Giới thiệu cổ vật

Bình vẽ tích Cá Chép vượt Vũ Môn

< >
Có niên đại hơn 100 năm, Bình vẽ tích Cá chép vượt Vũ Môn hóa Rồng vừa hiện thực vừa huyền ảo được làm tại lò gốm Dụ Thịnh Long ở đất Hải Ninh, vào tháng Giêng năm Canh Tý (tức là năm 1900).

Bình hoa sứ Vạn Ninh men trắng xanh lành nguyên, tạo dáng lục bình, men bóng khỏe có trôn phủ men. Hiện vật có sự kết hợp giữa thi và họa, một mặt vẽ họa, một mặt là phần thơ cổ.

Sự tích kể câu chuyên đi thi hóa rồng của các loài động vật dưới nước nhưng chỉ có cá chép vượt qua ba đợt sóng, lọt vào cửa Vũ môn hóa thành rồng. Vì vậy, Cá Chép được coi như một biểu tượng cực kỳ may mắn. Hình ảnh cá chép hóa rồng là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng trong cuộc sống, thăng tiến trong thi cử và công danh, tài lộc trong thương mại.

Bức họa chàm lớn vẽ rồng ở trên và cá chép dưới ao chuẩn bị vượt vũ môn rất sống động và linh hoạt. Ở đây có sự pha trộn giữa nét hiện thực với nét vẽ bay bổng, cách điệu. Hình cá chép mang vẻ đẹp chân thực trong khi họa rồng năm móng lại có nét vẽ rất phóng khoáng, cách điệu mang sức mạnh uy quyền của một linh vật. Bên cạnh bức họa là hai câu thơ:

Ba đào trạc lãng dũng

Tiêu hán thôn thổ vân

Dịch nghĩa:

Sóng lớn tung lên rửa bọt nước

Sông Ngân nuốt nhả một trời mây

 

Và Dòng lạc khoản nhỏ ghi xuất xứ của hiện vật:

Canh Tý nguyên nguyệt – Ninh châu – Dụ Thịnh Long tạo

Có nghĩa là : Làm tại lò gốm Dụ Thịnh Long ở đất Hải Ninh, vào tháng Giêng năm Canh Tý (tức là năm 1900).

Theo sử liệu, thời kỳ đầu, sứ Vạn Ninh men xanh nhạt sản xuất tại Việt Nam là do người Trung Quốc làm chủ lò cũng như kỹ thuật chế tác. Đây là một dòng sứ nặng lửa nung ở nhiệt độ từ 1250ºC– 1280ºC, làm từ đất sét trắng vùng Vạn Ninh, pha thêm chất chảy từ đá cao lanh, thạch anh làm tăng độ bám dính..

Bài viết và góp ý xin gửi về lienlac@covattinhhoa.vn