ, nhưng đã bị vỡ một mảnh làm mất 2 chữ, viết thành 8 dòng và lạc khoản chỉ có 8 chữ, cũng do bị vỡ mất một mảnh, viết thành 2 dòng. Nội dung như sau:
Thênh thênh một lá nổi dòng La
Khơi lộng năm hồ mặc thích ta
Ngợi khúc Thương Lang vang nhịp bảy
Ra tay thủ đoạn tóm giềng ba
Sóng đào mảng tưởng nguồn cơn cũ
Ngày bạc nào hay tuổi tác già
Chớ sợ chìm trôi, vui chí Thuấn
… bốn biển lấy làm nhà
… hạ vọng hậu đề ở Thúy Liên đường
Tác phẩm 11: là bài thơ viết trên chiếc đĩa trà vẽ cảnh vua Vũ trị thuỷ và rùa thiêng cõng Lạc Thư ngoi lên, hiệu đề Ngự y chính kí (御醫正記), ký kiểu dưới triều vua Minh Mạng. Chiếc đĩa trà có bài thơ này do ông Lâm Du Xênh (Quảng Ngãi) sưu tầm. Toàn bài gồm 40 chữ, viết thành 5 dòng và lạc khoản chỉ có 2 chữ. Nội dung như sau:
Nước miền sông Lạc trong
Điềm ứng rùa linh lạ
Phân máy nhiệm âm dương
Rõ cơ màu tạo hoá
Da ngời vẩy gấm phô
Vây ánh đồ sao họa
Vũ trị nước nên công
Rày xuống cho phép cả
Nguyệt Tùng.
Trên đây là 11 tác phẩm Nôm tiêu biểu nhất được kí kiểu trên đồ sứ men lam Huế, nhưng đó cũng là 11tác phẩm mang nét đặc trưng riêng của người Việt để chúng ta nghiên cứu chữ Nôm, một hệ ngữ mà cha ông đã thể hiện trên dòng sản phẩm được biết đến như đồ chuyên dụng cho hoàng cung. Tuy 11 tác phẩm này chưa hẳn đã đầy đủ trong tổng số những tác phẩm chữ Nôm mà cha ông ta ghi trên đồ sứ kí kiểu. Nhưng qua bài này, người viết mới chỉ biết 11 tác phẩm và cũng xin được giới thiệu 11 tác phẩm đến bạn đọc. Rất mong nhận được sự chỉ giáo từ các bậc thức giả để cho vốn hiểu biết hạn hẹp của người viết thêm phần rộng mở.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Đình Sơn và Hoàng Anh: Tản mạn Phú Xuân, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2001.
2. Trần Đình Sơn: Duyên nợ văn chương, Tản mạn Phú Xuân 2, Nxb. Văn nghệ, Tp. HCM, 2006.
3. An Chi: Chuyện Đông chuyện Tây, Tập 6, Nxb. Trẻ, tr.203-207.
4. Chú Nhỏ (Lái Thiêu): Thêm cách đọc bài văn chiếc đĩa sứ cổ - văn vật Phú Xuân, Xưa & nay, Số 218.
5. Ngô Đăng Lợi: Góp thêm cách đọc lời đề từ bức họa Tam Thai đồ, Xưa & nay, Số 222.
6. Cao Tự Thanh: Về bài thơ trên đĩa Tam Thai đồ, Trần Đình Sơn tuyển in trong tập Tản mạn Phú Xuân 2: Cao sơn lưu thủy ngộ tri âm, Nxb. Văn nghệ, Tp.HCM, 2006.
7. Phạm Hy Bách: Hai món đồ sứ cổ lạ, Xưa & nay, số Xuân Kỷ Mão, 1999.
8. Phạm Hy Tùng: Đôi điều về những áng thơ Nôm trên một số đồ sứ cổ, Thông tin Khoa học & Công nghệ, Số 4/1998.
9. Vương Hồng Sển: Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế, Nxb Tp. HCM, 1993.
10. Trần Đức Anh Sơn: Đồ sứ kí kiểu triều Nguyễn - Sino Vietnamese porcelains in Nguyen period, Nxb. Đại học Quốc gia, 2008
11. Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Tự điển chữ Nôm, Nxb. Giáo dục, 2006.
12. Vũ Văn Kính: Đại tự điển chữ Nôm, Nxb. Văn nghệ Tp. HCM & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1999.
(Thông báo Hán Nôm học 2009; tr.174 -188)
Nguyễn Văn Chiến
Văn phòng Tỉnh ủy Hưng yên